Vai trò của Mặt trận trong đổi mới giáo dục
Ông Trần Thanh Bình - Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) TP Cần Thơ cho biết, qua 10 năm thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI về đổi mới căn bản, toàn diện GDĐT (gọi tắt là Nghị quyết số 29), mạng lưới trường, lớp trên địa bàn thành phố được quy hoạch, phát triển khá phù hợp với yêu cầu phát triển đô thị, kinh tế - xã hội và nhu cầu học tập trong nhân dân.
Công tác xã hội hóa phát triển sự nghiệp giáo dục và góp phần thành công cho công tác huy động trẻ ở cấp học luôn đạt chỉ tiêu. Cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học các cấp được quan tâm, ưu tiên đầu tư kinh phí thực hiện công tác kiên cố hóa, mở rộng quy mô trường lớp; đầu tư xây mới các trường học tập trung theo hướng trường đạt chuẩn quốc gia; kinh phí sửa chữa, nâng cấp, mua sắm bổ sung trang thiết bị hàng năm đáp ứng yêu cầu dạy học và các hoạt động giáo dục trong nhà trường.
Có được kết quả trên một phần có sự tham gia của hệ thống MTTQ các cấp, các tổ chức chính trị - xã hội và các ban, ngành thành phố đã nghiêm túc triển khai, tuyên truyền và phối hợp thực hiện các nội dung Nghị quyết số 29 trong toàn hệ thống chính trị và nhân dân thành phố.
“Việc xác định tầm quan trọng của đổi mới căn bản, toàn diện GDĐT trong tình hình mới đã giúp ngành giáo dục, MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội các cấp thành phố thực hiện có trọng tâm, hiệu quả và đạt được một số thành tựu trong 10 năm qua” - Giám đốc Sở GDĐT TP Cần Thơ thông tin.
Theo Ủy ban MTTQ TP Cần Thơ, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ thành phố đã hướng dẫn Ban Thường trực Ủy ban MTTQ các cấp phối hợp với các tổ chức thành viên tuyên truyền sâu rộng Nghị quyết 29 đến cán bộ, đảng viên, đoàn viên, hội viên và các tầng lớp nhân dân bằng nhiều hình thức phong phú như: Tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng, Báo Đại Đoàn Kết, trang thông tin điện tử MTTQ thành phố, fanpage hệ thống Mặt trận thành phố và trang thông tin điện tử của các tổ chức chính trị - xã hội các cấp thành phố,…
MTTQ phối hợp với ngành giáo dục phát động phong trào xây dựng xã hội học tập, quan tâm giúp đỡ những trẻ em nghèo không có điều kiện học tập, thông qua việc đẩy mạnh công tác khuyến học, khuyến tài, đưa mục tiêu xóa mù chữ, phổ cập giáo dục tiểu học đúng độ tuổi và phổ cập giáo dục trung học cơ sở vào nội dung, tiêu chuẩn xét công nhận khu vực, ấp văn hóa hàng năm. Tuyên truyền, vận động trong nhân dân hưởng ứng các mô hình gia đình học tập, dòng họ học tập, xã hội học tập.
Kết quả, từ năm 2015 đến nay, hệ thống MTTQ các cấp đã tham gia, phối hợp tuyên truyền, vận động, góp phần hình thành và được công nhận 235.833 mô hình gia đình học tập, 610 dòng họ đạt danh hiệu dòng họ học tập, 690 cơ quan, trường học cấp xã đạt danh hiệu đơn vị học tập, 599 ấp (khu vực) đạt danh hiệu cộng đồng học tập.
Bên cạnh đó, MTTQ các cấp thành phố phối hợp với UBND, Hội Liên hiệp Phụ nữ, Hội Nông dân, Hội Cựu chiến binh và Đoàn Thanh niên cùng cấp tổ chức nhiều lớp tuyên truyền, phổ biến và quán triệt nội dung Nghị quyết số 29, giúp cho cán bộ, đảng viên, hội viên, đoàn viên và nhân dân hiểu rõ nội dung, mục tiêu và tầm quan trọng việc đổi mới căn bản, toàn diện GDĐT đối với tương lai, cơ hội và sự phát triển của đất nước. Từ đó làm chuyển biến trong nhận thức và hành động của mỗi cán bộ, đảng viên, hội viên, đoàn viên và nhân dân trong công tác, lao động và học tập.
Công tác an sinh xã hội trong lĩnh vực giáo dục được đặc biệt quan tâm, MTTQ phối hợp với Hội khuyến học thành phố, các tổ chức chính trị-xã hội vận động xã hội hóa để trao tặng học bổng, quà và phần thưởng đến tay học sinh, sinh viên nghèo hiếu học, giáo viên gặp khó khăn, hỗ trợ Quỹ khuyến học, khuyến tài các cấp thành phố chăm lo, động viên và khen thưởng các em đạt giải các kỳ thi quốc gia và quốc tế trên địa bàn thành phố.
MTTQ các cấp TP Cần Thơ thực hiện giám sát và phản biện các luật, chính sách liên quan đến giáo dục, bảo đảm tăng cường hiệu quả hơn nữa trong công tác quản lý nhà nước của ngành giáo dục, thực hiện đúng quy định pháp luật, những chỉ đạo của Bộ GDÐT, UBND thành phố, hạn chế mức thấp nhất sai sót theo quy định lĩnh vực giáo dục.