Tìm cách giữ chân người lao động
Từ đầu năm đến nay, tình trạng thiếu đơn hàng khiến nhiều doanh nghiệp (DN) cực chẳng đã phải cho lao động nghỉ việc. Tuy nhiên, cũng có không ít DN đang vừa lo chạy đơn hàng vừa lo giữ chân người lao động.
Hiện người lao động (NLĐ) tại các địa phương vùng trọng điểm kinh tế phía Nam như Đồng Nai, Bình Dương và TPHCM gặp khó khăn. Tuy nhiên không phải vì thế mà bức tranh kinh tế sẽ tiếp tục ảm đạm trọng giai đoạn cuối năm mà ngược lại đã và đang có những tín hiệu tích cực.
Tại Đồng Nai, các DN đang rục rịch triển khai kế hoạch sản xuất kinh doanh cho giai đoạn 6 tháng cuối năm. Ông Nguyễn Thái Bình - chủ một DN xuất khẩu bột mỳ thực phẩm cho biết, hiện ngoài các đơn hàng đã ký từ đầu năm, DN cũng đã ký mới thêm một số hợp đồng. “Điều tôi lo lắng nhất là không có việc dẫn đến phải cho NLĐ nghỉ. Nhưng nay mối lo đã được giải quyết với số hợp đồng vừa ký” - ông Bình nói.
Qua ghi nhận, nhiều DN tại Đồng Nai cũng khẳng định sẽ cố duy trì nguồn lực ở mức độ đảm bảo sản xuất kinh doanh nhằm tránh tình trạng có việc nhưng thiếu người làm vào dịp cuối năm. Một số công ty có lượng công nhân “khủng” như Công ty cổ phần Taekwang Vina (Biên Hòa), Công ty TNHH Changshin Việt Nam (huyện Vĩnh Cửu) vẫn đang duy trì sản xuất ổn định do vậy việc giữ chân NLĐ vẫn được ưu tiên. Với một số DN hiện tại chưa ổn định sản xuất, kinh doanh vì đơn hàng đang ít thì áp dụng chính sách cho công nhân nghỉ luân phiên, hoặc cho tạm nghỉ có hỗ trợ chi phí.
Chủ tịch Công đoàn Công ty cổ phần Taekwang Vina, ông Đinh Sỹ Phúc cho biết, công ty mặc dù cũng đang gặp khó khăn về đơn hàng nhưng chưa tính đến việc cắt giảm lao động. Hiện tại sản xuất vẫn đang duy trì ổn định, công nhân được làm đủ giờ. Ông Phúc cũng nhận định, từ nay đến cuối năm dự báo tình hình kinh tế sẽ ổn hơn, về phía công ty các đối tác đều đã có đơn hàng. “Lúc đó có đơn hàng mà không có người làm thì cũng khó. Nên công ty cố gắng duy trì sự ổn định lao động” - ông Phúc nói.
Đại diện Hiệp hội DN TPHCM cho biết, ngành dệt may ghi nhận kim ngạch xuất khẩu giảm trên 8% so với cùng kỳ. Để duy trì sản xuất nhiều DN buộc phải giảm giờ làm. Theo ông Phạm Xuân Hồng - Chủ tịch Hội may thêu đan TPHCM, dù đơn hàng của ngành dệt may khó khăn song các DN trong ngành vẫn cố xoay xở bằng mọi cách để giữ chân NLĐ. Giải pháp tình thế hiện nay nhiều DN áp dụng là tranh thủ những đơn hàng nhỏ lẻ, đơn hàng giá rẻ nhằm duy trì sản xuất, duy trì thu nhập cho công nhân. “Thu nhập của công nhân không cao nhưng vẫn còn hơn là không có việc” - ông Hồng nói.
Tương tự, bà Lê Thị Ngọc Bích - Chủ tịch Công đoàn Công ty Top Royal Flash Việt Nam chia sẻ, khan hiếm đơn hàng sản xuất nhưng DN vẫn tìm mọi cách giữ chân NLĐ. Cụ thể, đơn vị giảm lương lãnh đạo để ổn định thu nhập cho NLĐ với mức từ 6 - 10 triệu đồng/tháng. Song song đó, DN còn tìm mọi cách giảm bớt chi phí quản lý, hạn chế chỉnh sửa các sản phẩm đã sản xuất, yêu cầu sản xuất phải đạt chất lượng...
Không chỉ tìm kiếm đơn hàng nhỏ lẻ, giá rẻ, giảm chi phí quản lý DN, giảm lương lãnh đạo... một số DN nỗ lực tìm kiếm thị trường mới xuất khẩu. Đại diện Công ty TNHH Sản xuất - Thương mại - Dịch vụ Qui Phúc, ông Trần Thái Nguyên cho hay, mỗi tháng công ty đưa ra thị trường 4- 5 triệu sản phẩm, xuất khẩu đến 20 quốc gia, trong đó tập trung vào thị trường Thái Lan, Lào, Campuchia, Malaysia... Nhờ sự cố gắng của tập thể mà 5 tháng đầu năm DN đã đạt 200% kế hoạch của năm 2023.
Bên cạnh nỗ lực tự thân vượt khó của các DN, theo ông Nguyễn Đức Lệnh - Phó Giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TPHCM, thời gian qua ngân hàng đã hỗ trợ tốt về tín dụng cho hoạt động sản xuất. Ngân hàng Nhà nước đã ban hành hệ thống cơ chế chính sách và điều hành linh hoạt chính sách tiền tệ để thực hiện nhiệm vụ ổn định kinh tế vĩ mô và hỗ trợ tăng trưởng kinh tế. Trong đó, chính sách lãi suất và cơ cấu lại nợ, giữ nguyên nhóm nợ được ban hành trong thời gian qua, không chỉ hỗ trợ trực tiếp cho DN, tạo điều kiện cho DN về vốn, về lãi suất, mà còn tạo thanh khoản, dòng tiền để DN duy trì, ổn định và tăng trưởng qua đó thúc đẩy tăng trưởng.