Trẻ mắc bệnh viêm da tăng cao
Theo Bệnh viện Da Liễu TP HCM, những ngày gần đây số lượt bệnh nhân đến khám các bệnh về da gia tăng. Đặc biệt, vào thời điểm mùa hè số trẻ em bị bệnh về da thường tăng cao.
Vừa được nghỉ hè, bé Nguyễn Trọng Trí (9 tuổi, quê ở An Giang) được mẹ cho lên TPHCM chơi. Tuy nhiên, chưa kịp về quê thì bé bị nổi ngứa rất nhiều ở bàn chân, bàn tay và hai bên đùi. “Con bị ngứa lắm, ngứa đến nỗi đêm không ngủ được. Con bị khoảng 10 ngày nay rồi” - bé Trí nói. Mẹ của bé Trí cho hay: Mấy ngày trước nghe con nói bị ngứa tưởng là hết rồi nhưng nay vẫn còn. Tôi đã vội vã đón xe từ Bình Dương xuống TPHCM để cho bé đi khám ở Bệnh viện Da Liễu.
Ghi nhận của phóng viên, dù gần trưa những khu khám bệnh theo yêu cầu của Bệnh viện Da liễu còn rất đông bệnh nhân ngồi chờ đến lượt khám. Khoảng 10h45, tại quầy nhận bệnh số 1 đã tiếp nhận 348 người đăng ký khám bệnh, quầy nhận bệnh số 2 tiếp nhận 370 bệnh nhân. Tại quầy thuốc bệnh viện cũng chật kín bệnh nhân xếp hàng chờ lấy thuốc uống và thuốc bôi.
Theo Bệnh viện Da Liễu TPHCM, những ngày gần đây số lượt bệnh nhân khám các bệnh về da gia tăng. Đặc biệt, vào thời điểm mùa hè số trẻ em bị bệnh về da thường tăng cao. Trung bình một ngày bệnh viện tiếp nhận khoảng 120 trẻ nhỏ đến khám các bệnh viêm da cơ địa, mề đay, viêm da tiếp xúc dị ứng...
BSCKII Võ Thị Đoan Phượng - Trưởng khoa Lâm sàng 1 của Bệnh viện cho biết, những bệnh phổ biến mà bệnh nhân đến khám trong những ngày gần đây bao gồm bệnh lý da nhiễm trùng do tác nhân vi khuẩn gây ra như: chốc, nhọt, vi nấm (nấm trên thân mình, da đầu…). Một số bệnh lý khác cũng thường gặp như: Viêm da cơ địa, rôm sảy, hăm tã…
Theo BS Phương, một số bệnh liên quan đến da như viêm da cơ địa hay còn gọi là chàm thể tạng, là một trong những bệnh lý da thường gặp nhất trẻ em. Đây là một bệnh viêm da mạn tính gây ngứa dữ dội. Bệnh biểu hiện bằng những thương tổn mụn nước mọc thành chùm trên nền hồng ban hay tái đi tái lại. Trẻ em bị ngứa ngáy ảnh hưởng đến giấc ngủ. Vị trí hay gặp ở má, trán và da đầu và sau đó lan xuống thân mình, cổ tay, cổ chân, bàn tay bàn chân, nếp khuỷu... Ngoài ra, nấm da ở các vùng da ẩm ướt, không thông thoáng là môi trường thuận lợi cho vi nấm phát triển. Trên da trẻ xuất hiện các mảng đỏ, ngứa, tróc vảy, diễn tiến lan rộng từ từ hoặc ở rìa có những sẩn đỏ nằm rải rác gọi là thương tổn vệ tinh. Bệnh làm cho trẻ rất ngứa ngáy khó chịu.
Theo BS Võ Thị Đoan Phượng, thời tiết nóng ẩm vào mùa mưa là điều kiện thuận lợi cho các vi sinh vật trên da phát triển, từ đó xuất hiện nhiều bệnh da gây lo lắng cho các bậc phụ huynh và khó chịu cho trẻ. Trời nắng nóng, trẻ đổ mồ hôi nhiều, trẻ ngứa ngáy, gãi nhiều hơn là các yếu tố nguy cơ dễ làm các bệnh da xuất hiện hoặc nặng hơn các bệnh da sẵn có. Hoặc nếu trẻ đi bơi mặc quần áo chật, ẩm ướt kéo dài, vệ sinh kém cũng dễ bị nhiễm nấm…
Nhằm hạn chế những bệnh về da ở trẻ nhỏ, các bác sĩ khuyến cáo, cần bảo vệ da của bé dưới ánh nắng gay gắt của mùa hè. Quần áo của trẻ phải được phơi khô, không cho trẻ em mặc quần áo ẩm. Vệ sinh sạch tay chân và cơ thể sạch sẽ cho bé.
Không chỉ trẻ em khám bệnh da liễu tăng cao trong thời gian gần đây, bệnh nhân đến khám vì mụn tăng hơn khoảng 20% so với những tháng trước, độ tuổi thường gặp 13, 14 đến 30 tuổi. BSCKII Vũ Thị Phương Thảo – Trưởng phòng Kế hoạch – Tổng hợp (Bệnh viện Da Liễu TPHCM) cho hay, giai đoạn mùa nắng nóng, thời tiết nóng ẩm dễ tạo thuận lợi cho các loại vi khuẩn phát triển. Hơn nữa, trong mùa nắng nóng bệnh nhân dễ đổ mồ hôi, cộng với bụi bẩn trong không khí có thể là yếu tố thuận lợi cho tình trạng mụn trứng cá.
“Muốn chăm sóc da khỏe, tránh mụn trong thời tiết hiện nay cần giữ môi trường sinh hoạt được thông thoáng, không ẩm thấp, mặc đồ rộng rãi thoáng mát, tắm 1-2 lần/ngày, không nên tắm nhiều quá có thể gây khô da và tổn thương hàng rào bảo vệ da, nếu có đổ mồ hôi thì nên lau ráo không nên để ẩm ướt quá lâu. Thói quen nặn, lễ, hút mụn không chỉ làm mụn nặng thêm mà còn dễ có nguy cơ để lại sẹo mụn, thâm do mụn rất khó điều trị. Ngoài ra, sử dụng các sản phẩm thoa không đúng, không rõ loại nguy cơ bùng phát mụn trứng cá khắp toàn thân” – BS Thảo nói.