Cẩn thận khi chữa trị nám da

Đức Trân 19/06/2023 10:00

Để phòng bệnh nám da, người dân cần tránh các tác động của môi trường như ánh nắng mặt trời trực tiếp (nắng là yếu tố nguy hại nhất cho da, khiến da bị tăng hắc tố, già đi), khói, bụi.

Bên cạnh đó, việc sử dụng thuốc cũng rất quan trọng. Nhiều trường hợp tự mua thuốc điều trị, sử dụng thuốc không đúng chuyên khoa, chỉ định làm cho hiện tượng tăng sắc tố nặng hơn. Do đó, người dân phải đi khám đúng chuyên khoa để được tư vấn và điều trị kịp thời.

Nám da (melasma) là tình trạng da liễu liên quan đến thay đổi và rối loạn sắc tố da melanin (hắc sắc tố), gây nên các mảng hoặc đốm màu vàng, vàng nâu, thâm đen hoặc đỏ trên da. Các vết nám xảy ra do sự sản sinh quá mức melanin của các tế bào hắc sắc tố.

Các vết nám này thường xuất hiện ở một số vùng nhất định trên khuôn mặt như má, trán, cằm, thậm chí trên môi trên. Một số ít các vết nám có thể bị ở da tay, nám ở cổ hoặc vị trí khác.

Có 3 loại nám da: Nám từng mảng là loại có chân nám nông, thường ở lớp biểu bì với màu sắc khá nhạt; Nám đốm (nám da sâu) có màu sẫm hơn, xuất hiện từng đốm nhỏ. Nếu soi da có thể thấy chân nám nằm sâu dưới lớp hạ bì của dạ; Nám hỗn hợp xuất hiện cả nám từng mảng và nám đốm, điều trị phức tạp hơn.

Nám da không phải là một loại ung thư và cũng không phải dấu hiệu ung thư da. Chúng khác với ung thư da ở chỗ bề mặt bị nám da phẳng và có tính đối xứng ở cả hai bên mặt.

Đôi khi, tình trạng da sạm nám còn được gọi bằng thuật ngữ “mặt nạ thai kỳ” bởi chúng thường xuất hiện trong khi mang thai hoặc sau sinh.

Ở một số phụ nữ, nám xuất hiện từ lúc mang thai hoặc do việc sử dụng thuốc tránh thai, nếu may mắn thì nám sẽ tự mờ đi sau sinh hoặc sau khi dừng sử dụng thuốc. Tuy nhiên, phần lớn nám sẽ duy trì, thậm chí là phát triển trên khuôn mặt buộc phải chấp nhận sống chung với nám. Đó là một vấn đề thẩm mỹ, khiến người bị nám luôn cảm thấy tự ti về vẻ bề ngoài của mình.

Tất nhiên, việc điều trị nám tại các cơ sở y tế và thẩm mỹ là điều nên làm, song không phải ai cũng có thời gian và tiền bạc để theo đuổi hết liệu trình trị nám theo phương pháp truyền thống. Một số chị em phụ nữ chọn cách trị nám tại nhà. Hơn nữa, nám không hề dễ điều trị, ngay cả khi sử dụng các liệu pháp bằng thuốc hoặc bằng laser truyền thống.

Nhiều cơ sở y tế cho biết, đã tiếp nhận và xử lý hàng chục khách hàng gặp biến chứng hoặc có kết quả không như mong đợi sau khi tìm cách trị nám tại nhà từ kinh nghiệm dân gian hoặc những cách mà họ nghĩ là tốt, như dùng lá trầu, xăm màu lên vết nám, hoặc dùng những mỹ phẩm có chứa hàm lượng corticoid cao…

BS Lê Hữu Doanh - Phó Giám đốc bệnh viện Da liễu trung ương cho biết: Việc điều trị nám má (rám má) có thể khả thi; tuy nhiên, quá trình điều trị sẽ kéo dài, từ 6 tháng đến 1 năm. Về cơ bản, có thể điều trị nám da theo nhiều phương pháp. Người bệnh có thể sử dụng thuốc bôi do bác sỹ chuyên khoa da liễu chỉ định, do thuốc này có các tác dụng phụ như: Lột da mặt nhẹ, tróc da tại chỗ. Bên cạnh đó, có thể điều trị bằng phương pháp laser với nhiều giai đoạn khác nhau vì rám má khác tổn thương ở tàn nhang.

Để phòng bệnh nám má, người dân cần tránh các tác động của môi trường như ánh nắng mặt trời trực tiếp (nắng là yếu tố nguy hại nhất cho da, khiến da bị tăng hắc tố, già đi), khói, bụi. Bên cạnh đó, việc sử dụng thuốc cũng rất quan trọng. Nhiều trường hợp tự mua thuốc điều trị, sử dụng thuốc không đúng chuyên khoa, chỉ định làm cho hiện tượng tăng sắc tố nặng hơn. Do đó, nếu bị nám da phải đi khám đúng chuyên khoa để được tư vấn và điều trị kịp thời, đúng cách.

Theo các chuyên gia, để hạn chế nám da cần có chế độ ăn uống lành mạnh. Để có làn da đẹp, cần phải dưỡng da từ bên trong. Nên tăng cường các loại thực phẩm tốt cho sức khỏe, giàu vitamin như rau xanh, hoa quả mọng, uống nhiều nước để cấp nước cho cơ thể và cải thiện làn da. Tránh xa rượu bia, thuốc lá, đồ ăn nhiều dầu mỡ. Duy trì lối sống khoa học, tập thể dục điều độ để tăng cường sức khỏe cũng là cách giúp có làn da khỏe mạnh.

Đức Trân