Không lấy phiếu tín nhiệm người nghỉ chữa bệnh hiểm nghèo
Ngày 15/6, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về một số vấn đề về giải trình, tiếp thu, chỉnh lý, hoàn thiện dự thảo Nghị quyết về việc lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm với những người giữ chức vụ do Quốc hội, Hội đồng nhân dân bầu hoặc phê chuẩn (sửa đổi).
Phó Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam Trương Thị Ngọc Ánh tham dự phiên họp.
Tại phiên họp, Ủy ban Thường vụ Quốc hội nghe Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng báo cáo một số vấn đề xin ý kiến Ủy ban Thường vụ Quốc hội trong việc giải trình, tiếp thu, chỉnh lý các nội dung cụ thể của dự thảo Nghị quyết về việc lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm với những người giữ chức vụ do Quốc hội, HĐND bầu hoặc phê chuẩn (sửa đổi).
Về việc không lấy phiếu tín nhiệm đối với người mắc bệnh hiểm nghèo có xác nhận của cơ sở y tế và không điều hành công tác từ 6 tháng trở lên, ông Tùng cho biết, Thường trực Ủy ban Pháp luật và Ban Công tác đại biểu thống nhất tiếp thu theo ý kiến của đa số ĐBQH và chỉnh lý quy định tại Khoản 5 Điều 2 của dự thảo Nghị quyết theo hướng không lấy phiếu tín nhiệm đối với người nghỉ chữa bệnh hiểm nghèo có xác nhận của cơ sở y tế và không điều hành công tác từ 6 tháng liên tục trở lên để bảo đảm chặt chẽ.
Đặc biệt, có ý kiến đề nghị chỉnh lý theo hướng người được lấy phiếu tín nhiệm có trách nhiệm báo cáo giải trình về những nội dung được nêu trong báo cáo tổng hợp, tập hợp ý kiến cử tri của UBTƯ MTTQ Việt Nam và các báo cáo này phải được gửi đến đại biểu Quốc hội, đại biểu HĐND các cấp.
Về vấn đề này, Thường trực Ủy ban Pháp luật và Ban Công tác đại biểu thống nhất tiếp thu các ý kiến nêu trên và chỉnh lý theo hướng: Khi nhận được báo cáo tổng hợp, tập hợp ý kiến cử tri của UBTƯ MTTQ Việt Nam, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Thường trực HĐND có trách nhiệm gửi đến đại biểu Quốc hội, đại biểu HĐND và người được lấy phiếu tín nhiệm. Chậm nhất là 3 ngày trước ngày tổ chức phiên họp lấy phiếu tín nhiệm, người được lấy phiếu tín nhiệm có trách nhiệm gửi báo cáo giải trình (nếu có) về những vấn đề được nêu trong báo cáo tổng hợp, tập hợp ý kiến cử tri của UBTƯ MTTQ Việt Nam đến Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Thường trực HĐND và đại biểu có yêu cầu.
Liên quan đến việc có ý kiến đề nghị rà soát, quy định rõ trường hợp một người giữ nhiều chức vụ nhưng khi lấy phiếu tín nhiệm thì một chức vụ đạt mức tín nhiệm cao, chức vụ kia lại đạt mức tín nhiệm khác thì sẽ sử dụng kết quả nào để làm căn cứ cho việc thực hiện các bước tiếp theo, Thường trực Ủy ban Pháp luật và Ban Công tác đại biểu xin Ủy ban Thường vụ Quốc hội được tiếp thu ý kiến nêu trên và chỉnh lý các quy định về trường hợp lấy phiếu tín nhiệm đối với người đồng thời giữ nhiều chức vụ do Quốc hội, HĐND bầu hoặc phê chuẩn để có quy định về hệ quả cho phù hợp.
Phát biểu tại phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đồng tình với Báo cáo. Trên cơ sở góp ý của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và UBTƯ MTTQ Việt Nam, Chủ tịch Quốc hội đề nghị, Ủy ban Pháp luật phối hợp chặt chẽ với Ban Công tác đại biểu và các cơ quan hữu quan rà soát kỹ lưỡng về cơ sở chính trị, căn cứ pháp lý, tính thống nhất, đồng bộ với hệ thống pháp luật, thống nhất với nội quy Kỳ họp Quốc hội (đã được sửa đổi, bổ sung), đảm bảo quán triệt đầy đủ, tuân thủ Quy định số 96-QĐ/TW ngày 2/2/2023 của Bộ Chính trị, kế thừa những nội dung còn giá trị của Nghị quyết số 85/2014/QH13. Đồng thời đề nghị rà soát lại khâu biên tập, đảm bảo dễ hiểu, dễ nhớ, dễ làm, dễ thực hiện, dễ kiểm tra, giám sát.
Cũng trong ngày 15/6, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về một số vấn đề lớn giải trình, tiếp thu, chỉnh lý, hoàn thiện dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế chính sách đặc thù phát triển TPHCM. Đây là nội dung đã được ĐBQH thảo luận trong đợt 1 của kỳ họp thứ 5 và sẽ xem xét biểu quyết thông qua trong đợt 2 của kỳ họp.
Dự thảo Nghị quyết về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TPHCM nhằm xây dựng các cơ chế, chính sách đặc thù, vượt trội nhằm tạo cơ sở pháp lý để phát huy tiềm năng, lợi thế, tạo đột phá, giải quyết các điểm nghẽn về phát triển kinh tế - xã hội, góp phần xây dựng và phát triển thành phố. Trong 4 nhóm cơ chế, chính sách mà Dự thảo Nghị quyết trình Quốc hội ra quyết nghị cho TPHCM, thì đến nay 3 nhóm chính sách nhận được đồng thuận cao của ĐBQH là: Các cơ chế chính sách được kế thừa từ Nghị quyết số 54; các cơ chế, chính sách được quy định tại các Nghị quyết đặc thù của các địa phương khác; Các cơ chế, chính sách được quy định tại các dự thảo Luật đang trình Quốc hội.
Riêng đối với nhóm về các cơ chế, chính sách mới, đột phá, có tác động lan tỏa còn có ý kiến khác nhau như vấn đề: liên quan đến phân bổ, bố trí vốn đầu tư công; được thực hiện dự án đầu tư theo Hợp đồng BT thanh toán bằng tiền từ ngân sách thành phố; đáng chú ý là quy định cơ chế, chính sách ưu đãi, ưu tiên thu hút nhà đầu tư chiến lược trong các lĩnh vực như sản xuất chip, công nghiệp mạch tích hợp bán dẫn, vật liệu mới.
Tại phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhấn mạnh tinh thần “TPHCM vì cả nước - cả nước vì TPHCM”. Chủ tịch Quốc hội nêu rõ: "Các dự án có danh mục đầu tư công thành phố tiếp tục bố trí vốn; còn chưa có danh mục đầu tư công thì HĐND thành phố có thẩm quyền bổ sung danh mục". Liên quan đến thanh toán hợp đồng BT, Chủ tịch Quốc hội đề nghị tiếp tục rà soát cơ sở chính trị, thực tiễn và sự tương đồng với các dự án Luật, nghiên cứu ý kiến đề xuất trong việc dùng quỹ đất thanh toán cho các dự án BT.