Ung thư giai đoạn cuối điều trị được không?

An Thái 14/06/2023 06:30

Ung thư giai đoạn cuối là tiến trình phát triển cuối cùng của bệnh ung thư. Ở giai đoạn này, ung thư có thể phát triển với kích thước khó xác định, xâm lấn bất kỳ cơ quan nào, di căn hạch bất kỳ và di căn đến các cơ quan ở xa. Ung thư di căn chủ yếu qua mạch máu hay hệ bạch huyết.

Chủ động tầm soát ung thư vú. Ảnh: TL.

Tại nước ta, 10 loại ung thư phổ biến nhất năm 2020 gồm: Ung thư gan, phổi, vú, dạ dày, đại tràng, trực tràng… Đáng nói, do tâm lý chủ quan, e ngại và diễn biến phức tạp của bệnh lý ác tính này mà đa số bệnh nhân ung thư đều phát hiện bệnh ở giai đoạn muộn, giai đoạn cuối của ung thư.

Nhiều bệnh nhân ung thư không rõ tại sao ngay khi có biểu hiện đau hoặc phát hiện ra khối u đã đi khám ngay nhưng bệnh vẫn ở giai đoạn muộn và tiên lượng sống thấp. GS.TS Nguyễn Bá Đức - nguyên Giám đốc Bệnh viện K, Phó chủ tịch Hội Ung thư Việt Nam nhấn mạnh, cần phải biết rằng ung thư là bệnh của tế bào. Sự phát triển của tế bào ung thư có thể đã phát triển trong cơ thể từ 15-20 năm trước, nhưng không thể/không được phát hiện…

Vậy ung thư giai đoạn cuối có chữa được không? Đây luôn là nỗi lo lắng của tất cả người bệnh. Thực tế, tiên lượng sống cho bệnh nhân ung thư phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố, trong đó giai đoạn bệnh là một trong những yếu tố mang tính quyết định. Nhìn chung, tiên lượng sống cho bệnh nhân ung thư giai đoạn cuối là khá dè dặt, đặc biệt là với một số bệnh như ung thư phổi, gan, thực quản, tụy…

ThS.BS Lương Duy Long - chuyên gia ung bướu (Bệnh viện Ung Bướu Hưng Việt) cho biết: Hiện nay đang có rất nhiều loại bệnh ung thư. Mỗi bệnh lý ung thư lại có dấu hiệu và triệu chứng khác nhau. Ung thư tuy là căn bệnh nguy hiểm và có nhiều trường hợp khi phát hiện đã mắc bệnh ung thư giai đoạn cuối nên đa số bệnh nhân ung thư thường hoang mang và mất đi hy vọng. Tuy nhiên, không phải ai khi bị bệnh ung thư giai đoạn cuối cũng là đối diện với “án tử”. Những người mắc ung thư giai đoạn cuối cần có ý chí chiến đấu với bệnh tật bằng tinh thần lạc quan, thoải mái, kết hợp cùng với chế độ dinh dưỡng hợp lý và các thuốc, thực phẩm hỗ trợ thích hợp sẽ giúp nâng cao hiệu quả điều trị và kéo dài thời gian sống.

Cùng với đó, BS Long lưu ý, hầu hết bệnh nhân khi biết mình bị mắc bệnh ung thư giai đoạn cuối đều có tâm lý hoang mang, lo sợ, thậm chí là suy sụp tinh thần lẫn sức khỏe nghiêm trọng. Khi chăm sóc người mắc bệnh ung thư giai đoạn cuối, người thân không những cần biết cách giảm nhẹ triệu chứng mà còn phải trở thành là chỗ dựa tinh thần thật vững chắc. Chăm sóc bệnh nhân ung thư giai đoạn cuối đúng phương pháp sẽ giúp người bệnh cải thiện được chất lượng cuộc sống và kéo dài thời gian sống. Vì vậy, trong quãng thời gian này, việc điều trị, chăm sóc và động viên người bệnh là vô cùng quan trọng.

Theo các chuyên gia y tế, để phòng ngừa ung thư hãy chủ động thăm khám để phát hiện ung thư sớm. Ung thư không phải là dấu chấm hết, không phải là bản án tử mà có thể chữa khỏi nếu được phát hiện sớm và điều trị tích cực. Một trong những nguyên nhân hàng đầu khiến 70% bệnh nhân ung thư phát hiện bệnh muộn chủ yếu là do chủ quan, không chủ động thăm khám sớm mà bỏ qua nhiều bất thường của bệnh. Vì vậy, chủ động thăm khám, tầm soát ung thư định kỳ luôn được các bác sĩ khuyến khích, đặc biệt với những người thuộc nhóm có nguy cơ mắc bệnh cao (hút thuốc lá, uống rượu bia, béo phì, tiền sử gia đình có người mắc ung thư…).

Theo thống kê, mỗi năm Việt Nam có hơn 180.000 ca mắc mới, trên 120.000 người tử vong do ung thư, gấp 18 lần tử vong vì tai nạn giao thông. Trong đó, các loại ung thư thường gặp là: Ung thư gan, phổi, dạ dày, đại tràng… Đáng nói, dù có nhiều tiến bộ trong sàng lọc phát hiện sớm, chẩn đoán, điều trị, nhưng nhiều bệnh nhân vẫn đến khám ở giai đoạn muộn khiến tỷ lệ tử vong cao. Trong khi, khả năng kéo dài sự sống phụ thuộc vào các yếu tố: Giai đoạn bệnh, sự đáp ứng điều trị, phối hợp của các phương pháp.

An Thái