Mưu sinh ‘trên trời’
Thoăn thoắt trên những ngọn cây cao chót vót, trèo từ cành này sang cành kia, cắt cả cành cây ngay dưới chân đang ngồi khiến nhiều người dưới đất nhìn lên như muốn “rụng tim” là hình ảnh thường thấy của những người làm nghề cưa, chặt cây mướn. Đặc biệt, một số người còn được mệnh danh là “vua khỉ” vì kỹ năng thuần thục và sự gan dạ. Tuy nhiên, công việc của họ đơn giản chỉ là mưu sinh.
Nguy hiểm luôn rình rập
Những ngày này, miền Tây Nam bộ bắt đầu bước vào mùa mưa, nhu cầu cưa chặt cây của người dân cũng nhiều hơn. Trong đó, những cây lớn, cao và có vị trí đặc thù thường phải có những thợ chuyên dụng, có kinh nghiệm mới làm được. Những người thợ cưa chặt cây ở miền Tây thường làm việc theo nhóm, từ 2 tới 4 người. Trong đó thợ chính cũng là người có kinh nghiệm nhất, thường đảm nhiệm công việc leo những cành cao để cưa.
Gắn bó với nghề chặt cây mướn đã hơn 10 năm, anh Nguyễn Văn Dũng, 37 tuổi ngụ tại xã Thành Thới A (huyện Mỏ Cày Nam, tỉnh Bến Tre) thường đi khắp khu vực các tỉnh Bến Tre, Tiền Giang, Long An hay Đồng Tháp, Trà Vinh để chặt cây. Ai có nhu cầu chặt cây mướn là anh lại lên đường. “Trước tôi chỉ có một mình, nhận chặt cây mướn cho người dân quanh vùng thôi. Vài năm gần đây nhiều người mướn, lại có cây bự nên gọi thêm hai cậu em trong xóm làm cùng. Tuy nhiên công việc chính vẫn do mình làm, tụi nhỏ chỉ phụ thêm thôi chứ không dám leo cao đâu”, anh Dũng kể. Theo người đàn ông này, hầu hết những cây mà chủ nhà thuê cưa, chặt đều là những cây có độ khó cao. “Bình thường người ta cũng có thể mang cưa, mang dao chặt cây, cành được chứ không nhờ đến mình. Tuy nhiên nhiều cây lớn, cây cao và nằm gần nhà, đường hay sông kênh thì phải thuê để cưa. Mới tuần trước tôi nhận cưa 3 cây bần cao tới 15 mét. Cây đều mọc sát nhà, phải cưa từ trên xuống, từ những cành nhỏ tới cành lớn chứ nếu cưa từ thân thì cây đổ đè lên mái nhà rất nguy hiểm. Mỗi cây được chủ nhà trả thù lao là 300 ngàn đồng, nhưng khi thấy nhóm tôi làm nhanh gọn, chỉ buổi sáng là xong nên họ trả một triệu đồng tất cả”, anh Dũng chia sẻ.
Với nhiều người, cưa chặt cây có vẻ là công việc khá đơn giản, nhưng thực tế không hoàn toàn như vậy. “Này nhé, khi bắt đầu cưa thì mình phải chọn cành nhỏ trước, cành lớn sau. Rồi xem hướng gió, vị trí khi cành cây rơi xuống. Đối với bản thân mình thì phải an toàn nữa. Ngoài việc cột chặt dây đeo thì việc cầm, điều khiển máy cưa cũng phải cực kỳ cẩn thận. Một vài cây phải buộc cả dây để kéo chúng xuống nữa. Hầu hết công việc đó là dành cho hai cậu em ở dưới đất thôi”, anh Dũng chia sẻ tiếp.
Thực tế, những người làm việc công chặt cây như anh Dũng khá nhiều ở khu vực miền Tây Nam bộ, bởi nhu cầu của người dân nhiều. Ngoài việc cưa cây mùa mưa cho an toàn, nhiều gia đình có đất trồng cây cũng cưa để bán, làm củi đun hay mục đích khác. Vì thế, công việc của nhóm anh gần như liên tục, tuần nào cũng có 2-3 chủ thuê mướn. Tuy vậy, công việc cũng tiềm ẩn nhiều nguy hiểm, nhất là những người trực tiếp leo cao như anh. “Cưa cây thì nhiều công đoạn lắm bởi cưa cành xong rồi còn phải cưa ra từng khúc theo yêu cầu của chủ. Công đoạn quan trọng nhất là cưa lúc cành ở trên cao thì mình đảm nhiệm rồi. Ngày trước bắt đầu vào nghề cũng sợ lắm vì trèo cao, cưa cây rung lắc rất hãi. Sau dần thì quen. Giờ cưa ngay cạnh nhánh mình ngồi cũng thấy bình thường”, anh Dũng cho biết thêm.
Nhìn người đàn ông thoăn thoắt trên ngọn cây xà cừ cao um tùm, tiếng rè rè từ máy cưa vang lên mà nhiều người thấy lạnh cả sống lưng. Chỉ cần sơ sẩy một chút, máy cưa lệch đi cũng có thể gây nguy hiểm khôn lường. Rồi còn gió, còn ong, kiến hay những côn trùng khác cũng có thể làm cho người thợ giật mình, phân tâm. Thế nhưng, những cành cây cứ lần lượt rơi xuống, từ cành nhỏ tới cành to, mà người chặt cây vẫn an toàn.
“Vua khỉ” miền sông nước
Dù là nghề mưu sinh như nhiều nghề khác nhưng ông Phạm Thanh Tùng (ngụ xã An Thái Đông, huyện Cái Bè, tỉnh Tiền Giang), với gần 30 năm làm nghề leo cây lại được nhiều người gọi bằng biệt danh “vua khỉ” bởi tài leo trèo, giữ thăng bằng trên thân cây. So với nhiều đồng nghiệp khác, ông Tùng được nhiều người biết tới khi đã cưa, chặt rất nhiều cây cao, nguy hiểm dù tiền công cũng không chênh nhiều. Khắp vùng Cái Bè, Cai Lậy gia đình nào có cây cao, cây lớn đều nhờ ông Tùng cưa. Chia sẻ với chúng tôi, ông Tùng bảo không phải cây nào cũng cưa như cây nào, tùy theo từng loại, từng vị trí mà lựa phương án thích hợp. “Nhiều cây nằm ở bãi đất trống nhưng cưa rất khó, không phải cưa từ gốc ngay mà được. Cưa cây cũng như bẻ bó đũa vậy, phải làm lần lượt thì mới nhanh xong. Như nhiều cây ít nhánh, nhánh giòn và dễ gãy thì lại cưa từ gốc, buộc dây để bắt cây đổ theo hướng mình mong muốn. Nghề này nhìn vậy chứ vất vả lắm, còn phải tính toán kỹ”, ông Tùng kể.
Mặc dù khá nổi tiếng, được nhiều người trong vùng biết tới nhưng ông Tùng bảo ông làm nghề này là để mưu sinh. Hiện nay ông đã xấp xỉ 50 năm tuổi đời với 30 năm tuổi nghề nên cũng không còn khỏe, không còn sung sức nữa. “Trước kia ở đâu có người kêu là tôi chạy xe đi ngay. Mùa mưa như hiện nay, chủ ở dưới Bến Tre, Trà Vinh hay mạn trên Vĩnh Long, Cần Thơ gọi cũng nhiều lắm. Mà đồ nghề thì đơn giản, chỉ hai cuộn dây với cái cưa thôi mà. Nhưng giờ tôi cũng lớn tuổi rồi, không nhận cưa cây ở xa nữa, chỉ loanh quanh mấy nơi Cái Bè, Cai Lậy, Chợ Lách này thôi. Mấy đứa con cũng kêu ba nghỉ ở nhà cho khoẻ, mà tôi ngồi yên không được”, ông Tùng chia sẻ thêm.
Nói về nghề cưa chặt cây, ông Tùng bảo dù được nhiều người gọi là “vua khỉ” nhưng ông cũng gặp nhiều tai nạn, đều nhờ may mắn nên vẫn tiếp tục công việc được. Có lần bị ngã đau, rạn cả xương sườn khiến ông suýt bỏ nghề nhưng khi khoẻ lại, ông tiếp tục leo cây cưa như thường. “Bữa đó cũng mới mùa mưa. Tôi cưa cây cho vợ chồng già ở Sa Đéc. Đó là cây vú sữa lớn đã thu hoạch trái, ông bà chỉ muốn cưa những cành nhỏ chứ không chặt hết. Do cây lớn nằm gần mái nhà, tôi phải cưa từ từ. Không ngờ gần mái nhà có tổ ong bị lùm cây che lấp. Khi vừa cưa gần tới nơi, bầy ong bị động bay tứ tung, đốt vào vai, vào cổ tôi khiến tôi phản xạ lấy tay che mắt lại, chiếc máy cưa rơi xuống đất. Người cũng bị lộn mấy vòng, đập vào thân cây nhưng nhờ dây buộc nên chỉ treo lơ lửng ở nhánh giữa. Lúc đó phải mất vài phút tôi mới định thần vì vừa bị ong chích, vừa bị đập vào thân cây. Sau đó lần xuống dưới đất thì thấy tay chân, vai và bụng bị trầy xước nhiều, đau lắm. Đến bệnh viện khám thì bác sĩ kêu bị rạn xương, phải nghỉ ngơi hai tuần. Nhưng đó không phải là lần duy nhất đâu, tôi có mấy lần bị té trên cây như vậy đó, nghề nghiệp mà. Ngày nào cũng leo trèo như vậy, phải có lúc không may chứ. Nhưng may mắn là làm cẩn thận, vẫn giữ được sức khoẻ để làm việc tiếp”, ông Tùng cười cho biết.
Thực tế ở miền Tây Nam bộ không chỉ có ông Tùng, anh Dũng mà còn rất nhiều người khác mưu sinh bằng nghề cưa chặt cây thuê. Ngoài ra cũng có nhiều người khác với công việc tương tự, cũng phải treo mình lên những ngọn cây cao chót vót với nhiều ẩn nguy để kiếm kế mưu sinh như: Nghề leo cây hái dừa, hái thốt nốt. Với họ, những người đã gắn bó đủ lâu thì đó không chỉ là một nghề, mà còn là cái nghiệp theo họ suốt đời.