Giá giảm sâu, người nuôi tôm gặp khó
Tại thời điểm này, giá tôm nguyên liệu tại nhiều địa phương Vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) vẫn tiếp tục giảm. Người nuôi tôm lo lắng, nhiều hộ đã tính tới chuyện “treo ao” vì khó có thể tiếp tục “gồng gánh”.
Giá tôm nguyên liệu tiếp tục giảm sâu
Ngày 13/6, tại tỉnh Bạc Liêu các thương lái báo giá mua tôm thẻ chân trắng chỉ còn 114 nghìn/1kg loại 30 con.
Ông Trương Đông Hải - Chủ tịch UBND xã Long Điền Đông (huyện Đông Hải, tỉnh Bạc Liêu) cho biết: Trước, trong và sau Tết, 30 con tôm/1kg có lúc giá lên tới 320 nghìn/1kg, cũng có lúc còn 180 nghìn/1kg. Tuy nhiên giá trung bình của con tôm để người nông dân nuôi có lãi, 30 con/1kg chỉ cần giá 160 nghìn. Nhưng hiện tại giá 30 con/1kg giảm còn 114 nghìn/1kg, như vậy với giá này người nuôi không có lãi, hoặc cầm chắc lỗ. Chỉ có cách nuôi loại 20 con/1kg mới có lời, hiện tại 20 con/1kg giá rất cao khoảng 220 nghìn/kg. Tuy nhiên ở xã này để nuôi từ 30 con/kg xuống còn 25 con/kg đã là cả vấn đề nói gì tới nuôi còn 20 con/kg, cùng lắm ở xã chỉ một vài hộ nuôi được…
Theo các doanh nghiệp (DN) chế biến tôm xuất khẩu tại ĐBSCL, thời gian gần đây tình trạng lạm phát đã ảnh hưởng rất lớn tới sức mua của nhiều thị trường, đơn hàng tại các thị trường truyền thống như Mỹ, EU, Nhật Bản… cũng giảm sút mạnh khiến lượng hàng tồn kho nhiều lên cung vượt cầu khiến cho giá tôm giảm mạnh.
Hiện tại Cà Mau có vùng nuôi tôm nước mặn, lợ lớn nhất cả nước, với 280.000 ha. Ông Nguyễn Hoàng Ân - Giám đốc Hợp tác xã nuôi trồng thủy sản Cái Bát (xã Hòa Mỹ, huyện Cái Nước, tỉnh Cà Mau) cho biết, với giá tôm như hiện nay thì người nuôi không có lợi nhuận, nguy cơ thua lỗ cao. Hiện nhiều người nuôi tôm đã bắt đầu “treo ao”. Nuôi tôm siêu thâm canh tỷ lệ rủi ro đã cao. Trong khi đó, giá tôm thẻ chân trắng đang ở mức thấp nên nuôi tôm vào thời điểm này rủi ro rất cao.
Một trong những nguyên nhân làm cho giá tôm sụt giảm là do việc xuất khẩu chậm; trong khi đó diện tích nuôi tôm nước lợ, nước mặn ở vùng ĐBSCL tăng cao. Mô hình nuôi tôm công nghệ cao đã được nhân rộng cho sản lượng tôm ngày càng lớn, dẫn đến cung vượt cầu.
Nhiều giám đốc DN có kinh nghiệm xuất khẩu tôm ở ĐBSCL cũng đồng tình với việc, khủng hoảng kinh tế đang gây ảnh hưởng nghiêm trọng về mọi mặt, làm cho thủy sản của Việt Nam sang thị trường châu Âu, Bắc Mỹ sụt giảm nghiêm trọng, khiến giá nguyên liệu trong nước thời gian qua liên tục giảm giá.
Theo ông Huỳnh Quốc Việt - Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau, thủy sản là ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh trong hiện tại cũng như tương lai. Hoạt động xuất khẩu thủy sản mà gặp khó khăn sẽ tác động rất lớn đến đời sống của người dân, ảnh hưởng đến phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Chính vì thế, vừa qua tỉnh đã họp với DN xuất khẩu thủy sản trên địa bàn, tìm giải pháp nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho DN, thúc đẩy hoạt động sản xuất và xuất khẩu trong thời gian tới.
Hỗ trợ người nuôi tôm vượt qua khó khăn
Báo cáo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho thấy, các mặt hàng thủy sản xuất khẩu chủ lực đều ghi nhận mức sụt giảm mạnh trong 5 tháng đầu năm nay. Trong đó, xuất khẩu cá tra chỉ thu về 690 triệu USD, giảm 40,7%; tôm đạt 1,22 tỷ USD, giảm 34,4% so với cùng kỳ năm 2022. Trong tháng 5/2023 vừa qua, giá tôm nguyên liệu tại khu vực ĐBSCL có xu hướng giảm đối với cả tôm sú và tôm thẻ chân trắng do xuất khẩu chậm, trong khi lượng thu hoạch tăng cao dẫn đến cung vượt cầu. Quý I/2023, xuất khẩu tôm chỉ đạt 600 triệu USD, giảm 37% so với cùng kỳ năm trước.
Lãnh đạo xã Long Điền Đông (huyện Đông Hải, tỉnh Bạc Liêu) cho biết thêm: Xã có diện tích nuôi tôm trên 3.000ha, trong đó diện tích nuôi tôm bán thâm canh, công nghiệp khoảng 1.500ha. Trong diện tích 1.500ha nuôi tôm công nghiệp, công nghệ cao chiếm khoảng 400 ha tương đương với 136 hộ nuôi. Xã Long Điền Đông là địa phương nuôi tôm lớn nhất huyện, huyện Đông Hải là vùng nuôi tôm lớn nhất tỉnh Bạc Liêu. Mặc dù giá giảm nhưng xã vẫn khuyến cáo người dân vẫn tiếp tục duy trì thả nuôi. Về giá cả còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố nhưng vẫn tin tưởng sắp tới giá sẽ phục hồi. Vì quy trình vụ nuôi tôm phải mất thời gian từ 4 - 5 tháng, nếu người dân không nuôi, khi giá tôm phục hồi tăng cao thì lúc đó không có tôm để bán.
Trước những khó khăn về xuất khẩu thủy sản, lãnh đạo ngành công thương các tỉnh, thành tại ĐBSCL như Cà Mau, Bạc Liêu, Sóc Trăng, Bến Tre... đang tăng cường hỗ trợ DN các hoạt động xúc tiến thương mại, tìm kiếm khách hàng, mở rộng thị trường; tăng cường hỗ trợ DN tiếp cận thị trường mới như khu vực Trung Đông, châu Phi; tăng cường liên kết, chia sẻ thông tin giữa các vùng, địa phương về tình hình sản xuất, sản lượng và tình hình xuất khẩu để hợp tác, xác định thị trường tiêu thụ sản phẩm; thực hiện chương trình kết nối ngân hàng - DN; tạo điều kiện cho các DN, hợp tác xã tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi…
Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) cho biết: Hiện mỗi năm cả nước cho ra gần 1 triệu tấn tôm, trong đó tôm sú hơn 300.000 tấn nhưng xuất khẩu chỉ 150.000 tấn, như vậy 50% sản lượng tôm sú đang ở thị trường nội địa. Do đó, phải cân đối được vấn đề phục vụ trong nội địa và xuất khẩu, bởi giá thủy sản xuất khẩu bao giờ cũng thấp hơn so với giá thị trường trong nước. VASEP cho rằng các doanh nghiệp ngoài mở rộng các thị trường nước ngoài cần đặc biệt lưu ý thị trường nội địa... DN trong ngành thủy sản nói chung, tôm nói riêng cũng đang rất chờ đợi sự tiếp sức từ gói tín dụng 10.000 tỷ đồng. Theo VASEP, gói vay với lãi suất thấp sẽ có tác dụng kích cầu để DN thu mua nguyên liệu cho bà con nông dân. Từ đó giúp DN chuẩn bị trước để đón đầu thị trường phục hồi trong thời gian tới.