Loạt doanh nghiệp thuộc Bộ Công Thương làm ăn thua lỗ
Trong năm 2022, nhiều doanh nghiệp thuộc Bộ Công Thương đều làm ăn có lãi tại công ty mẹ, nhưng công ty con hoặc công ty liên kết lại có kết quả kinh doanh bết bát.
Bộ Công Thương vừa có báo cáo giám sát tài chính năm 2022 gửi Bộ Tài chính về tình hình tài chính của các doanh nghiệp thuộc Bộ này quản lý.
Theo đó, số doanh nghiệp thuộc quản lý của Bộ Công Thương tại thời điểm báo cáo thuộc đối tượng lập và gửi báo cáo là 11 doanh nghiệp.
Có 7 công ty mẹ đã gửi báo cáo tài chính. Kết quả cho thấy, trong năm 2022, các công ty mẹ đều làm ăn có lãi, song các công ty con, công ty liên kết lại thua lỗ.
Cụ thể, Tổng Công ty Giấy Việt Nam (Vinapaco) báo tổng doanh thu là 2.713 tỷ đồng năm 2022, bằng 110% kế hoạch. Tổng lợi nhuận trước thuế là 13,33 tỷ đồng, bằng 133% so với kế hoạch; lợi nhuận sau thuế cũng đạt 10,33 tỷ đồng, bằng 122% kế hoạch.
Tuy nhiên, trong số các công ty liên kết và các công ty có vốn đầu tư dài hạn khác của tổng công ty, cơ bản chỉ có 2 đơn vị liên tục có lợi nhuận là: Công ty Cổ phần sắn Sơn Sơn và Công ty Cổ phần in Phúc Yên). Vác đơn vị còn lại nhiều năm liền tổng công ty không thu được cổ tức như: Công ty Cổ phần Tập đoàn Tân Mai, Công ty Cổ phần BBP...), buộc công ty mẹ phải trích lập dự phòng một phần hoặc toàn bộ.
Theo Vinapaco, đơn vị này có 1 công ty con và 7 công ty liên kết; trong đó, công ty con có nhiều tồn tại về tài chính, mất cân đối về tài chính; 1 công ty liên kết thua lỗ nhiều năm, 2 công ty liên kết dừng hoạt động nhiều năm.
Bên cạnh đó, tồn tại của Dự án Nhà máy bột giấy Phương Nam (nêu tạm xác định theo chênh lệch giữa kết quả định giá và giá trị đầu tư) có thể dẫn đến Vinapaco bị giảm vốn giá trị lớn. Việc xử lý Nhà máy bột giấy Phương Nam vẫn có nhiều vướng mắc khi chưa hoàn thành quyết toán dự án. Mặc dù nhiều lần tổ chức định giá tài sản, hàng hóa tồn kho làm cơ sở đấu giá, nhưng việc bán tài sản có vướng mắc khi PVComBank khởi kiện Vinapaco liên quan đến tài sản thế chấp dự án.
Tại Tổng Công ty CP Xây dựng công nghiệp Việt Nam (Vinaincon), trong năm 2022, doanh nghiệp này ghi nhận tổng doanh thu là 254,9 tỷ đồng và lợi nhuận đạt 14,7 tỷ đồng. Tuy nhiên, số nợ phải trả đến cuối năm 2022 lên tới 181,2 tỷ đồng, chủ yếu là nợ ngắn hạn với 167,8 tỷ đồng (trong đó phải trả người bán ngắn hạn là 62,2 tỷ đồng).
Công ty mẹ có lãi nhưng lại gặp vướng mắc khi đầu tư ở một số công ty con bị thua lỗ như Công ty Xây lắp Hóa chất (lỗ 0,8 tỷ đồng năm 2022); Công ty Cơ khí hóa chất Hà Bắc (lỗ 2,8 tỷ đồng); Xi măng Quang Sơn (lỗ 315,7 tỷ đồng); Công ty Cơ khí Xây lắp hóa chất (lỗ 2,2 tỷ đồng).
Một doanh nghiệp khác thuộc Bộ Công Thương là Tổng công ty Bia- Rượu- Nước giải khát Hà Nội (Habeco) báo doanh thu và lợi nhuận tăng mạnh so với năm 2021 nhưng nhiều công ty con lỗ đậm.
Cụ thể, Habeco ghi nhận doanh thu năm 2022 là 6.461 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế đạt 422 tỷ đồng, tăng lần lượt 20,4% và 137% so với 2021.
Hiện, Habeco có vốn góp đầu tư tại 26 công ty, bao gồm 16 công ty con, 6 công ty liên doanh, liên kết và 4 đơn vị đầu tư khác. Trong số đó, có tới 6 doanh nghiệp kinh doanh lỗ, một số đơn vị phải áp dụng giám sát tài chính đặc biệt. Bao gồm các công ty như Habeco - Hải Phòng; Công ty Cổ phần Rượu và Nước giải khát Hà Nội; Bia Hà Nội - Quảng Trị; Bia Hà Nội - Quảng Bình; Bia Hà Nội - Thái Bình.
Với hoạt động ngoài ngành nghề kinh doanh chính của Habeco, ngoại trừ Công ty Cổ phần Harec Đầu tư và Thương mại; Công ty cổ phần Bất động sản Lilama kinh doanh có hiệu quả, các công ty còn lại: Công ty CP Đầu tư phát triển Habeco), 1 đơn vị đào tạo (Trường Đại học Công nghiệp Vinh) và 1 công ty hoạt động kinh doanh tổng hợp là Công ty Cổ phần Sành sứ Thủy tinh Việt Nam kinh doanh kém hiệu quả.
Tổng Công ty Máy động lực và Máy nông nghiệp (VEAM) cũng có "hoàn cảnh" tương tự Habeco khi kinh doanh "ấn tượng" nhưng các khoản đầu tư vào các công ty con chưa cao, nhiều đơn vị phát sinh lỗ lũy kế.
Cụ thể, VEAM ghi nhận tổng doanh thu năm 2022 là 6.455 tỷ đồng. Lợi nhuận sau thuế lên tới 5.624 tỷ đồng, chủ yếu nhờ vào liên doanh với các hãng xe nước ngoài.
Tuy nhiên, 5 công ty con có 100% vốn góp của VEAM thì chỉ có một công ty có lãi là Công ty Disoco, còn lại các Công ty Sveam, Tamac, Viện Công nghiệp mặc dù có lãi nhưng còn lỗ lũy kế; một công ty lỗ là Cơ khí Trần Hưng Đạo.
Với 8 công ty con VEAM góp vốn trên 50% vốn điều lệ, có 6 đơn vị có lãi nhưng vẫn có 2 đơn vị vẫn ghi nhận lỗ lũy kế gồm Veam Korea, Cơ khí Vinh.
Tổng công ty Máy và thiết bị công nghiệp (MIE) chưa cổ phần hóa xong đang tiếp tục thực hiện giám sát tài chính đặc biệt đối với: 3 đơn vị là chi nhánh, Công ty Xây lắp công nghiệp và Công ty Technoimport do các công ty bị thua lỗ kéo dài liên tục và chưa thể xử lý các vấn đề tồn tại về tài chính phát sinh.
Với Công ty TNHH MTV Vật liệu xây dựng và Xây lắp thương mại BMC (BMC), Bộ Công Thương cho biết chưa nhận được báo cáo tài chính năm 2022 và báo cáo giám sát tài chính năm 2022 của công ty này.