Bệnh tay chân miệng ở ĐBSCL gia tăng: Lo thiếu thuốc điều trị
Tại Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL), dịch tay chân miệng (TCM) đang tăng trong khi các bệnh viện lại lo ngại thiếu thuốc điều trị.
Số ca mắc tăng
Từ đầu tháng 6 trở lại đây dịch TCM có chiều hướng gia tăng nhanh về số lượng. Thông tin từ các bệnh viện, sở y tế, những năm gần đây cứ đến mùa này dịch TCM gia tăng, tuy nhiên năm nay số ca có tăng cao hơn so với cùng kỳ.
Ghi nhận của phóng viên ngày 16/6, Bệnh viện Nhi đồng Cần Thơ cho biết, diễn biến bệnh TCM hiện tương đối phức tạp, từ tháng 5 số ca TCM tăng cao lên đến 409 ca (tăng 140%) so với tháng trước đó.
Số ca tăng mạnh khoảng 2 tuần nay, đã có thêm 390 ca mắc, trong đó 80 ca điều trị nội trú. Hiện bệnh viện đã ghi nhận 1 trường hợp độ 4 tử vong, 5 trường hợp nặng độ 3 đã được chuyển tuyến trên tại TPHCM. Hiện tại, vẫn đang tập trung điều trị tích cực 10 ca độ 3, độ 4 rất nặng.
Trao đổi với PV Báo Đại Đoàn Kết, Giám đốc Bệnh viện Nhi đồng Cần Thơ Trần Văn Dễ cho biết: Khoảng 2 tuần nay, bệnh nhân nhập viện TCM có chiều hướng gia tăng. Các gia đình cần chú ý con em mình, nếu con em có biểu hiện phải đến cơ sở y tế gần nhất để điều trị, tránh tiếp xúc lây lan. Tuy nhiên, giai đoạn này các bé đang nghỉ hè nên tình trạng lây lan bệnh TCM giữa các trẻ cũng sẽ giảm mạnh.
Không chỉ riêng Cần Thơ, tình hình dịch TCM ở các tỉnh ĐBSCL hiện vẫn đang tăng nhanh. Sở Y tế tỉnh Cà Mau cho biết, trong 5 tháng đầu năm 2023, địa phương ghi nhận hơn 332 ca mắc, trong khi cùng kỳ năm 2022 chỉ ghi nhận 7 ca. Tuy chưa có trường hợp tử vong nhưng số ca nặng gia tăng đáng lo ngại.
Ông Trần Quang Hiền - Giám đốc Sở Y tế An Giang cho biết, tuần qua, địa phương ghi nhận 75 ca mắc TCM. Số ca mắc cộng dồn từ đầu năm đến nay là 485 ca (tăng 3% so với cùng kỳ năm 2022). Tình hình dịch TCM ở An Giang cơ bản ổn. Tuy nhiên, dự báo khả năng thiếu thuốc điều trị TCM khi dịch tăng cao vào tháng 7, 8, 9.
Sớm phân bổ thuốc điều trị
BS Đỗ Thị Yến - Trưởng khoa nhi, Bệnh viện đa khoa Bạc Liêu cho biết, trong thời gian gần đây bệnh TCM có chiều hướng gia tăng so với cùng kỳ năm 2022. Đặc biệt, gần đây bệnh viện cũng ghi nhận nhiều ca TCM độ nặng, tăng nhiều so với cùng kỳ. Gần đây, bệnh viện tiếp nhận và điều trị 2 ca độ 4, bệnh nhân viêm phổi nặng phải lọc máu, thở máy. Trong đó, có một ca đã khỏi bệnh và xuất viện.
Về việc bổ sung thuốc đặc trị Immunoglobulin để điều trị TCM đang bị cạn dần, Giám đốc bệnh viện nhi Cần Thơ cho biết: Đây là thuốc đặc trị phải nhập nếu mua ngoài rất đắt trong khi số lượng không nhiều. Chúng tôi đã kiến nghị Sở Y tế, Sở cũng đã báo cáo, kiến nghị lên Bộ Y tế sớm phân bổ thuốc. Hiện, bệnh viện cũng đã có những phương án dự trù thiếu thuốc điều trị trong những ngày tới…
Bà Nguyễn Ngọc Việt Nga - Phó Giám đốc Sở Y tế TP Cần Thơ cho biết: Liên quan đến thuốc Immunoglobulin điều trị TCM, hiện tại một số bệnh viện cũng lo lắng về tình trạng thiếu thuốc điều trị. Tuy nhiên, đây là loại thuốc đặc trị phải nhập từ nước ngoài nên chúng tôi đã báo cáo và kiến nghị lên Bộ Y tế có hướng tăng cường nhập khẩu thuốc này để phân bổ về cho bệnh viện.
Ngành y tế Cà Mau cũng đang gặp nhiều khó khăn khi một số thuốc điều trị đặc hiệu như Phenobarbital, Immunoglobulin truyền tĩnh mạch (để điều trị từ độ 2b trở lên) đã “cạn kiệt” và vẫn đang phải chờ Bộ Y tế phân bổ về.
Còn ở Đồng Tháp, số ca mắc TCM cũng đang có xu hướng tăng, ngành y tế hiện nay đang tập trung các giải pháp truyền thông về sức khỏe để cho người dân có ý thức phòng, chống dịch. Tuy nhiên, ông Đoàn Tấn Bửu - Giám đốc Sở Y tế tỉnh Đồng Tháp cũng cho biết, thuốc để điều trị TCM tại các cơ sở khám, chữa bệnh trên địa bàn hiện tại vẫn đảm bảo, chưa thiếu thuốc.
BS Phạm Hồng Trinh - Khoa nhi, Bệnh viện đa khoa tỉnh Bạc Liêu khuyến cáo, bệnh TCM thường lây qua đường tay, chân, ăn uống và những bé từ 3-5 tuổi rất dễ mắc bệnh do các bé. Phụ huynh cần phải chú ý theo dõi sát các bé, vệ sinh tay, chân, miệng, ăn uống sạch sẽ. Nếu trẻ có những biểu hiện bất thường cần nhanh chóng đưa đến khám ở những cơ sở y tế gần nhất.