Phim Việt 'hụt hơi'
Sau thành công với những kỷ lục về doanh thu, tưởng như đó sẽ là cú hích cho điện ảnh Việt Nam trong mùa hè này. Thế nhưng, điểm mặt các bộ phim đang công chiếu tại các cụm rạp thời điểm hiện tại lại hoàn toàn vắng bóng những bộ phim của Việt Nam.
Sau những tháng ngày rực rỡ
Sau thành công của bộ phim “Nhà bà Nữ”, “Chị chị em em 2” vào đầu năm và mới đây là “Lật mặt 6: Tấm vé định mệnh” và “Con Nhót mót chồng” điện ảnh Việt Nam đã có những tháng ngày rực rỡ về doanh thu tại các phòng vé. Với doanh thu lên tới hàng chục thậm chí là hàng trăm tỷ đồng, nhiều bộ phim còn xuất ngoại đã mang tới nhiều hy vọng cho điện ảnh Việt Nam.
Tuy nhiên, sau cú hích đầy ngoạn mục đó, điện ảnh Việt Nam đã và đang đối mặt với việc hoàn toàn vắng bóng tại các cụm rạp trong thời gian tới. Thông tin từ lịch chiếu của các đơn vị phát hành, khán giả yêu thích Việt Nam sẽ phải đợi vài tháng nữa mới có cơ hội thưởng thức các tác phẩm điện ảnh trong nước. Dự án phim Việt Nam được cho là sớm nhất sẽ ra mắt khán giả trong thời gian là “Kẻ ẩn danh” mới đây đã ấn định lịch chiếu vào dịp lễ 2/9. Tiếp đó là “Đất rừng phương Nam” của đạo diễn Nguyễn Quang Dũng sẽ khởi chiếu vào cuối tháng 10. Ngoài ra, một số phim khác như “Móng vuốt” (đạo diễn Lê Thanh Sơn), “Người vợ cuối cùng” (đạo diễn Victor Vũ) đều dự kiến ra rạp vào cuối năm.
Điểm sáng duy nhất của điện ảnh Việt Nam trong thời điểm này “Lật mặt 6: Tấm vé định mệnh” cũng đã có thông báo sẽ rút khỏi rạp. Hiện nay, hầu hết lịch chiếu các cụm rạp đang nhường chỗ cho các bộ phim bom tấn của nước ngoài, như “Doraemon: Nobita và vùng đất lý tưởng trên bầu trời”, “Người Nhện: Du hành Vũ trụ Nhện”, “Fast & Furious 10”, “Vây hãm: Không lối thoát” hay “Nàng tiên cá”... Chưa kể sắp tới đây, hàng loạt bộ phim nước ngoài khác sẽ “cập bến” các phòng chiếu như “Flash”, “Xứ sở các nguyên tố hay”, “Indiana Jones & Vòng quay định mệnh”, “Nhiệm vụ bất khả thi: Nghiệp báo phần 1”, “Barbie”...
Có thể nói, dịp hè được xem là “mùa vàng” về doanh thu nhưng phim Việt lại thất thế, điều này đã được dự báo trước. Bởi thực tế, phim Việt dù tăng về chất lượng nhưng đang giảm về số lượng. Theo thống kê của Box Office Vietnam, trong 6 tháng đầu năm, số lượng phim Việt phát hành là 10 tác phẩm. Nếu so sánh với thời điểm những năm trước, đây là con số khá khiêm tốn. Nửa đầu năm 2019 đã có 18 bộ phim được công chiếu; năm 2020 và 2021 dù chịu ảnh hưởng của dịch Covid-19 những cũng đã có 11 phim được sản xuất và đặc biệt nửa đầu năm 2022 đã có 24 dự án phim được ra mắt.
Phim Việt tiếp tục vắng bóng
Thực tế cho thấy, sau những thành công điện ảnh Việt Nam đang mang đến cho khán giả không chỉ ở việc thay đổi thói quen xem các tác phẩm trong nước mà còn là cả những kỳ vọng. Tuy nhiên, bên cạnh những thành công phim Việt vẫn còn đó không ít thất bại. Đơn cử, như năm 2022 dù số lượng phim Việt ra rạp ồ ạt nhưng số lượng phim sau đó phải “cất kho” cũng nhiều không kém. Nhiều phim ra rạp rồi rời rạp cũng chỉ trong một khoảng thời gian ngắn. Bên cạnh đó, việc giảm về số lượng cũng một phần do thiếu kinh phí đầu tư. Hiện nay để thực hiện một dự án điện ảnh ra tấm, ra món nhà sản xuất phải có số vốn ít nhất khoảng 15 tỷ đồng. Việc này trong giai đoạn bình thường vốn đã rất khó khăn, thì hiện nay trong bối cảnh kinh tế thị trường suy thoái đang khiến rất nhiều nhà sản xuất phải chùn bước.
Những trở ngại đó dẫn đến thực tế hiện nay nhiều đơn vị sản xuất đang vô cùng cân nhắc việc chọn thời điểm đưa phim ra rạp, nhất là trong dịp hè này. Bởi nhìn về tương quan thì khoảng cách về mức độ đầu tư, thương hiệu và cả trình độ sản xuất, phim Việt, dù được ưu tiên về giờ chiếu nhưng khó có thể tranh đua với sự ra mắt ồ ạt của những “bom tấn” Hollywood.
Đạo diễn Khoa Nguyễn cho rằng, đến quý IV năm nay, phim Việt cũng chỉ phát hành số lượng ít ỏi và chủ yếu đến từ các nhà sản xuất lớn. “Theo quan sát của tôi, chỉ có số ít dự án phim điện ảnh đang bấm máy ở thời điểm hiện tại. Thị trường điện ảnh Việt mà thiếu phim Việt là rất đáng buồn. Tình trạng này kéo dài rõ ràng sẽ ảnh hưởng xấu đến nguồn nhân lực” - đạo diễn Khoa Nguyễn cũng nhìn nhận, khả năng trong năm 2023 chỉ có các nhà sản xuất phim lớn, đủ tiềm lực tài chính, mối quan hệ mới có thể thực hiện được những dự án của mình. Tình trạng thiếu phim Việt sẽ còn kéo dài qua năm 2024 trong bối cảnh kinh tế đang ở giai đoạn phục hồi sau đại dịch.
Còn theo nhà phê bình điện ảnh Nguyễn Phong Việt, trước đây, các nhà làm phim chỉ mất khoảng hơn 6 tháng để hoàn thành một tác phẩm. Có một số dự án được làm trong thời gian ngắn, chưa chuẩn bị kỹ lưỡng nhưng đã vội vàng ra rạp và nhận về sự quay lưng từ khán giả. Nên năm 2023, nhà sản xuất, đạo diễn sẽ dành thời gian dài và đầu tư chỉn chu hơn cho phim của họ.
“Đây là bước đi chậm mà chắc. Đã đến lúc điện ảnh Việt Nam thay vì nhìn vào số lượng hãy đánh giá qua chất lượng, dấu ấn của từng bộ phim. Việc lựa chọn của khán giả Việt đến thời điểm này cũng thay đổi. Người yêu phim sẽ chỉ lựa chọn những phim đến từ các nhà sản xuất, đạo diễn tạo được thương hiệu, uy tín trong nhiều năm qua. Do đó, các dự án vừa, nhỏ sẽ khó thuyết phục được khán giả bỏ tiền mua vé” - ông Việt nói.
Những trở ngại đó dẫn đến thực tế hiện nay nhiều đơn vị sản xuất đang vô cùng cân nhắc việc chọn thời điểm đưa phim ra rạp, nhất là trong dịp hè này. Bởi nhìn về tương quan thì khoảng cách về mức độ đầu tư, thương hiệu và cả trình độ sản xuất, phim Việt, dù được ưu tiên về giờ chiếu nhưng khó có thể tranh đua với sự ra mắt ồ ạt của những “bom tấn” Hollywood.