Nghĩa tình biên giới, hải đảo
Với nhiều nội dung phong phú nhằm hướng về biên giới, hải đảo của Tổ quốc, MTTQ huyện Cần Giờ và quận Gò Vấp (TP Hồ Chí Minh) đã có các mô hình hiệu quả góp phần hỗ trợ người dân vùng biên giới, hải đảo.
Ông Mai Văn Chớ - Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ huyện Nhà Bè cho biết, tháng 1/2018, Ủy ban MTTQ huyện khởi xướng thành lập Nhóm “Mái ấm vùng biên”. Mục đích nhằm phối hợp tổ chức nhiều hoạt động an sinh xã hội, thực hiện chương trình chăm lo cán bộ, chiến sĩ, hộ khó khăn vùng biên giới.
Anh Huỳnh Hữu Huỳnh - Nhóm trưởng Mái ấm vùng biên chia sẻ: Đi nhiều nơi, chứng kiến không ít bà con, cán bộ, chiến sĩ ở các vùng xa, vùng biên giới khó khăn về nhà ở, nhất là vào mùa mưa bão, chúng tôi đã bàn bạc và phối hợp với Mặt trận huyện Cần Giờ quyết định thành lập Nhóm. Thời gian đầu, nhóm có khoảng 10 người. Thấy việc làm có ý nghĩa nên nhiều người tình nguyện tham gia, đến nay Nhóm quy tụ gần 50 người.
Theo anh Huỳnh, trung bình mỗi năm Nhóm vận động được hàng trăm triệu đồng. Số kinh phí này dùng để xây nhà Đại đoàn kết, nhà Tình thương; hỗ trợ học bổng, trao quà cho người dân, cán bộ, chiến sĩ vào những dịp lễ, tết… “Chúng tôi làm việc hoàn toàn tự nguyện, kinh phí rõ ràng, minh bạch, với mục đích hỗ trợ để người dân vùng biên giới, hải đảo vơi đi phần nào khó khăn, từ đó góp phần tạo động lực để họ vươn lên trong cuộc sống” - anh Huỳnh nói.
Thống kê, trong hơn 3 năm qua, Nhóm đã hỗ trợ kinh phí và xây dựng, bàn giao 5 căn nhà Đại đoàn kết trị giá 255 triệu đồng và hỗ trợ các vật dụng sinh hoạt như: Tivi, nồi cơm điện, bình đun siêu tốc, bếp gas... cho người dân, cán bộ chiến sĩ tại thị trấn Trần Đề, (huyện Trần Đề, tỉnh Sóc Trăng); huyện Phú Tân và huyện Bến Lức (tỉnh Long An).
Bên cạnh đó, Nhóm Mái ấm vùng biên cũng tổ chức tham quan, giao lưu, tặng quà tại đồn Biên phòng Long Phước, huyện Bến Cầu, tỉnh Tây Ninh. Trong chuyến thăm, đoàn đã tổ chức trao 150 phần quà, trị giá 60 triệu đồng cho người dân có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn xã Long Phước; trao quà và kinh phí 10 triệu đồng cho cán bộ, chiến sĩ. Thăm, tặng quà cán bộ, chiến sĩ đồn Biên phòng Thạnh An, huyện Cần giờ, tặng 100 phần quà, trị giá 50 triệu đồng cho người dân tại xã đảo Thạnh An...
Nhận thấy công tác chăm lo cho bà con, cán bộ, chiến sĩ đang sinh sống, công tác ở vùng biên giới, hải đảo là việc làm hết sức ý nghĩa và quan trọng, năm 2018, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ quận Gò Vấp đã xây dựng mô hình “Hướng về biên giới, hải đảo”.
Bà Nguyễn Thị Thảo - Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban MTTQ quận Gò Vấp cho biết, nhờ được triển khai bài bản, đồng bộ mà mô hình đã thu được nhiều kết quả. Cụ thể, thăm và tặng quà cán bộ, chiến sĩ; giao lưu, trao đổi về tình hình bảo vệ biên giới và trao học bổng cho con em cán bộ, chiến sĩ nhiều địa phương với tổng số tiền 130 triệu đồng; đồng thời con em cán bộ đồn biên phòng cũng được nhận học bổng số tiền 50 triệu đồng; trao tặng 100 suất quà mỗi phần 300 đồng, 3 giếng khoan cho đồng bào dân tộc nghèo…
Riêng hai năm 2021 và 2022, do tình hình dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, không thể đi thăm hỏi trực tiếp, MTTQ quận Gò Vấp đã gửi rất nhiều phần quà tặng tới người dân, cán bộ, chiến sĩ; giao lưu, trao đổi về tình hình bảo vệ biên giới và trao học bổng cho con em cán bộ tại nhiều địa phương khu vực phía Nam.
Ông Nguyễn Văn Trung - người dân ở xã biên giới Hưng Phước (huyện Bù Đốp, tỉnh Bình Phước) cho biết, gia đình ông từ ngoài Bắc vào định cư được gần 10 năm. Do không có nhiều đất đai canh tác, cuộc sống gia đình rất khó khăn, căn nhà mái tôn mua lại của chủ cũ cũng đã xuống cấp từ lâu nhưng không có tiền sửa sang. Đến năm 2019, được sự hỗ trợ của Mặt trận quận Gò Vấp và chính quyền địa phương sở tại, căn nhà của gia đình ông Trung đã xây khang trang hơn. “Bên cạnh đó, gia đình tôi còn được hỗ trợ cho vay vốn làm ăn, tặng dụng cụ sinh hoạt. Nhờ vậy, 2 con tôi vẫn tiếp tục được đi học, nợ được trả hết, đời sống gia đình ổn định. Mô hình này nếu đến được nhiều hơn với những người nghèo, để họ được hỗ trợ vươn lên thì tốt biết mấy” - ông Trung mong muốn.