Những xóm chài trên biển
Trưa tháng 6, nước biển ven bờ vịnh Hạ Long không làm hạ bớt nhiệt độ trên thuyền. Không khí oi bức cùng với mùi vị mặn nồng của biển khiến những người không quen khó mà ngồi trên thuyền quá 30 phút. Thế nhưng, trẻ em xóm chài vẫn hồn nhiên đùa nghịch, ăn, ngủ trên những chiếc thuyền nan ấy...
Vừa được nghỉ hè hôm trước, hôm sau 2 anh em Phong, Hiền đã phải theo bố mẹ đi ngòi trong lòng vịnh. Đi ngòi, đó là từ địa phương chỉ những người làm nghề phụ trên biển như đánh hà, câu cáy, bắt ốc… Thực ra, nếu không nghỉ hè thì tuần nào anh em Hiền cũng có vài ba buổi lặn lội trên những ghềnh đá, bắt con ốc, con hà, con cà khé, đặng phụ thêm cho bố mẹ đồng rau, đồng mắm. Nhưng nghỉ hè là những buổi đi biển xa hơn, có khi phải 2, 3 ngày mới về, khiến làn da vốn đã rám nắng của cô bé 9 tuổi cháy đỏ.
Đời du mục trên biển
Hiền sinh ra trên biển. Chiếc thuyền nan được đan bằng tre, neo cố định sát mép núi thuộc phường Bạch Đằng (TP Hạ Long) là nơi trú ngụ của mấy anh chị em Hiền cùng bà nội. Ngoài chị cả thuê căn nhà trọ trên đất liền để tiện đi làm thuê, còn lại 7 anh chị em, đứa theo bố mẹ trên chiếc thuyền câu, đứa ở với bà nội.
Căn nhà được ngăn làm 3 gian. Gian chính giữa làm nơi thờ cúng, ăn, ngủ. Gian phía mũi thuyền đặt bếp nấu ăn, treo võng. Gian sau làm nơi tắm giặt, vệ sinh, phơi quần áo. Ngoài ra, mái của gian giữa được tận dụng thành 1 phòng ngủ cho đứa lớn. Đứa bé được ưu ái ngủ với bà trong khoang giữa.
Những căn nhà như thế tồn tại ven bờ vịnh Hạ Long từ nhiều năm nay. Đến năm 2014, tỉnh Quảng Ninh đã thực hiện việc di dời hàng trăm hộ dân sinh sống lâu đời trên vùng lõi Di sản thiên nhiên thế giới vịnh Hạ Long về khu tái định cư phường Hà Phong (TP Hạ Long). Những hộ không đủ điều kiện nhận nhà trong khu tái định cư bất đắc dĩ lại sống đời du mục trên biển.
Hôm nay sống ở mỏm núi này, khi nào chính quyền ra quân yêu cầu di dời thì lại đến neo thuyền ở mỏm núi khác. Có căn nhà mọc lên đơn lẻ. Có chỗ 3, 4 chiếc thuyền tụ nhau thành 1 xóm. Xóm chài đông nhất hiện tại nằm ở khu vực núi đối diện công viên Lán Bè, thuộc phường Bạch Đằng (TP Hạ Long), chỉ cách bờ non 100m.
Anh Phạm Văn Nhặt, 45 tuổi (bố của bé Hiền) thường xuyên đi làm xa trên biển. Cũng như một số hộ khác không có một tấc đất trên bờ, anh Nhặt đi làm mà canh cánh nỗi sợ khi có đoàn kiểm tra xuống, không biết mẹ già con nhỏ ở nhà sẽ xoay xở ra sao?
Mơ một căn nhà thắp điện
Nếu không có những căn biệt thự trên bờ, thắp điện sáng trưng đổ bóng xuống mặt biển vào mỗi tối, có lẽ Đạt không có ước mơ về một căn nhà thắp điện sáng. Nhưng cậu bé 12 tuổi vẫn ý thức được rằng, đó chỉ là giấc mơ. Cuộc sống thực tại quen thuộc là khoang thuyền đầy muỗi, dĩn.
Thứ duy nhất có thể phát điện trên thuyền là bình ắc quy, đủ dùng để thắp cho chiếc bóng đèn nhỏ và sạc điện thoại. Không có điện, phương tiện giải trí của lũ trẻ xóm chài chủ yếu là chiếc điện thoại của mẹ hay anh chị cho xem trong chốc lát. Không khí buổi tối mùa hè trên thuyền dễ chịu hơn so với ban ngày. Thậm chí đêm phải đắp chăn mà không cần có quạt.
Kỳ nghỉ hè năm nay, Đạt không phải theo bố đi biển như mọi năm nữa. Nhiệm vụ của Đạt là ở lại thuyền trông em Quyền và làm chân sai vặt cho mẹ. Tiếng là trông em nhưng Đạt thường xuyên vừa trông vừa ngủ, bởi đã có 1 sợi dây buộc túm áo em bên cạnh, đề phòng em đi ra mép thuyền trượt chân rơi xuống biển.
Từ vụ đuối nước thương tâm hồi năm 2010, đứa con trai đầu lòng chưa đầy 4 tuổi của vợ chồng anh Ba ở khu bến cá Cột 5 (phường Hồng Hà, TP Hạ Long) bị ngã từ trên thuyền xuống đuối nước, đến giờ những đứa trẻ lít nhít sống trên thuyền đều được bố mẹ buộc 1 sợi dây vào quần hay áo. Chiếc áo (quần) được cắt một lỗ nhỏ đủ để luồn sợi dây vào, rồi buộc túm lại. Đầu dây kia được buộc vào 1 chỗ nào đó chắc chắn trên thuyền, khoảng dây vừa đủ dài để đứa bé chỉ di chuyển được trong vùng an toàn.
11 tuổi, đã học 3 năm lớp 1 Trường Tiểu học Trần Quốc Toản nhưng Phong vẫn chưa thuộc hết mặt chữ. Cái mà Phong thuộc nhiều hơn hẳn các bạn cùng trang lứa sinh sống trên bờ, đó là sự tháo vát, nhanh nhẹn trên sông nước.
11 tuổi, lứa tuổi mà hầu hết những đứa trẻ trên phố còn được chăm chút ăn học, thì trẻ xóm chài đã phải tập để làm những ngư dân thực thụ. Phong cũng vậy. Từ năm 9 tuổi, cậu đã phải theo bố đi thả câu, giăng lưới trên vùng vịnh Bái Tử Long. Hè năm nay, thời tiết không thuận tiện cho việc đi câu, Phong cùng vài đứa trẻ khác được thả xuống khu vực núi Bà Hai, để bắt tất cả những con gì có thể bán được.
Ven bờ vịnh Hạ Long có hàng chục xóm chài sinh sống quần cư trên biển. Họ lấy thuyền làm nhà, lấy biển làm chốn mưu sinh. Lũ trẻ hầu hết được sinh ra ở những gia đình đông con, mọi thứ đều thiếu thốn. Từ cái ăn, cái mặc, đến nước ngọt cũng phải chắt chiu. Giời thương, đứa trẻ xóm chài nào cũng khỏe mạnh. Hiền, Phong, Quyền, Đạt, chẳng đứa nào bố mẹ phải mất tiền mua sữa ngoài, cơm canh thì bữa mặn bữa nhạt, vậy mà đứa nào cũng lớn thôi thổi. Ngoài giúp mẹ nấu cơm, trông em, Hiền còn biết ra bến chèo đò phụ giúp thêm cho bố mẹ đồng rau, đồng mắm.
Ước mơ về 1 căn nhà nhỏ thắp đèn của những đứa trẻ xóm chài như Hiền, Phong, Quyền, Đạt thỉnh thoảng lại nhen nhóm trong khoang thuyền đầy muỗi, dĩn.
Ông Nguyễn Ngọc Sơn - Phó Chủ tịch UBND TP Hạ Long, cho biết: Khi thực hiện quy hoạch làng chài về khu tái định cư phường Hà Phong (TP Hạ Long), thành phố đã xét rất kỹ về các trường hợp. Vì có nhiều người đã có nhà ở chỗ khác, hoặc ở địa phương khác đến thì không thể đủ điều kiện để bố trí lên làng chài đó được. “Về hỗ trợ cho trẻ em ở các xóm chài này, nếu thuộc hộ nghèo chúng tôi vẫn thực hiện theo chính sách. Đối với các hộ khác không nằm trong chính sách, nhưng chúng tôi thường xuyên huy động các phường vận động cho các cháu tới lớp. Nếu các hộ khó khăn, địa phương cùng nhà trường chung tay hỗ trợ về học phí, cơ sở vật chất. Tiêu chí là không để cho các cháu không có chỗ đi học, hoặc đi học mà không có đủ trang thiết bị học tập” - ông Sơn nói.