Bảo hiểm tự nguyện: Vì sao lao động phi chính thức không mặn mà?

Lê Bảo 14/06/2023 10:02

Nếu không có chính sách phù hợp để giảm số lao động phi chính thức hoặc mở rộng bảo hiểm xã hội tự nguyện cho khu vực lao động tự do, lực lượng lao động "lọt lưới" an sinh sẽ càng ngày càng lớn.

Thu hút lao động phi chính thức tham gia BHXH tự nguyện không dễ dàng.

Làm nghề tự do nhưng thu nhập của anh Nguyễn Anh Dũng (quận Cầu Giấy, Hà Nội) khá ổn. Ban ngày anh Dũng chạy xe ôm, tối về làm bảo vệ cho công ty tư nhân nên tổng thu nhập mỗi tháng cũng được gần 20 triệu đồng. Với thu nhập này anh khá yên tâm và không có ý định đóng bảo hiểm xã hội (BHXH) tự nguyện để về già có lương hưu dù được nhiều người vận động.

Chủ quan và “ngại” tham gia BHXH tự nguyện là tâm lý chung của rất nhiều người hiện nay, đặc biệt là nhóm lao động phi chính thức. Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, đến quý I/2023 tỷ lệ lao động của cả nước khoảng 33 triệu người, trong đó lao động tham gia BHXH tự nguyện khoảng 1,46 triệu người, chiếm tỷ lệ khoảng 3% trên tổng số lao động trong độ tuổi. Điều đáng nói là dù đã có nhiều giải pháp nhưng lao động phi chính thức ít tham gia BHXH tự nguyện. Nguyên nhân do lực lượng lao động phi chính thức chủ yếu không có hợp đồng lao động, phần đông nằm ở những cơ sở nhỏ lẻ, lao động tự do, ở khu vực nông thôn. Đặc biệt trong những đợt dịch Covid-19 vừa qua, họ ít được hỗ trợ hơn người lao động (NLĐ) có hợp đồng (được cơ quan, doanh nghiệp, đơn vị sử dụng lao động hỗ trợ BHXH, bảo hiểm thất nghiệp...).

Theo ông Phạm Anh Thắng - Phó Chánh văn phòng Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội, hiện nay nhóm lao động phi chính thức ngày càng tăng, không chỉ từ nhóm lao động nông thôn, NLĐ mất việc rút BHXH một lần mà các hình thức kinh tế mới xuất hiện (kinh tế số, kinh tế chia sẻ) cũng gia tăng nhiều lao động phi chính thức như bán hàng online, tài xế công nghệ… Nhưng điều đáng nói là số lao động tham gia BHXH lại rất thấp. Điều này đồng nghĩa với việc trong tương lai sẽ có thêm hàng chục triệu người dân nằm ngoài độ phủ của lưới an sinh xã hội.

Còn theo ông Tạ Việt Anh - Chủ tịch Hội đồng quản lý Quỹ Hỗ trợ chương trình, dự án an sinh xã hội Việt Nam (AFV), trong mấy chục triệu lao động phi chính thức chỉ có 0,2% được đóng BHXH bắt buộc, 1,9% đóng BHXH tự nguyện, còn lại 97,9% không tham gia loại bảo hiểm nào. Điều này dẫn đến tình trạng lọt lưới an sinh ở phần không nhỏ NLĐ. Điều đó đồng nghĩa với việc họ phải chịu rất nhiều thiệt thòi, chưa được hưởng các chính sách, chế độ an sinh xã hội cơ bản như BHXH, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm tai nạn lao động và bệnh nghề nghiệp và chế độ nghỉ ngơi, nghỉ phép, ốm đau, thai sản.

Ngoài những thiệt thòi trong quá trình lao động, khi về già, lao động phi chính thức cũng không có các khoản tài chính hỗ trợ như lương hưu, tử tuất, bảo hiểm y tế miễn phí, mai táng phí… Khi đó, họ có nguy cơ phải đối mặt với tình trạng mất an toàn tài chính hoặc cuộc sống phụ thuộc vào con cháu, vào xã hội. Hệ lụy là rất lớn song theo ông Trần Dũng Hà - Phó Giám đốc BHXH TPHCM, việc phát triển lao động khu vực phi chính thức tham gia BHXH tự nguyện hết sức khó khăn. Tính đến tháng 5/2023, số người tham gia BHXH bắt buộc mà TPHCM phát triển được là khoảng gần 2,5 triệu, trong khi số người tham gia BHXH tự nguyện là khoảng 31.000.

Ông Hà cho biết, chỉ tiêu BHXH Việt Nam giao là 61.000 người, trong khi đó đến tháng 5 mới có 31.000 người tham gia, một con số rất thấp. “Việc chăm lo cho lao động phi chính thức là không hề dễ dàng, nhất là đợt dịch Covid-19 xảy ra. Dù Nhà nước đã có những chính sách nhằm hỗ trợ kịp thời cho những đối tượng này nhưng vẫn chưa thể chăm lo hết, nhất là các chế độ về BHXH, chính sách an sinh” - ông Thắng nói và cho rằng để đưa lực lượng này vào hệ thống BHXH, giải pháp then chốt là hoàn thiện thể chế, trong đó khuyến khích chủ sử dụng lao động ký kết hợp đồng lao động với NLĐ và để NLĐ ý thức được vị thế của mình.

Thống kê của Bộ LĐTB&XH cho thấy, hiện nay cả nước có gần 18 triệu lao động phi chính thức, trong đó chỉ 0,2% được đóng bảo BHXH bắt buộc, 1,9% đóng BHXH tự nguyện, còn lại 97,9% không tham gia loại bảo hiểm nào. Điều này dẫn đến tình trạng lọt lưới an sinh một phần không nhỏ người lao động.

Lê Bảo