Một việc sớm phải làm
Ngày 12/6, tại cuộc họp với các bộ và cơ quan liên quan về sửa đổi hoàn thiện, các văn bản pháp luật liên quan đến công tác phòng cháy, chữa cháy (PCCC), Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà đề nghị phân loại hơn 38.000 cơ sở hiện hữu còn tồn tại về PCCC. Cần sửa đổi các quy định về PCCC theo hướng linh hoạt, không nặng về hành chính, nhưng đảm bảo hiệu quả công tác này.
Theo Bộ Công an, hiện có trên 38.000 cơ sở hiện hữu đã đưa vào sử dụng còn tồn tại về PCCC không có khả năng khắc phục theo các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật về PCCC ở thời điểm đưa vào hoạt động. Các vi phạm chủ yếu về kiến trúc, kết cấu xây dựng của công trình đã thi công xây dựng, như thoát nạn, khoảng cách an toàn PCCC, bậc chịu lửa, đường, bãi đỗ xe chữa cháy… Các công trình này buộc phải sửa chữa khắc phục.
Được biết, Bộ Công an đang phối hợp với Bộ Xây dựng tổng hợp, nghiên cứu tiếp thu, giải trình các ý kiến góp ý của bộ, ngành, địa phương để hoàn thiện Dư thảo Nghị quyết của Chính phủ tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong áp dụng quy chuẩn, tiêu chuẩn kỹ thuật đối với hoạt động đầu tư, xây dựng theo từng đối tượng, loại hình cơ sở hiện hữu. Đến ngày 10/6, Bộ Xây dựng đã nhận được ý kiến góp ý cho dự thảo Nghị quyết của 13/22 bộ ngành, cơ quan trung ương. Dự kiến, Nghị quyết trình Chính phủ vào cuối tuần này.
Tại cuộc họp, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà nhấn mạnh, nhiều đối tượng, loại hình cơ sở hiện hữu còn tồn tại về PCCC mà không có hướng dẫn, không đưa vào tầm kiểm soát. Khi áp dụng các quy định về PCCC còn máy móc giữa các đối tượng vi phạm PCCC có nguy cơ cao và những đối tượng ít nguy cơ. Do đó, cần sửa đổi các quy định về PCCC theo hướng linh hoạt, không nặng về hành chính, nhưng đảm bảo hiệu quả. Giao Bộ Xây dựng ban hành các hướng dẫn kỹ thuật, hướng dẫn chung, phân loại cụ thể đối với tồn tại về PCCC… và có hướng dẫn thực hiện cụ thể. Giao Bộ Công an, Cục Cảnh sát PCCC và các sở công an địa phương tiến hành kiểm tra, thanh tra xử lý hành chính và giám sát các cơ sở đó thực hiện những biện pháp khắc phục bổ sung.
Trước đó, ngày 2/6, trong cuộc họp xử lý khó khăn, vướng mắc liên quan đến quy định PCCC trong hoạt động đầu tư xây dựng cơ bản, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà đã giao Bộ Xây dựng nghiên cứu rà soát, sửa đổi quy chuẩn QCVN 06:2022/BXD về an toàn cháy cho nhà và công trình phù hợp với mục đích, loại hình, công năng của công trình, lĩnh vực sản xuất kinh doanh, công nghệ để đáp ứng yêu cầu PCCC, an toàn tính mạng, tài sản, không gây lãng phí nguồn lực xã hội, có tính khả thi. Ban hành trước ngày 30/6/2023.
Phó Thủ tướng lưu ý, cần xây dựng các quy chuẩn đặc thù đối với nhóm loại hình nhà ở, sản xuất kinh doanh có nguy cơ cao về cháy, nổ, ảnh hưởng đến tính mạng, tài sản của người dân, như kinh doanh gas, các mặt hàng, vật liệu dễ cháy, dịch vụ karaoke, vũ trường, trường học, bệnh viện, trung tâm thương mại, chợ, siêu thị. Cùng đó, khẩn trương xử lý các kiến nghị của người dân và doanh nghiệp. Kịp thời kiểm tra, đánh giá cho phép các công trình, cơ sở hoạt động trở lại sau khi đã khắc phục tồn tại, thiếu sót, vi phạm về PCCC theo quy định.
Bên cạnh đó, Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ Công an, UBND các tỉnh, thành phố tiếp tục rà soát, phân loại cụ thể từng nhóm các cơ sở có nguy cơ cháy, nổ cao để báo cáo Thủ tướng và thông báo cho chủ tịch UBND các địa phương được biết, chỉ đạo khắc phục và và chịu trách nhiệm nếu để xảy ra cháy, nổ gây hậu quả nghiêm trọng, hoàn thành trong tháng 6/2023.
Thông tin từ Bộ Công an, trên cả nước hiện có 8.114 công trình tại 51 tỉnh, thành phố chưa được nghiệm thu về PCCC đã đưa vào sử dụng và chưa khắc phục đầy đủ yêu cầu an toàn PCCC theo quy chuẩn QCVN 06:2022/BXD.
Các vụ cháy thường gây ra thiệt hại cả về người và tài sản. Bởi vậy, việc thực hiện nghiêm quy định về PCCC là rất cần thiết. Tuy nhiên, thời gian qua nhiều doanh nghiệp, hộ kinh doanh phản ánh việc siết đột ngột cùng nhiều quy định cứng nhắc về PCCC khiến họ không xây dựng, sử dụng được nhà xưởng hoặc thậm chí phải đóng cửa. Môi trường kinh doanh do đó cũng bị ảnh hưởng.
Vì thế, ngày 5/4, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã ra công điện yêu cầu các bộ ngành, địa phương tìm cách gỡ khó. Để đảm bảo vừa tuân thủ quy định PCCC vừa không ảnh hưởng đến việc kinh doanh, sản xuất của doanh nghiệp, người dân, Thủ tướng yêu cầu Bộ Công an chủ trì cùng Bộ Xây dựng rà soát lại chính sách, pháp luật PCCC để sửa đổi, bổ sung hoặc đề xuất lên cấp cao hơn để chỉnh sửa. Bộ Xây dựng được giao rà soát các quy định trong đầu tư xây dựng nhà, công trình sản xuất, kinh doanh. Cả hai bộ được yêu cầu tạo điều kiện thuận lợi nhất cho hoạt động đầu tư xây dựng, sản xuất, kinh doanh, đồng thời cắt giảm thủ tục hành chính.
Nay, với sự chỉ đạo tiếp tục của Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà, có thể thấy việc sửa đổi các quy định về PCCC theo hướng linh hoạt, không nặng về hành chính là việc sớm phải làm.