Các con số phản ánh trung thực tình hình kinh tế - xã hội của đất nước
Sáng 19/6, Tổng cục Thống kê (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) đã tổ chức tọa đàm về Số liệu thống kê và truyền thông chính sách.
Chủ trì và phát biểu tại tọa đàm, bà Nguyễn Thị Hương, Tổng Cục trưởng Tổng cục Thống kê cho biết, trong thời gian qua, ngành Thống kê đã rất nỗ lực trong việc nâng cao chất lượng thông tin thống kê và tuyên truyền, phổ biến thông tin thống kê với nhiều hình thức đa dạng, phong phú tới đông đảo đối tượng dùng tin trong nước và quốc tế.
Ngành thống kê luôn xác định việc đổi mới, nâng cao chất lượng thông tin thống kê là nhiệm vụ thường xuyên, lâu dài thể hiện trong nhiều hoạt động của ngành, trong đó có việc xây dựng và hoàn thiện cơ sở pháp lý, cập nhật danh mục hệ thống chỉ tiêu thống kê quốc gia; hệ thống chỉ tiêu thống kê cấp tỉnh, cấp huyện, cấp xã phù hợp với quốc tế và thực tiễn của Việt Nam; xây dựng khung đánh giá tình hình thực hiện mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội.
Đây là căn cứ để định kỳ 5 năm và hằng năm, Quốc hội, Hội đồng nhân dân cấp tỉnh ban hành Nghị quyết về phát triển kinh tế - xã hội của cả nước, của các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, tạo thuận lợi cho lãnh đạo các cấp trong việc sử dụng thống nhất, đồng bộ các chỉ tiêu từ trung ương đến địa phương nhằm theo dõi, giám sát, đánh giá, quản lý, điều hành tình hình phát triển kinh tế - xã hội 5 năm và hằng năm.
Bên cạnh đó, ngành thống kê đã đẩy mạnh đổi mới cách thức thu thập thông tin thống kê, sử dụng phiếu điện tử thay thế phiếu giấy nhằm có được thông tin chính xác, kịp thời; nghiên cứu xây dựng đề án về tư liệu hóa và chuyển đổi số trong ngành; tăng cường đào tạo nhân lực, nâng cao trình độ của người làm công tác thống kê. Đặc biệt, đã có nhiều chuyên gia từ các tổ chức quốc tế tham gia hỗ trợ kỹ thuật, tư vấn, giám sát các cuộc điều tra, tổng điều tra hoặc các nghiệp vụ chuyên sâu của Tổng cục Thống kê.
Đồng thời, Tổng cục Thống kê cũng đã thực hiện những nghiên cứu chuyên sâu, tổ chức hàng trăm cuộc hội thảo cả trực tiếp và trực tuyến với các chuyên gia, tổ chức quốc tế, cơ quan thống kê các nước về các chỉ tiêu thống kê như kinh tế số, logistics, rồi sắp tới đây là kinh tế tuần hoàn, kinh tế xanh… Nhờ vậy, chất lượng thông tin thống kê của Việt Nam ngày càng được nâng lên.
Tuy vậy, trong quá trình triển khai hoạt động, ngành thống kê vẫn gặp những bất cập cần được khắc phục như: Số liệu đôi khi công bố còn chưa kịp thời, đặc biệt với những tình hình diễn biến bất thường trong nền kinh tế; thiếu những số liệu thống kê chuyên ngành sâu hoặc số liệu cấp cơ sở; công tác tuyên truyền chưa thật tốt, đặc biệt với các vấn đề liên quan nghiệp vụ chuyên môn, dẫn đến việc chưa hiểu rõ, không đồng thuận với số liệu của một số người dùng tin…
Tại buổi tọa đàm, đại diện Tổng cục thống kê đã trả lời một số câu hỏi của báo chí liên quan đến phương pháp thống kê, số liệu thống kê có chính xác hay không và có hay không việc Tổng cục Thống kê đưa ra “con số đẹp” để công bố…
Đại diện Tổng cục Thống kê cho rằng, đối với những người làm thống kê không có con số đẹp-xấu, chỉ có con số phản ánh trung thực tình hình kinh tế - xã hội đất nước. Thống kê không thể phản ánh chính xác chi tiết 100% như kế toán mà chỉ phản ánh xu hướng và mang tính dự báo. Cách tính được thực hiện và công bố hoàn toàn công khai trên dữ liệu phần mềm gửi đến các đơn vị và các địa phương liên quan trực tiếp thực hiện. Tổng cục Thống kê chỉ đôn đốc, tổng hợp, phân tích và đưa ra con số cùng những dự báo.
Trong thời gian tới, Tổng cục Thống kê sẽ cố gắng cung cấp số liệu thống kê kịp thời, đầy đủ hơn, đồng thời tìm cách thức, phương pháp để thông tin thống kê ngày càng chất lượng.