5 bài học kinh nghiệm sau 1 năm thành lập Ban Chỉ đạo cấp tỉnh
Ban Chỉ đạo phải phát huy tốt vai trò là “nhạc trưởng”, “tổng chỉ huy” điều hòa, phối hợp giữa các cơ quan chức năng phòng chống tham nhũng tiêu cực (PCTNTC) ở địa phương.
Ngày 19/6, Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng, tiêu cực (PCTNTC) tổ chức hội nghị trực tuyến sơ kết 1 năm hoạt động của Ban Chỉ đạo phòng chống tham nhũng, tiêu cực cấp tỉnh. Từ thực tiễn lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức hoạt động của Ban Chỉ đạo cấp tỉnh sau 1 năm thành lập, Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng, tiêu cực bước đầu đã rút ra 5 bài học kinh nghiệm.
Theo đó, thứ nhất có chủ trương, nghị quyết đúng; có sự đồng thuận cao, cùng với sự chỉ đạo và thực hiện quyết liệt của Ban Chỉ đạo, Thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương và của Ban Thường vụ các tỉnh ủy, thành ủy theo đúng tinh thần chỉ đạo của Tổng Bí thư, Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương là “trên dưới đồng lòng, dọc ngang thông suốt”, sẽ là chỗ dựa quan trọng, vững chắc để Ban Chỉ đạo cấp tỉnh yên tâm, chủ động, quyết liệt tham mưu lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện hiệu quả các nhiệm vụ PCTNTC, nhất là trong phát hiện, xử lý tham nhũng, tiêu cực.
Thứ hai, Ban Chỉ đạo phải có quy chế làm việc, chương trình, kế hoạch công tác, phân công nhiệm vụ cụ thể, cách thức, phương pháp làm việc khoa học, nề nếp, bài bản, “đúng vai, thuộc bài”. Phát huy đúng mức vai trò của tập thể Ban Chỉ đạo, Thường trực Ban Chỉ đạo, trong đó vai trò lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt của Bí thư Tỉnh ủy, Thành ủy, Trưởng ban Chỉ đạo cấp tỉnh là nhân tố quyết định. Đồng thời, từng thành viên Ban Chỉ đạo phải có quyết tâm cao chống tham nhũng, có bản lĩnh, thực sự gương mẫu, liêm khiết, nói đi đôi với làm; kịp thời thay thế những thành viên bị xử lý kỷ luật, có biểu hiện tham nhũng, tiêu cực, không kiên quyết, né tránh, không dám làm.
Thứ ba, nắm chắc các quan điểm, chủ trương, quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước, quy định của cấp ủy địa phương về PCTNTC; nghiên cứu, áp dụng, vận dụng sáng tạo những cơ chế, cách làm, bài học kinh nghiệm đã được đúc kết từ thực tiễn 10 năm hoạt động của Ban Chỉ đạo Trung ương. Chỉ đạo triển khai toàn diện và đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp PCTNTC, cả phòng ngừa, cả phát hiện, xử lý, nhưng phải có trọng tâm, trọng điểm; tập trung vào những khâu yếu, việc khó, những lĩnh vực dễ phát sinh tham nhũng, tiêu cực, có nhiều đơn thư khiếu nại, tố cáo, dư luận bức xúc để chỉ đạo giải quyết, bảo đảm mang lại hiệu quả rõ rệt, thiết thực, tránh hình thức.
Thứ tư, Ban Chỉ đạo phải phát huy tốt vai trò là “nhạc trưởng”, “tổng chỉ huy” điều hòa, phối hợp giữa các cơ quan chức năng PCTNTC ở địa phương; huy động sự vào cuộc của các cấp, các ngành; phát huy vai trò của cơ quan dân cử, MTTQ, các tổ chức chính trị-xã hội, báo chí và nhân dân tham gia PCTNTC; kịp thời chấn chỉnh, thay thế những khâu, mắt xích yếu.
Thứ năm, quan tâm phát huy vai trò của Cơ quan Thường trực Ban Chỉ đạo trong tham mưu, phục vụ mọi hoạt động của Ban Chỉ đạo; kiện toàn tổ chức bộ máy, điều chỉnh biên chế, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức Ban Nội chính tỉnh ủy, thành ủy đủ sức đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ được giao. Ban Nội chính tỉnh ủy, thành ủy phải nỗ lực khắc phục khó khăn, chủ động, sáng tạo, bản lĩnh, quyết liệt, đổi mới phương thức, cách làm, tăng cường phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng trong tham mưu, phục vụ hoạt động của Ban Chỉ đạo.