Du lịch lao đao vì… điện

MINH DUY 18/06/2023 08:35

Tình trạng cắt điện luân phiên tại một số địa phương có các điểm du lịch giữa mùa du lịch hè đang gây ảnh hưởng đến chất lượng dịch vụ. Nhiều khách than phiền chuyến du lịch chẳng khác nào “hành xác”. Có thể thấy, tình trạng cắt điện ảnh hưởng xấu đến ngành du lịch. Nhất là khi các tỉnh đang kỳ vọng vào việc hồi sinh hoạt động du lịch sau dịch bệnh Covid-19.

Khu du lịch Bãi Cháy (Hạ Long, Quảng Ninh) vắng khách vì điện không đủ cung ứng (ảnh chụp ngày 12/6).

Nhiều ngày qua, tình trạng cắt điện luân phiên đã ảnh hưởng lớn đến ngành du lịch ở TP Hạ Long (tỉnh Quảng Ninh), Hải Phòng, Ninh Bình, Nam Định, Thanh Hóa... Nhiều du khách đã trả phòng, kết thúc kỳ nghỉ sớm hơn vì không chịu nổi cái nóng và sự bất tiện do mất điện.

Anh Nguyễn Văn Trà (quận Đống Đa, Hà Nội) kể: Tuần trước tôi đặt khách sạn ở khu Hùng Thắng, Hạ Long (Quảng Ninh), khách sạn mất điện ngay buổi đêm đầu tiên, máy phát chỉ đủ dùng cho thang máy, tivi. Vì có 2 con nhỏ nên tôi phải chạy đi tìm tạm nhà nghỉ ở khu vực Bãi Cháy, nhưng sáng 4/6 khu vực Bãi Cháy cũng bị cắt điện, thành ra ăn sáng xong là cả nhà lại khăn gói quay về Hà Nội. “Chưa khi nào gia đình tôi trải qua một kỳ nghỉ gây bực mình như vậy”, anh Trà bức xúc nói.

Tại Hải Phòng, chị Vân Hạnh đến từ TPHCM cho biết, thuê khách sạn ở quận Lê Chân nhưng chưa kịp cất hành lý đã mất điện. Từ sân bay Cát Bi chị cũng bất ngờ khi nhiều khu vực nóng bức, ngột ngạt. Phía bên khu vực nhà chờ, máy lạnh vẫn chạy bình thường nhưng tại một số nhà hàng phục vụ ăn uống lại không bật máy lạnh, cũng không có quạt máy. Nhân viên một quán ăn tại sân bay Cát Bi cho hay do thực hiện tiết kiệm điện năng nên ngay trong sân bay cũng giảm bớt thiết bị điện.

Tương tự, gia đình chị Dương Hà (Phú Thọ) chọn điểm đến Ninh Bình trong kỳ nghỉ hè, theo kế hoạch là 4 ngày, nhưng ngày thứ 2 chị Hà đã nghĩ tới việc quay về bởi ở homestay nơi chị lưu trú điện chập chờn, nghe nói có thể cắt điện bất cứ thời điểm nào. Ngay bữa trưa đầu tiên, ăn uống trong cảnh mất điện vài lần với thời tiết nắng nóng khiến bữa ăn mất ngon. Tối hôm đó, các con chị cũng mất ngủ vì điện lúc có lúc không. Hôm sau chị quyết định đổi lịch trình di chuyển tới rừng Cúc Phương cho các con vui chơi…

Hiện phía doanh nghiệp du lịch đang lao đao vì mất điện, đại diện nhiều doanh nghiệp lữ hành cho biết, thời điểm này dù tình trạng cắt điện tại các điểm đến ở nhiều địa phương đã được cải thiện, nhưng lượng khách đến Hạ Long vẫn sụt giảm rõ rệt. Ông Ngô Bách - Giám đốc Công ty BMV Travel, đơn vị kinh doanh lĩnh vực khách sạn và tour du lịch tại TP Hạ Long cho hay: So với thời điểm các năm trước, năm nay Hạ Long rất vắng khách, nhất là sau đợt cắt điện vừa qua. Những du khách này lại chia sẻ thông tin lên các trang mạng xã hội khiến những du khách chưa đi biết được thông tin đã đổi hướng không tới Hạ Long nữa do lo sợ tình trạng cắt điện xảy ra.

Cũng tại Quảng Ninh, theo thông tin từ UBND huyện Vân Đồn, lượng khách đến khu du lịch Minh Châu - Quan Lạn giảm 35%, chỉ còn khoảng 12.700 lượt khách du lịch/tuần so với thời điểm trước khi tiết giảm điện năng tiêu thụ. Con số này được dự báo tiếp tục giảm trong những tuần tiếp theo nếu việc tiết giảm điện còn kéo dài.

Trước tình thế này, nhiều khách sạn, nhà nghỉ, nhà hàng đã phải mua hoặc thuê máy phát điện khẩn cấp. Nếu đầu tư thì chi phí khoảng 1 tỷ đồng/chiếc. Tiền thuê máy khoảng 25 - 30 triệu/tháng, cộng vài triệu đồng xăng dầu mỗi ngày. Theo ông Phạm Ngọc Thủy - Giám đốc Sở Du lịch Quảng Ninh, các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh đều đang rất khó khăn. Việc lắp thêm máy phát điện lại tốn thêm khoản lớn chi phí nên việc kinh doanh khó chồng khó.

Có thể thấy, tình trạng cắt điện luân phiên tại các điểm đến đang ảnh hưởng xấu đến ngành du lịch. Nhất là vào mùa cao điểm du lịch hè, khi các địa phương đang kỳ vọng sự tăng trưởng kinh tế - xã hội khi hoạt động du lịch hồi sinh sau dịch bệnh Covid-19.

Giới chuyên gia nhìn nhận, chưa bao giờ ngành điện lại bấp bênh như hiện tại. Thiếu điện vào cao điểm mùa nắng thì năm nào cũng gặp. Nhưng năm nay do sản lượng điện sản xuất ra ít hơn và nắng nóng nhiều hơn nên nguy cơ thiếu hụt lớn hơn. Chính vì vậy, vào những lúc công suất điện sử dụng cực đại, chúng ta phải chấp nhận có một số nơi bị ngắt điện tạm thời. Mặc dù nguồn điện đang đối diện nguy cơ thiếu, nhưng lại tồn tại nghịch lý là nhiều dự án điện tái tạo khắp cả nước vẫn chưa thể bổ sung nguồn. Vấn đề này tồn tại khá lâu mà chưa giải quyết được. Do đó, Bộ Công Thương cần sớm tham mưu cho Chính phủ trình Quốc hội chính sách gỡ vướng cho các dự án này với mục đích đáp ứng đủ cung - cầu điện của xã hội.

Chuyên gia kinh tế Nguyễn Đình Cung - nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương nhấn mạnh: Cần tạo khung chính sách ổn định giúp nhà đầu tư yên tâm đầu tư với thủ tục đơn giản, thuận lợi và phải cùng có lợi. Những thủ tục nào không cần thiết thì phải xóa bỏ. Đặc biệt, giá điện cũng phải theo kinh tế thị trường. Có như vậy, dòng vốn từ khu vực tư nhân mới tiếp tục chảy vào các dự án điện, góp phần bảo đảm an ninh năng lượng, phục vụ hiệu quả cho mục tiêu phát triển kinh tế.

MINH DUY