Đề phòng ngộ độc nấm
Các loại nấm độc phần lớn được xác định theo kinh nghiệm. Tuy nhiên, thực tế thì việc xác định nấm và độc tố là rất khó.
Nhiều ca ngộ độc nặng
Theo số liệu giám sát ngộ độc và yếu tố dịch tễ, hàng năm, vào thời điểm mùa xuân và đầu mùa hè, đặc biệt là tại các tỉnh miền núi phía Bắc và Tây Nguyên thường xảy ra các vụ ngộ độc do người dân sử dụng các thực phẩm có chứa độc tố tự nhiên (nấm độc, hoa quả rừng, cây rừng).
Gần đây nhất, đầu tháng 6, một gia đình 3 người ở Tây Ninh, hái nấm và xào với mướp ăn, khoảng 8-12 giờ sau bị đau bụng, nôn ói, tiêu chảy nặng. Họ được đưa vào bệnh viện địa phương cấp cứu, chuyển Bệnh viện Chợ Rẫy (TPHCM). Trong quá trình di chuyển, người chồng khó thở, suy hô hấp và tử vong tại khoa Cấp cứu. Người vợ cùng con gái 17 tuổi, trong tình trạng suy gan cấp, men gan tăng rất cao, rối loạn đông máu. Tình trạng người phụ nữ ngày càng nặng hơn, sau 3 ngày điều trị, bác sĩ tiên lượng không qua khỏi nên gia đình xin đưa về và đã tử vong tại nhà. Sức khỏe người con cải thiện hơn, cũng xin xuất viện theo nguyện vọng.
Cùng thời gian, theo thông tin từ UBND huyện Dương Minh Châu, tỉnh Tây Ninh, địa phương này ghi nhận 6 trường hợp ngộ độc sau khi ăn nấm rừng. Cụ thể, 6 trường hợp được cấp cứu tại Trung tâm y tế huyện vào các ngày 3, 6 và 7/6 trong tình trạng nôn ói, tiêu chảy, đau bụng, đau đầu. Các nạn nhân cho biết đã vào rừng hái nấm trứng gà, trứng ngỗng về ăn. Trong quá trình hái có xen lẫn vài loại nấm có màu đen xám không rõ tên.
Tại Bệnh viện Nhi đồng 2 TPHCM cũng vừa tiếp nhận 2 trường hợp trẻ em bị ngộ độc nấm nặng, rối loạn tri giác, rối loạn nhịp tim, tim đập chậm, tổn thương gan thận, rối loạn thần kinh. Hai cháu bé phải lọc máu và thay huyết tương để thải bớt độc tố trong máu, hạn chế tổn thương thêm các nội tạng.
Biểu hiện và cách xử trí
Nói về tình trạng ngộ độc nấm, TS.BS Nguyễn Trung Nguyên - Giám đốc Trung tâm chống độc (Bệnh viện Bạch Mai) cho biết, mỗi năm, Trung tâm Chống độc tiếp nhận và điều trị hàng trăm ca ngộ độc nấm, con số tử vong cũng khoảng vài chục người. Việt Nam có khoảng 50-100 loài nấm độc khác nhau, trong đó những loài có độc tố gây chết người như: Nấm độc tán trắng, nấm ô tán trắng phiến xanh, nấm độc trắng hình nón. Độc tố nằm trong toàn bộ cây nấm (mũ, phiến, vòng, cuống, bao gốc nấm). Độc tố có thể thay đổi theo mùa, trong quá trình sinh trưởng của nấm, trong môi trường đất đai, khí hậu và thường gây hậu quả nghiêm trọng tới sức khỏe, rất phức tạp và khó tiên lượng.
Nấm độc mọc xen lẫn với nấm thường, trong khi đó nhiều loại nấm độc trông rất đẹp, có màu trắng, nhìn giống nấm bình thường. Nhiều người cho rằng, chỉ cần dựa vào kinh nghiệm bản thân, hoặc nhìn các loại nấm “nếu côn trùng ăn được thì người ăn sẽ không ngộ độc”, song trên thực tế các bác sĩ tại Trung tâm Chống độc đã từng cấp cứu cho bệnh nhân bị ngộ độc nấm dù nấm đó đã bị kiến đục khoét và côn trùng ăn.
BS Nguyên cũng cho biết, những ca ngộ độc nấm nặng chi phí điều trị rất cao, trong khi tỉ lệ tử vong lên đến 50%, cho dù người bệnh chỉ ăn 1 - 2 tán nấm.
Còn theo TS.BS Nguyễn Thị Thủy Ngân - Phó Trưởng khoa Bệnh nhiệt đới (Bệnh viện Chợ Rẫy), nấm độc có rất nhiều độc tố khác nhau, mỗi loại độc tố lại tác động lên cơ quan khác nhau, gây ra ảo giác, rối loạn tri giác, suy thận, rối loạn tiêu hóa, rối loạn chức năng gan… Ngộ độc nấm có thể khởi phát ngay hoặc từ 8-12 giờ sau khi ăn phải nấm độc. Đôi khi các triệu chứng nhẹ như đau bụng, nôn ói... sau ăn nấm có thể bị bỏ qua, không đến bệnh viện dẫn đến tình trạng nặng hơn. Các độc tố của nấm nói chung khi vào trong máu sẽ gây rối loạn dẫn truyền hệ thống thần kinh, gây tổn thương gan, thận. Nạn nhân có thể tử vong nếu hàm lượng độc tố cao.
Theo các bác sĩ, hiện nay gần như tất cả những độc chất trong nấm không có thuốc kháng độc tố đặc hiệu. Chỉ có thể sử dụng các biện pháp hỗ trợ như suy hô hấp thì cho thở máy, suy đa tạng sẽ được lọc máu, thay huyết tương… để thải bớt độc tố. Bệnh nhân sau khi được cứu sống bởi ngộ độc nấm ít nhiều sẽ có di chứng do hệ thần kinh đã bị tổn thương và suy đa tạng trước đó.
BS Thủy Ngân khuyến cáo, sau khi ăn nấm mà có biểu hiện bị ngộ độc, nếu người bệnh vẫn còn tỉnh táo nên cho uống thật nhiều nước để gây nôn, sau đó nhanh chóng đưa người bệnh đến bệnh viện cấp cứu. Đưa cả những người cùng ăn nấm dù chưa có biểu hiện triệu chứng đến cơ sở y tế. Mang mẫu nấm còn lại hoặc thức ăn chế biến từ nấm còn lại mang tới cơ sở y tế để sơ bộ xác định loài nấm.