Doanh nghiệp bắt nhịp với phát triển xanh
Phát triển theo hướng tăng trưởng xanh đang trở thành vấn đề cấp thiết, nếu chậm chuyển đổi doanh nghiệp sẽ tụt hậu. Đứng trước bối cảnh đó, nhiều doanh nghiệp đã và đang nỗ lực bắt nhịp với phát triển xanh.
Cơ hội mở rộng thị phần
Là đơn vị sản xuất thực hiện theo mô hình kinh tế xanh, ông Lê Hoàng Minh – Giám đốc điều hành sản xuất Công ty Cổ phần Sữa Việt Nam (Vinamilk) cho rằng, doanh nghiệp (DN) Việt Nam cần chủ động chuyển sang sản xuất xanh để hòa nhịp vào hệ sinh thái xanh chung của toàn cầu. Việc áp dụng chuyển đổi xanh giúp DN mở rộng thị trường xuất khẩu trên toàn cầu bằng những sản phẩm chất lượng.
Theo ông Minh, Vinamilk là DN đầu tiên tại Việt Nam đạt chứng chỉ trung hòa carbon. Sắp tới, đặt mục tiêu giảm 15% lượng phát thải khí nhà kính vào năm 2027, cắt giảm và trung hòa 55% lượng phát thải vào năm 2035 và đạt 0% - Net Zero vào năm 2050.
Tương tự như DN sản xuất, nhiều nhà phân phối hiện đại cũng áp dụng mô hình sản phẩm xanh, sản phẩm thân thiện với môi trường.
Ông Trần Lâm Hồng – Phó Tổng Giám đốc Saigon Co.op cho hay, DN từng bước phát triển nguồn hàng hóa chất lượng cao – hữu cơ, canh tác theo hướng thân thiện môi trường. Từ năm 2010, toàn hệ thống bán lẻ không còn sử dụng túi nilon khó phân hủy, thay vào đó từng bước sử dụng các vật liệu thân thiện môi trường như: lá chuối, xơ dừa, rổ tre,... Định hướng đến năm 2025, sản phẩm đưa vào hệ thống ngoài chất lượng, mẫu mã phải đạt tiêu chuẩn sản phẩm xanh với những tiêu chí cụ thể.
Việt Nam tham gia nhiều hiệp định thương mại tự do đã tạo độ mở lớn cho thị trường trong nước và thế giới. Việc này giúp cho DN có cơ hội mở rộng thị phần, song “tấm hộ chiếu xanh” trở nên rất quan trọng giúp DN vượt rào cản.
PGS. TS Nguyễn Hồng Quân – Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển kinh tế tuần hoàn, Đại học Quốc gia TPHCM nêu quan điểm, DN Việt đang chịu nhiều tác động trước những rào cản xanh từ các thị trường nhập khẩu quốc tế. Do đó, muốn tồn tại, DN buộc phải chuyển đổi xanh. Việc chuyển đổi xanh còn nhiều thách thức về tài chính, công nghệ, thể chế,... nhưng đòi hỏi cộng đồng DN phải nỗ lực nhiều hơn, quyết tâm hơn.
Kết quả khảo sát của Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương cho thấy, tỷ lệ DN đã áp dụng mô hình kinh doanh theo hướng kinh tế tuần hoàn dao động từ 36 – 48,6%. Một vài khảo sát khác cũng chỉ rõ, ở vài nhóm ngành có hơn 87% DN có các giải pháp tối ưu đầu vào, 55,6% DN có giải pháp tái tạo hệ sinh thái và giảm ô nhiễm môi trường, 70,3% có giải pháp kéo dài vòng đời sản phẩm.
Cần hệ sinh thái tăng trưởng xanh
Theo nhận định của các chuyên gia, phát triển xanh cần xây dựng hệ sinh thái, nghĩa là cần sự vào cuộc của các bên. “DN cần phối hợp với nhà nước, nhà khoa học, tổ chức quốc tế để có một chương trình phát triển kinh tế tuần hoàn hoàn chỉnh. Đặc biệt, khi áp dụng cần có lộ trình từng bước và thực chất, hiệu quả, khả thi” - PGS. TS Nguyễn Hồng Quân nói.
Ông Võ Văn Hoan – Phó Chủ tịch UBND TPHCM nhận định, tăng trưởng xanh, phát triển kinh tế bền vững trở thành xu thế tất yếu của thế giới, nếu DN không xanh, sẽ không thể tồn tại. Xanh hóa giờ đây đã thành xu hướng của thời đại. Theo lãnh đạo UBND TPHCM, nếu như trước đây tiêu dùng xanh chỉ được hiểu là một khâu của quá trình sản xuất thì hiện nay mang tính hệ thống từ nguyên liệu, phân phối đến quay trở lại sản xuất. Muốn phát triển xanh cần một hệ sinh thái từ nguyên liệu xanh, tài chính xanh, năng lượng xanh, lao động xanh... và tín chỉ xanh. Nói chung, quan trọng nhất là phải có một hành lang pháp lý cụ thể. Nếu không có cơ sở pháp lý chặt chẽ thì chỉ là động lực tinh thần chưa thành thực tiễn với mô hình tăng trưởng mới. Hiện nay, TPHCM đang ưu tiên hỗ trợ các DN hướng đến sản xuất xanh. “Thời gian gần đây, các nhà đầu tư khi đến TPHCM luôn đặt câu hỏi về năng lượng xanh, nguyên liệu xanh,... Có cách nào sử dụng năng lượng tái tạo hay không? Nếu không đáp ứng được tiêu chí xanh, sản phẩm của họ sản xuất ra khó xuất khẩu vào các thị trường châu Âu và các nước phát triển khác. Do đó, chuyển đổi xanh trở thành vấn đề rất cấp bách. Ngược lại, nếu không chuyển đổi, nguy cơ tụt hậu và không vươn ra xa được. Mục tiêu hướng đến năm 2050 giảm phát thải khí nhà kính bằng 0. Đây là một vấn đề lớn, rõ ràng khó nhưng không thể không làm ” - ông Hoan nhấn mạnh.
Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư và Ngân hàng Thế giới, để thực hiện chiến lược tăng trưởng xanh của Việt Nam năm 2030, dự kiến cần khoảng 30 tỷ USD. Trong đó, ngân sách nhà nước chỉ có thể đáp ứng tối đa khoảng 30% nguồn nhân lực, nên cần 70% từ khu vực tư nhân. Thế nhưng, hiện nay 98% DN Việt Nam là DN vừa và nhỏ nên nguồn tài chính trở thành vấn đề lớn.
Báo cáo của Grand View Research Group năm 2022 cho thấy, quy mô thị trường công nghệ xanh và bền vững toàn cầu được định giá 13,28 tỷ USD vào năm 2021. Dự kiến, sẽ mở rộng với tốc độ tăng trưởng khép kín hàng năm là 22,4% từ năm 2022 – 2030.