Suy giãn tĩnh mạch - bệnh không của riêng ai
Suy giãn tĩnh mạch là bệnh thường gặp. Bệnh lý này có các dấu hiệu dễ gây nhầm lẫn. Nhiều trường hợp phát hiện bệnh khi đã ở giai đoạn muộn. Do đó, khiến việc điều trị bị chậm trễ, ảnh hưởng lâu dài đến sức khỏe và chất lượng cuộc sống.
BSCKI Vũ Thanh Tuấn - Bệnh viện đa khoa Medlatec cho biết, suy giãn tĩnh mạch thường xảy ra ở chi dưới. Đây là hiện tượng ứ đọng máu tại hệ thống tĩnh mạch chân khiến tăng áp suất trong tĩnh mạch và khiến chúng ngày càng giãn rộng. Theo thời gian, lưu lượng máu động mạch đến 2 chi dưới của người bệnh sẽ giảm dần.
Bệnh có thể xảy ra ở bất cứ đối tượng nào. Ngoài ra, phụ nữ mang thai cũng có nguy cơ mắc bệnh cao hơn. Theo BS Tuấn, khi thai nhi lớn dần, kích thước tử cung cũng tăng lên và chèn ép vào mạch máu lớn ở ổ bụng. Từ đó, khiến áp lực tĩnh mạch chân ngày càng cao dẫn tới giãn thành mạch. Tuy nhiên, sau khi sinh, những triệu chứng này sẽ giảm dần. Phụ nữ mang thai đôi và sinh nở nhiều lần thì nguy cơ bị bệnh sẽ cao hơn. Những người làm các công việc đòi hỏi phải đứng nhiều như giáo viên, bác sĩ, nhân viên bán hàng,... cũng là nhóm có nguy cơ cao bị bệnh suy giãn tĩnh mạch.
“Triệu chứng của bệnh suy giãn tĩnh mạch, hay nhiều người vẫn gọi tắt là triệu chứng giãn tĩnh mạch rất khó nhận biết ở giai đoạn đầu. Người bệnh có thể chỉ xuất hiện cảm giác hơi tức, hơi khó chịu ở chân hoặc có cảm giác nóng và ngứa chân” - BS Tuấn cho biết. Những biểu hiện thường rõ ràng hơn vào thời điểm cuối ngày hoặc khi bệnh nhân phải đứng quá lâu. Bệnh nhân có cảm giác kiến bò hoặc kim châm ở bắp chân, hay bị chuột rút,... Ở giai đoạn muộn hơn, người bệnh có thể thấy những mạch máu nhỏ xuất hiện trên bề mặt da. Tuy nhiên, ở những trường hợp không bị giãn nhiều, các triệu chứng này có thể biến mất sau khi nghỉ ngơi. Do đó, nhiều người dễ bỏ qua các triệu chứng của bệnh.
BS Tuấn khuyến cáo, nếu nhận thấy những triệu chứng bất thường, người bệnh nên đi khám sớm. Bởi, rất có thể đó chính là triệu chứng giãn tĩnh mạch. Một số triệu chứng bao gồm: Vùng bắp chân bị căng tức hoặc có cảm giác mỏi chân. Vào ban đêm, người bệnh thường xuyên bị chuột rút hoặc có cảm giác kiến bò. Chân người bệnh, nhất là vùng mắt cá chân thường bị sưng hoặc ngứa. Viêm gân xanh ở da đùi, đầu gối hay mắt cá chân. Da chân bị đổi màu, nhiễm trùng phần mô mềm ở gần mắt cá chân.
Theo PGS.TS.BS Nguyễn Thị Bạch Yến - Trưởng khoa Tim mạch, Bệnh viện đa khoa Tâm Anh, khoảng 40 - 50% người trưởng thành có nguy cơ bị suy giãn tĩnh mạch. Nữ giới có tỷ lệ mắc bệnh cao hơn 2 - 3 lần so với nam giới, do ảnh hưởng của nội tiết tố nữ estrogen khiến tĩnh mạch suy yếu hơn, tình trạng thai nghén gây chèn ép tĩnh mạch, cản trở máu từ tĩnh mạch trở về tim. Người ít vận động, đứng, ngồi lâu, mang vác nặng hoặc thừa cân béo phì cũng dễ gặp phải tình trạng này. Ngoài ra, những người có thuyên tắc huyết khối tĩnh mạch cũng có thể bị suy giãn tĩnh mạch thứ phát. Một tỷ lệ nhỏ khác bị bệnh do bất thường bẩm sinh về tĩnh mạch.
Những dấu hiệu của bệnh ở giai đoạn đầu thường không rõ ràng nên dễ bị bỏ qua. Ở giai đoạn nặng, vùng da cẳng chân có thể biến đổi màu sắc do tĩnh mạch ứ lâu ngày, gây đau nhức, các búi tĩnh mạch nổi rõ trên da. Nếu không được điều trị, da bị dày, cứng, xơ hóa, thiếu chất dinh dưỡng, khiến da không còn mềm mại. Ở giai đoạn cuối, tĩnh mạch nông giãn to thành búi, có thể loét, nhiễm trùng hoặc tạo huyết khối. Một số trường hợp huyết khối từ chân theo tĩnh mạch về tim và sang phổi, gây nhồi máu phổi, nguy hại đến sức khỏe.
Theo các chuyên gia, bên cạnh việc hạn chế ngồi hay đứng cố định một tư thế, tập thể dục thường xuyên, để phòng tránh bị suy giãn tĩnh mạch, cần xây dựng chế độ dinh dưỡng hợp lý để tăng sức bền của thành mạch. Trong đó, bao gồm uống đủ nước, tăng cường ăn rau xanh, hoa quả, bổ sung chất xơ và vitamin. Ngoài ra, nên kê chân cao khi ngồi hay nằm nghỉ, tập hít thở chủ động, tránh táo bón, béo phì… Việc mang tất áp lực chuyên dụng cũng là lựa chọn có hiệu quả phòng bệnh.