Đột phá cao tốc phía Nam
2 năm trở lại đây, hàng trăm cây số đường cao tốc hoàn thành và nhiều dự án khác đang triển khai đã tạo ra diện mạo mới cho mạng lưới đường cao tốc phía Nam. Trong đó, các tuyến đường cao tốc như Vành đai 3 TPHCM, Dầu Giây - Phan Thiết - Vĩnh Hảo, hay Biên Hoà - Vũng Tàu trở thành động lực liên kết phát triển.
Khởi công đồng loạt các dự án cao tốc
Ngày 18/6 tại Thủ Đức, lãnh đạo TPHCM phối hợp cùng tỉnh Long An, Bình Dương và Đồng Nai tiến hành lễ khởi công dự án đường Vành đai 3 TPHCM, đi qua 4 địa phương.
Phát biểu tại buổi lễ, Thủ tướng Phạm Minh Chính bày tỏ vui mừng khi dự án đường Vành đai 3 TPHCM cùng các dự án cao tốc Biên Hoà - Vũng Tàu, cao tốc Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột và cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng được khởi công gần như cùng một thời điểm. 3 dự án đường cao tốc gồm Vành đai 3 TPHCM, Biên Hoà - Vũng Tàu và Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột có tổng nguồn vốn lên tới 115.000 tỷ đồng, mở ra chiến lược phát triển hạ tầng tới đâu thì kinh tế phát triển tốt tới đó. Dự kiến tới năm 2025 sẽ có khoảng 3.000km đường bộ cao tốc được đưa vào khai thác.
Là dự án quan trọng nhất trong các công trình vừa được khởi công, đường Vành đai 3 TPHCM dài 76km, với 47km đi qua địa bàn TPHCM. Cùng với cao tốc đang thi công Bến Lức - Long Thành (55km), một trục đường cao tốc dài hơn 130km có quy mô từ 6-8 làn xe sẽ khép kín quanh TPHCM, kết nối với 3 địa phương còn lại cùng trục cao tốc Bắc - Nam hiện hữu đang khai thác.
Trong khi đó, cũng khởi công trong ngày 18/6, tuyến cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu, đi qua địa bàn tỉnh Đồng Nai và Bà Rịa-Vũng Tàu. Cùng với quốc lộ 51 và quốc lộ 56 đang khai thác, sẽ giảm tải cho hai quốc lộ trên, kết nối tốt hơn giữa các địa phương. Đặc biệt, tuyến cao tốc này sẽ kết nối vào sân bay Long Thành đang xây dựng, giúp khai thác hiệu quả, đồng bộ hơn nhiều hạ tầng hiện hữu. Theo kế hoạch, cao tốc này và đường Vành đai 3 TPHCM sẽ đưa vào khai thác năm 2026 tới.
Trước đó một ngày, tuyến cao tốc dài 188km từ Châu Đốc đi Cần Thơ và Sóc Trăng cũng được khởi công. Với quy mô 4 làn xe giai đoạn 1 và lên 6-8 làn xe giai đoạn 2, trục cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng đi qua (hoặc kết nối) với hầu hết các đô thị lớn ở khu vực Đồng bằng sông Cửu Long. Với nguồn vốn 44.700 tỷ đồng, tuyến cao tốc này có vai trò đặc biệt quan trọng đối với miền Tây Nam bộ.
Các trục đường cao tốc kể trên sẽ giúp mạng lưới đường cao tốc khu vực phía Nam thay đổi gần như toàn bộ, tạo động lực to lớn để phát triển kinh tế xã hội.
Nhiều kỳ vọng vào các “trục ngang”
Kể từ khi tuyến đường cao tốc đầu tiên (TPHCM - Trung Lương, dài 60km) được đưa vào khai thác năm 2010 thì tới năm 2022, tại khu vực phía Nam mới có thêm 2 tuyến đường cao tốc (gồm TPHCM - Long Thành - Dầu Giây dài 55km; Lộ Tẻ - Rạch Sỏi dài 51km) được đưa vào sử dụng. Nghĩa là trong khoảng 12 năm mới có thêm được 106km được hoàn thành. Thời gian này, dù có một vài dự án đường cao tốc ở phía Nam được khởi công nhưng chưa có dự án nào hoàn thành, đưa vào khai thác.
Tuy nhiên, chỉ từ năm 2022 tới nay (khoảng hơn 1 năm), khu vực phía Nam đã có thêm 255km đường cao tốc (gồm các đoạn Dầu Giây - Phan Thiết; Phan Thiết - Vĩnh Hảo và Trung Lương - Mỹ Thuận). Đặc biệt, trong khoảng 2 năm nữa, nhiều tuyến cao tốc khác ở khu vực phía Nam cũng sẽ hoàn thành, giúp gia tăng mạng lưới đường bộ cao tốc.
Điều đặc biệt là các dự án đường cao tốc mới được triển khai đều theo hướng “trục ngang”, thay vì “trục dọc” hướng Bắc - Nam như trước. Cụ thể, dự án đường cao tốc Bắc - Nam đang xây dựng đã kết nối trực tiếp tới khoảng 15 trong tổng số gần 20 tỉnh, thành phía Nam. Tuy nhiên ở các khu vực nút giao với đô thị lớn, tình trạng quá tải đường cao tốc đã xảy ra với việc ùn tắc, kẹt xe kéo dài. Vì vậy, các tuyến đường bộ cao tốc theo “trục ngang” đồng loạt được xây dựng không chỉ giải quyết, giảm tải cho hệ thống đường bộ cao tốc Bắc - Nam mà còn giúp người dân có thêm nhiều sự lựa chọn, đồng bộ hệ thống đường cao tốc.
Như vậy, không phải tình cờ mà toàn bộ các dự án vừa được khởi công đều đi theo “trục ngang”. Trong đó trục Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng có vai trò kết nối, liên kết hạng chục đô thị của vùng Đồng bằng sông Cửu Long và Vành đai 3 TPHCM cũng liên kết nhiều khu vực quan trọng ở vùng Đông Nam bộ.
Có thể nói, với những dự án đã hoàn thành và vừa được triển khai, kỳ vọng về mạng lưới đường bộ cao tốc và việc di chuyển khắp các tỉnh, thành miền Nam bằng đường cao tốc là tương lai khá gần, chỉ vài năm nữa là có thể thành hiện thực.