Lãi suất giảm, tiền gửi dân cư vẫn 'chảy' mạnh vào kênh ngân hàng
Trong bối cảnh lãi suất huy động giảm mạnh, kênh gửi tiền của ngân hàng vẫn "hút" hơn 11,9 triệu tỷ đồng trong 3 tháng đầu năm, trong đó riêng số tiền do người dân gửi vào lên đến 6,28 triệu tỷ đồng.
Theo số liệu từ Ngân hàng Nhà nước (NHNN), tổng phương tiện thanh toán trong nền kinh tế (chưa loại các khoản phát hành giấy tờ có giá do các tổ chức tín dụng trong nước mua) tính đến tháng 3/2023 đạt trên 14,415 triệu tỷ đồng, tăng 1,32% so với cuối năm 2022.
Xét theo nhóm khách hàng, tăng trưởng huy động vốn ngân hàng vẫn đang dựa vào nhóm khách hàng dân cư khi tiền gửi của dân cư tăng mạnh tới hơn 7%, trong khi đó, tiền gửi của các tổ chức kinh tế lại giảm gần 5% so với cuối năm 2022.
Cụ thể, trong bối cảnh lãi suất huy động đã giảm đáng kể so với cuối năm 2022, tiền của dân cư gửi vào ngân hàng tính đến cuối tháng 3/2023 vẫn đạt hơn 6,28 triệu tỷ đồng, cao nhất từ trước đến nay. Tính riêng trong 3 tháng đầu năm, có tới 415.058 tỷ đồng được người gửi vào hệ thống ngân hàng.
Ở chiều ngược lại, tiền gửi của nhóm khách hàng là tổ chức kinh tế lại giảm. Tính đến hết quý I/2023, tiền gửi của các tổ chức kinh tế đạt 5,66 triệu tỷ đồng, giảm gần 290.000 tỷ đồng so với cuối năm ngoái.
Diễn biến trái chiều của tiền gửi cá nhân và tiền gửi của các tổ chức kinh tế chủ yếu đến từ việc lãi suất huy động ở mức cao, trong khi các kênh đầu tư khác như bất động sản, trái phiếu ảm đạm. Vì vậy, nhà đầu tư cá nhân lựa chọn gửi tiền vào ngân hàng nhiều hơn.
Ở chiều ngược lại, tình hình kinh doanh khó khăn khiến các doanh nghiệp thiếu hụt dòng tiền dẫn đến dòng tiền của nhóm khách hàng này chảy vào ngân hàng sụt giảm.
Theo thống kê từ báo cáo tài chính quý I/2023 của các ngân hàng, tính đến ngày 31/3, tổng tiền gửi tại 28 ngân hàng là hơn 8,64 triệu tỷ đồng, tăng hơn 3,6% so với cuối năm ngoái. Trong đó, BIDV dẫn đầu với hơn 1,49 triệu tỷ tiền gửi khách hàng, tăng khoảng 23,7 nghìn tỷ (tương đương 1,6%) so với đầu năm. Vietcombank đạt hơn 1,28 triệu tỷ đồng tiền gửi, tăng 3,1% so với đầu năm. Trong khi đó, VietinBank ghi nhận chỉ tiêu này là hơn 1,27 triệu tỷ đồng, tăng 1,9%.
Tuy nhiên, thời gian gần đây, lãi suất tiết kiệm có xu hướng giảm, khi NHNN có ba lần hạ lãi suất điều hành. Lãi suất tiền gửi bình quân phát sinh mới của các ngân hàng thương mại ở mức khoảng 6,1%/năm, giảm 0,37%/năm so với cuối năm 2022. Lãi suất cho vay bình quân phát sinh mới ở mức khoảng 9,07%/năm, giảm 0,9%/năm so với cuối năm 2022.
Một số chuyên gia cho rằng, với đà giảm lãi suất huy động hiện nay, sẽ có ngân hàng trong nhóm ngân hàng TMCP nhỏ đứng trước áp lực huy động do "khát" vốn để xử lý nợ xấu, tái cơ cấu,...