Hỗ trợ người lao động

Ngọc Quang 17/06/2023 07:10

Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung cho biết, quy mô lao động độ tuổi từ 15 trở lên của cả nước khoảng 55 triệu người, số người tham gia thị trường lao động từ 15 tuổi trở lên là 51,4 triệu người. Đáng chú ý số lao động qua đào tạo bằng các hình thức khác nhau trên 70% nhưng số có bằng cấp, chứng chỉ thấp, chỉ 26,4%. Lao động chưa qua đào tạo, tay nghề thấp là một trong những nguyên nhân khi nền kinh tế gặp khó khăn họ sẽ dễ dàng bị mất việc.

Số liệu của Bộ LĐTBXH, trong những tháng đầu năm 2023, có 509.903 người bị ảnh hưởng việc làm, trong đó có tới hơn 54% lao động bị thôi việc, mất việc. Số lao động thôi việc, mất việc tập trung ở các tỉnh có khu công nghiệp, khu kinh tế lớn như Bình Dương (71.590 người); Đồng Nai (32.450 người); TPHCM (44.890 người); Bắc Giang (27.500 người); Bắc Ninh (13.990 người); Hải Dương (16.020 người); Hà Nội (46.860 người). Lao động mất việc làm cũng chủ yếu trong các ngành dệt may, da giày, sản xuất linh kiện và sản phẩm điện tử…

Bộ LĐTBXH đánh giá việc cắt giảm lao động trong các doanh nghiệp hiện nay chủ yếu là vì lý do kinh tế, khó khăn ở việc tìm kiếm, phát triển thị trường nước ngoài, doanh nghiệp gặp khó khăn tập trung vào doanh nghiệp công nghiệp chế biến, chế tạo ở một số ngành như dệt may, da giày, sản xuất và lắp ráp linh kiện điện tử, chế biến gỗ.

Cho dù đã có tín hiệu tích cực hơn trong những tháng cuối năm, tuy nhiên tình trạng lao động bị cắt giảm vẫn chưa dừng lại. Mới đây, Công ty TNHH Pouyuen Việt Nam thông báo tiếp tục chấm dứt hợp đồng lao động với 5.744 lao động; trong đó đợt 1 sẽ chấm dứt vào ngày 24/6 với 4.519 người, đợt 2 sẽ chấm dứt vào ngày 8/7 với 1.225 lao động. Điều đáng lo ngại là trong số lao động bị chấm dứt hợp đồng có trên 80% nữ giới, trong đó có tới 50% lao động từ 40 tuổi trở lên. Phần lớn người bị chấm dứt hợp đồng là lao động phổ thông.

Thực tế cho thấy, đối với lao động nữ trên 40 tuổi mất việc rất khó có thể tìm được việc làm mới. Nói như Bộ trưởng Bộ LĐTBXH Đào Ngọc Dung thì dòng người lao động mất việc phải chuyển về địa phương vừa qua phần đông là các bà mẹ mang theo con. Một thời gian dài bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 đã bào mòn tích lũy của người lao động, do đó họ sẽ ngày càng chật vật. “Đây là vấn đề cần phải quan tâm kịp thời” - Bộ trưởng nói.

Hiện Chính phủ đã có nhiều giải pháp chăm lo cho công nhân: Thứ nhất là tạo điều kiện cho doanh nghiệp ổn định sản xuất. Thứ hai là tạo việc làm ổn định. Thứ ba là thực hiện các chính sách đang có một cách tốt nhất như: Chính sách đối với người lao động thôi việc, mất việc làm; tư vấn, giới thiệu việc làm miễn phí; chính sách tín dụng ưu đãi tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc làm từ Quỹ quốc gia về việc làm; chính sách hỗ trợ đào tạo, nâng cao kỹ năng nghề cho người lao động...

Tuy nhiên, việc sớm có chính sách tài chính hỗ trợ để giảm khó khăn cho người lao động đang đặt ra cấp thiết. Trước hết là đối với lao động nữ trên 40 tuổi mất việc, họ rất cần được hỗ trợ kinh phí học nghề để có thể tìm được việc làm mới. Trường hợp lao động khi không tìm được việc ở thành phố, các khu công nghiệp đành phải “gồng gánh” về quê thì các địa phương cần chính sách hỗ trợ tín dụng, tạo việc làm công nhật, hoặc việc làm thủ công để họ cầm cự trước khó khăn, ổn định cuộc sống.

Thông tin từ Bộ Tài chính cho biết, trong bối cảnh hàng trăm nghìn lao động mất việc, với số dư Quỹ bảo hiểm thất nghiệp còn 59.357 tỷ đồng, Bộ đang thiết kế một gói hỗ trợ người lao động từ nguồn kết dư này để trình với Chính phủ và Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Gói hỗ trợ sẽ chi khoảng 23.000 tỷ đồng từ Quỹ bảo hiểm thất nghiệp.

“Bộ Tài chính, Bộ LĐTBXH đặc biệt quan tâm đến giải pháp hỗ trợ trong giai đoạn khó khăn và sẽ bằng mọi cơ chế, chính sách hỗ trợ cho người lao động” - Bộ trưởng Tài chính Hồ Đức Phớc khẳng định.

Người lao động mất việc đang chờ đợi được hỗ trợ trực tiếp. Đó là trước mắt, tuy nhiên về lâu dài, để ổn định cuộc sống phải là công việc, phải là thu nhập tốt từ công việc. Mà muốn vậy chiến lược đào tạo nghề cho người lao động phải rất thực chất, thực tế. Chứng chỉ nghề phải có giá trị thực sự để người sử dụng lao động chấp nhận mà không phải mất thêm thời gian, kinh phí đào tạo lại. Bởi, như đã nói, chính những lao động không qua đào tạo, tay nghề thấp sẽ là những người bị mất việc đầu tiên khi doanh nghiệp gặp khó khăn.

Ngọc Quang