Cứ mưa là lo ngập
Thông tin từ cơ quan khí tượng thủy văn, những ngày sắp tới Hà Nội và một số tỉnh phía Bắc tiếp tục có mưa. Đó là những cơn mưa vàng “giải hạn” sau những chuỗi ngày nắng nóng, khô khát và ám ảnh bị cắt điện luân phiên. Nhưng, bên cạnh niềm vui thì người Hà Nội lại phải lo đường phố úng ngập, nỗi lo đã trở thành “kinh niên”.
Chỉ một trận mưa không lớn lắm nhưng giữa trưa ngày 12/6 vừa qua nhiều tuyến phố khu vực nội thành Hà Nội đã bị ngập, xe cộ khó khăn khi di chuyển. Cơ quan dự báo thời tiết cho biết, lượng mưa không lớn lắm, chỉ trong khoảng từ 20-50mm, nơi mưa to nhất cũng chỉ trên 60mm. Vậy nhưng, nhiều tuyến phố nội đô vẫn ngập nước từ 0,1m đến 0,4m.
Sang tối hôm sau, ngày 13/6, dù mưa có lớn và chỉ kéo dài 1 giờ nhưng cũng đã đủ khiến hàng loạt tuyến phố ngập nước. Tình trạng xe máy, ô tô bị chết máy do ngập nước đã xảy ra. Khu vực trung tâm, trong đó có các đường phố Tràng Tiền, Lý Thường Kiệt, Quang Trung, Nguyễn Thái Học, Nguyễn Khuyến nước lênh láng. Đáng kể nhất là khu vực ngã tư Tràng Tiền - Hàng Bài, nước ngập sâu đến 40cm.
Trong khi đó, theo Công ty Thoát nước Hà Nội, tại thời điểm xảy ra mưa, Công ty đã vận hành hết công suất các cửa phai của các hồ điều hòa như hồ Bảy Mẫu, Đầm Chuối, Hố Mẻ... và các trạm bơm đầu mối Yên Sở, Đồng Bông 1, Đồng Bông 2, Cổ Nhuế để hạ mức nước trên hệ thống. Van cửa phai có nghĩa là loại van thủy lợi, giúp điều hòa nguồn nước, ngăn nước, ngăn mặn, chống ngập.
Câu hỏi được nhiều người đặt ra là vì sao cứ mưa to Hà Nội lại ngập và có cách gì “chống cự” hay không?
Vế thứ nhất: Vì sao Hà Nội hễ mưa to là ngập? Giới kiến trúc đô thị cho rằng do quy hoạch hệ thống thoát nước chậm so với tốc độ đô thị hóa; quá trình đô thị hóa khiến vỉa hè, lòng đường đều bị bê tông hóa; cuối cùng là việc các hồ điều hòa có chức năng tiêu thoát nước bị thu hẹp.
Được biết, so với các địa phương trong cả nước, Hà Nội được phân bổ nguồn kinh phí đáng kể cho các dự án đầu tư xây dựng hệ thống tiêu thoát nước. Trong đó có việc hệ thống tiêu này của thành phố được nâng cấp thông qua nguồn vốn vay ODA của Nhật Bản với tổng mức đầu tư lên tới 550 triệu USD, với kỳ vọng giúp Hà Nội có thể “trụ vững” qua các cơn mưa lớn với lưu lượng lên tới 310mm/2 ngày. Cùng đó, từ năm 2015 tới nay, UBND TP Hà Nội đã phê duyệt hàng loạt dự án, trong đó có dự án Trạm bơm tiêu Yên Nghĩa triển khai từ năm 2015 (tổng vốn đầu tư hơn 7.400 tỷ đồng) có chức năng bơm nước từ lưu vực sông Nhuệ ra sông Đáy, nhằm giảm ngập úng cho Hà Đông, Thanh Xuân; dự án Cụm công trình đầu mối Liên Mạc (tổng vốn đầu tư hơn 3.600 tỷ đồng) thi công trong giai đoạn từ năm 2018-2020, với mục tiêu sau khi hoàn thành sẽ bơm nước từ sông Nhuệ ra sông Hồng, nhằm giảm ngập úng cho khu vực Cầu Giấy, Nam - Bắc Từ Liêm và phụ cận.
Không chỉ khu vực phố cũ mà cả khu vực đô thị mới cũng hễ mưa là ngập. Vì sao? Theo GS Phạm Ngọc Đăng (Hội Bảo vệ thiên nhiên và môi trường Việt Nam) việc bê tông hóa quá nhanh khu vực đất nông nghiệp trở thành đô thị khiến hệ thống tiêu thoát nước vốn được thiết kế cho sản xuất nông nghiệp không thể đáp ứng. Điều này có thể thấy rõ qua các tuyến đường mới ở phía tây TP Hà Nội như đường Tố Hữu, các tuyến đường gom của đại lộ Thăng Long… luôn bị ngập úng mỗi khi có mưa lớn.
“Trước đây, phía tây Thủ đô là đồng ruộng, ao hồ rất dễ thoát nước vì mưa ngấm xuống đất, song nay khu vực này đã bê tông hóa, nước không thể thấm xuống bê tông nên bị ứ đọng trên diện rộng” - GS Đăng đánh giá.
Với vế thứ hai của câu hỏi: Hà Nội có cách gì “chống cự” với tình trạng hễ mưa to là ngập hay không? Theo kiến trúc sư Đào Ngọc Nghiêm - nguyên Giám đốc Sở Quy hoạch và Kiến trúc Hà Nội, thành phố đã có quy hoạch thoát nước, nhưng với tốc độ đô thị hóa tăng mạnh, thành phố phát triển nhanh thì cần phải có điều chỉnh phù hợp để ứng phó theo hướng nâng cao khả năng tiêu úng cho cả nội thành và ngoại thành. Cần phải nghiên cứu tổng thể lại hệ thống thoát nước trên phạm vi toàn thành phố, với tầm nhìn dài hơi chứ không phải là những biện pháp giải quyết mang tính tình thế khi mà công nhân công ty thoát nước rất vất vả mỗi khi trời mưa to lại phải đứng trực để mở nắp cống thoát nước cho các tuyến phố.
Như vậy là việc Hà Nội mưa to là ngập vẫn còn kéo dài mà chưa thể giải quyết. Vẫn biết là khó nhưng không lẽ cứ để thế mãi, ảnh hưởng tới cuộc sống sinh hoạt của người dân. Và quan trọng là trách nhiệm thuộc về ai đây?