Vẫn loạn gameshow truyền hình

Minh Quân 14/06/2023 08:00

Với sự bùng nổ của công nghệ truyền hình và các ứng dụng trực tuyến, các gameshow đã thu hút được sự chú ý của khán giả truyền hình. Thế nhưng, không ít chương trình đang đi lệch hướng với những nội dung, hình ảnh phản cảm và cả những lùm xùm ở hậu trường.

Chương trình “Người đấy là ai” đã tạo sức hút trên sóng truyền hình nhưng cũng đang vướng phải không ít lùm xùm.

Lạm dụng câu chuyện đời tư

Trong những năm qua, không thể phủ nhận các gameshow truyền hình đang “làm mưa, làm gió”, thậm chí là những “đặc sản” với tỷ suất người xem cao ngất ngưởng. Có thể kể đến các chương trình hài như: Cười xuyên Việt; Thách thức danh hài; Ơn giời cậu đây rồi… Hay các gameshow hẹn hò như: Chân ái, Vợ chồng son, Bạn muốn hẹn hò, Người ấy là ai… Thậm chí, nhiều chương trình còn “đi sâu” vào câu chuyện về giới tính, người đồng giới như Come out - Bước ra ánh sáng, Just love, Nghe cầu vồng nói… Theo thống kê sơ bộ, danh sách chương trình truyền hình thực tế, gameshow tương tác thuần giải trí trên các kênh truyền hình như Đài Truyền hình Việt Nam (VTV), Đài Truyền hình TPHCM (HTV) và Đài Truyền hình Vĩnh Long (THVL) hiện có hơn 70 chương trình đang phát sóng. Thực tế các gameshow ra đời đã phần nào đáp ứng được nhu cầu giải trí đa dạng của khán giả, thế nhưng, bên cạnh những hướng đi tích cực, không ít chương trình đang đi lệch hướng.

Được xem là một trong nhưng gameshow về âm nhạc “đình đám”, Rap Việt mùa thứ 3 đã vướng phải không ít những lùm xùm về ngôn từ trong ca khúc của các thí sinh dự thi. Cho dù trước đó, Ban tổ chức chương trình đã cập nhật những quy định và lưu ý với thí sinh tham dự vòng casting là sử dụng lyric (lời) phải văn minh (không dung tục, mày - tao, 18+…).

Chương trình Rap Việt luôn vướng phải những tranh cãi về nội dung trong các ca khúc.

Đáng buồn hơn là các chương trình đầy tính nhân văn về hẹn hò và giới tính thay vì mang thông điệp, kết nối yêu thương thì lại sa đà vào những câu chuyện đời tư. Trong đó phải kể đến “Just love” – một chương trình có nội dung liên quan đến cộng đồng LGBT thu hút đông đảo người xem. Tại đây, các cá nhân có thể lên tiếng chia sẻ quan điểm hoặc tranh luận về các vấn đề trong cộng đồng của họ. Tuy nhiên, chỉ sau một thời gian ngắn, “Just love” đã phải dừng phát sóng do chứa nhiều chi tiết phản cảm.

Mới đây chương trình “Người ấy là ai” dù đang rất “hot” trên sóng truyền hình cũng đã phải lên tiếng xin lỗi, thừa nhận sai sót ngay trong tập đầu tiên của mùa 5 khi đưa thông tin về quá trình chuyển giới của NPAK - một người chơi trong chương trình. Bên cạnh đó, nhiều chương trình hẹn hò khác cũng khiến khán giả bức xúc vì có “sạn”. Như chương trình Giai điệu chung đôi, Khúc hát se duyên,... không ít lần khiến người xem phẫn nộ khi khai thác chuyện yêu đương một cách quá đà và dàn dựng một cách “trắng trợn”. Hay “Lựa chọn trái tim” dù hướng đến thông điệp “tình yêu thật sự thì không đến từ ngoại hình”, nhưng thực tế trái ngược hoàn toàn khi quá nhiều sự giáo điều, sáo rỗng và giả dối... hết sức phản cảm.

Gameshow truyền hình đang thiếu đi những nội dung mang tính nhân văn.

Phản ứng ngược

Có thể nói, việc “chiếm sóng” của các gameshow truyền hình đáp ứng nhu cầu giải trí ngày càng phog phú của công chúng cũng là xu hướng chung. Tuy nhiên, để các chương trình có thể giữ được khán giả thì không phải chuyện đơn giản. Nhiều khán giả than thở, họ thấy ngán ngẩm khi nhiều gameshow gần đây thường mở đầu bằng drama, những loạt tranh cãi không đáng có gây mất điểm trong mắt công chúng, có chiêu trò tưởng chừng đã cũ mèm nhưng vẫn được nhà sản xuất “xào nấu” lại để gây chú ý.

Chương trình Just love.

Trong khi đó trên các sóng truyền hình hàng ngày vốn được xem là mảnh đất “màu mỡ” cho những gameshow “vui là chính” thì lại đang “chật chội” với các chương trình nhân văn, tử tế. Nghịch lý này khiến công chúng không khỏi buồn và hụt hẫng... Gần đây nhất, một chương trình đầy tính nhân văn “Như chưa hề có cuộc chia tay” đã suýt bị “khai tử” vì... cạn kiệt nguồn tài trợ. Rất may đến “phút chót” chương trình đã có sự tiếp sức của các các mạnh thường quân. Tuy nhiên, không phải chương trình nhân văn nào cũng có được may mắn ấy. “Vượt lên chính mình”, “Lục lạc vàng”, “Trở về từ ký ức”, “Ngôi nhà mơ ước”... và còn biết bao chương trình đã từng lấy nhiều nước mắt của khán giả, giờ chỉ còn trong hoài niệm.

PGS.TS Bùi Hoài Sơn - Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội nhìn nhận, sở dĩ vẫn xuất hiện những gameshow có cảnh quay “lệch chuẩn” là vì các đơn vị sản xuất đang chịu sự cạnh tranh khốc liệt về tỷ suất người xem. Các chương trình phải luôn cố gắng để sáng tạo, tìm tòi cái mới, cái độc. Chính trong quá trình này, nhiều sáng tạo để câu khách quá lố đã xuất hiện. Ông Sơn cho rằng, đã đến lúc các đơn vị sản xuất cần thật sự nghiêm túc trong xây dựng nội dung lành mạnh cho các chương trình giải trí: “Mục tiêu đặt ra là phải vừa thỏa mãn nhu cầu tinh thần của người xem, vừa có tác dụng định hướng xây dựng đạo đức, lối sống cho khán giả. Muốn đạt được các mục tiêu đó, cần có sự phối hợp đồng bộ giữa các khâu. Từ sáng tạo nội dung đến tổ chức biên tập, phát sóng, tất cả phải được làm rất chỉn chu để hạn chế tối đa việc phổ biến những sản phẩm kém chất lượng. Phải nhận thức rõ, chính nghệ thuật sẽ tạo nên môi trường văn hóa cho sự phát triển nhân cách của con người. Cụ thể hơn ở đây, đối tượng chịu tác động chính là khán giả xem truyền hình” - PGS.TS Bùi Hoài Sơn bày tỏ.

Minh Quân