Bệnh nhân ung thư trực tràng đang trẻ hóa
Ung thư trực tràng thường gặp ở những người trên 50 tuổi, tuy nhiên tỷ lệ mắc ung thư này trong nhiều năm gần đây tăng nhanh ở giới trẻ, thậm chí, có những bệnh nhân được phát hiện mắc bệnh khi chỉ trên dưới 20 tuổi.
Ung thư trực tràng là ung thư phổ biến trên thế giới. Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), ước tính mỗi năm có trên 1,9 triệu người mắc và khoảng 935 nghìn người tử vong vì ung thư đại tràng. Thống kê cho thấy, mỗi năm nước ta ghi nhận gần 16.000 ca mắc mới và hơn 8.200 ca tử vong vì căn bệnh này.
Đáng chú ý, nếu như trước đây, người mắc ung thư trực tràng thường gặp ở độ tuổi trên 50 thì giờ đây căn bệnh này có xu hướng trẻ hóa. Tại không ít các bệnh viện trung ương và địa phương đều đã ghi nhận những ca bệnh mắc ung thư trực tràng khi còn rất trẻ.
Chị Đ.T.Q. (28 tuổi, ở Quảng Ninh) đến Bệnh viện Bãi Cháy thăm khám với lý do đau bụng... Sau khi thực hiện các xét nghiệm liên quan, các bác sĩ chẩn đoán kết luận người bệnh mắc ung thư trực tràng. Bệnh nhân đã được điều trị xạ trị, hóa chất và phẫu thuật nội soi thay hậu môn nhân tạo. Chị Q. tâm sự: “Nếu tôi thường xuyên đi khám sức khỏe định kỳ, tầm soát đại trực tràng sớm hơn thì đã không phải thay hậu môn nhân tạo như bây giờ”.
Theo BSCKI Nguyễn Văn Dũng - Trưởng khoa Ung Bướu 1 (Bệnh viện Bãi Cháy): “Bệnh nhân trẻ tuổi nhất mắc ung thư trực tràng mà tôi từng mổ mới có 21 tuổi, mà không phải phát hiện giai đoạn sớm, khi đến viện bệnh nhân đã có hiện tượng tắc ruột. Tỷ lệ mắc ung thư đại trực tràng tại Việt Nam khoảng 7-8 bệnh nhân/100 nghìn dân. Tại Bệnh viện Bãi Cháy, mỗi năm phẫu thuật khoảng hơn 100 bệnh nhân mắc ung thư đại trực tràng”.
PGS.TS Vũ Hồng Thăng - Phó trưởng khoa Nội tiêu hóa (Bệnh viện K) cho biết, sở dĩ ung thư trực tràng ở nước ta cũng như nhiều nước đang phát triển tăng nhanh do lối sống ít vận động, chế độ ăn tiêu thụ nhiều thịt đỏ, ăn ít trái cây và rau xanh, nạp nhiều chất béo, thức ăn nhanh, uống nhiều rượu, hút thuốc lá...
“Chế độ ăn uống thiếu lành mạnh là một trong những yếu tố nguy cơ làm tăng tỷ lệ mắc ung thư trực tràng. Bằng chứng là 57% người trưởng thành tại nước ta ăn thiếu rau và trái cây so với khuyến nghị của WHO, trong khi lại ăn nhiều thịt; một nửa nam giới uống rượu bia ở mức nguy hại; béo phì tăng nhanh từ 12% năm 2010 lên 17,5% năm 2015; Việt Nam nằm trong top 15 nước có số người hút thuốc lá cao nhất thế giới... Ngoài ra, ung thư đại trực tràng có liên quan đến yếu tố tuổi tác và di truyền, tuy nhiên số ca liên quan đến di truyền chỉ chiếm 3-5%” - ông Thăng cho biết.
Mặc dù vậy, các bác sĩ cũng khẳng định, ung thư trực tràng nếu được phát hiện ở giai đoạn sớm thì tỷ lệ được chữa khỏi lên tới 90%, thậm chí có người đã sống khỏe mạnh hơn 20 năm sau khi phát hiện bệnh. Cụ thể, giai đoạn 0 và giai đoạn 1 được xem là giai đoạn rất sớm của bệnh và có tỷ lệ chữa khỏi cao. Sau phẫu thuật, 94% số bệnh nhân sẽ sống được sau 5 năm… Còn tại giai đoạn 4, thời điểm này tỷ lệ sống thấp, chỉ có khoảng 11% số người bệnh sẽ sống ít nhất 5 năm sau khi được chẩn đoán. Tuy nhiên, nếu ung thư đã di căn vào gan và các khu vực trong gan có thể được loại bỏ bằng phẫu thuật, theo một số nghiên cứu tỷ lệ sống 5 năm vào khoảng 25-40%.
BS Nguyễn Văn Dũng khuyến cáo, ung thư trực tràng nguy hiểm nhưng vẫn có thể chủ động phòng tránh bằng việc thay đổi lối sống lành mạnh, xây dựng chế độ ăn uống hợp lý và tầm soát ung thư định kỳ. Trong đó, việc tầm soát ung thư trực tràng cũng đóng vai trò quan trọng giúp phòng tránh và phát hiện bệnh ở giai đoạn sớm. Đối với những người không có nguy cơ cao bị ung thư trực tràng nên bắt đầu sàng lọc ở lứa tuổi 50. Đối với những người có nguy cơ cao, như tiền sử gia đình có người bị chẩn đoán mắc ung thư trực tràng, nên bắt đầu sàng lọc ở độ tuổi trẻ hơn.
PGS.TS Vũ Hồng Thăng - Phó trưởng khoa Nội tiêu hóa (Bệnh viện K) cho biết: “Trung bình mỗi ngày chúng tôi tiếp nhận khoảng 5 trường hợp mắc ung thư trực tràng, đặc biệt có những bệnh nhân phẫu thuật ung thư đại trực tràng khi 12, 13 tuổi... Đó là hồi chuông cảnh báo cho thấy xu hướng trẻ hóa của căn bệnh nguy hiểm này, mọi người cần đi khám sức khỏe định kỳ, tầm soát phát hiện sớm để điều trị kịp thời”.