Khai thác quỹ đất dọc tuyến vành đai 3
UBND TP HCM đã có quyết định thành lập Tổ công tác rà soát quy hoạch đô thị phục vụ kế hoạch khai thác hiệu quả quỹ đất dọc hai bên tuyến đường vành đai 3 TPHCM.
Tổ công tác do Phó chủ tịch UBND TP HCM Bùi Xuân Cường làm tổ trưởng; một Phó giám đốc Sở Quy hoạch - Kiến trúc làm tổ phó thường trực; một Phó giám đốc Sở Giao thông vận tải và một Phó giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường làm tổ phó, cùng 10 thành viên là lãnh đạo các sở, ngành, địa phương liên quan.
Nhiệm vụ của tổ là nghiên cứu, tham mưu giúp thành phố triển khai thực hiện rà soát quy hoạch đô thị, điều chỉnh quy hoạch. Tham mưu công tác thu hồi đất, tái định cư, đầu tư hạ tầng kết nối, đấu thầu để phục vụ kế hoạch khai thác quỹ đất dọc hai bên tuyến đường vành đai 3 cập nhật vào quy hoạch chung của thành phố đến năm 2040.
Ngoài tham mưu thì tổ này còn đảm đương xây dựng kế hoạch rà soát, điều chỉnh quy hoạch đô thị, thu hồi đất, tái định cư, đầu tư hạ tầng kết nối, đấu thầu dọc hai bên tuyến và vùng phụ cận. Đề xuất với UBND thành phố các dự án ưu tiên đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông, hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội đồng bộ để khai thác hiệu quả quỹ đất. Nghiên cứu thí điểm mô hình TOD (mô hình phát triển đô thị gắn kết với giao thông công cộng, tạo điều kiện cho việc gia tăng mật độ dân cư) theo đồ án thiết kế đô thị riêng, đồ án quy hoạch đô thị vùng phụ cận để tạo quỹ đất đấu giá chọn nhà đầu tư.
Đáng chú ý, Tổ công tác có trách nhiệm rà soát quỹ đất công dọc hai bên tuyến đường vành đai 3 hoặc tiệm cận và rà soát quy hoạch đất nông nghiệp tại khu ít dân cư để đề xuất chủ trương đầu tư lập dự án bồi thường đất nông nghiệp bằng đất ở tạo quỹ đất sạch. Từ đó tham mưu tổ chức bán đấu giá tạo nguồn vốn đầu tư phát triển hạ tầng, kinh tế - xã hội cho thành phố.
Về vấn đề này, theo TS Dư Phước Tân - Viện Nghiên cứu phát triển TP HCM, với dự án vành đai 3, quỹ đất xung quanh có nhiều vì vậy cần vận dụng các quỹ đất này. Trong đó dành phần diện tích quan trọng xây dựng các khu chung cư cho người thu nhập thấp.
TS Tân cũng cho rằng, sau khi hoàn thành đường vành đai 3 có thể khai thác 2.400ha quỹ đất; riêng TP HCM có 500ha đất của Nhà nước. Tuy nhiên, theo ông Tân, việc khai thác sẽ là bài toán nan giải bởi khi vành đai 3 hoàn thành giá đất sẽ lên rất nhiều.
Theo tính toán của nhóm tác giả Trung tâm Mô phỏng và Dự báo kinh tế - xã hội (thuộc Viện Nghiên cứu phát triển TP HCM - HIDS), nhu cầu nhà ở xã hội của TP HCM sẽ đạt gần 58.000 căn hộ đến năm 2030. Trong khi quỹ đất tại TP HCM khan hiếm, thành phố có thể tận dụng nguồn lực sinh ra từ 2 dự án vành đai 3, vành đai 4 để phát triển nhà ở xã hội.
PGS.TS Trần Văn Khải (Trường Đại học quốc tế Hồng Bàng) cho rằng, TP HCM cần liên kết với các tỉnh lân cận xây dựng nhà ở xã hội với hệ thống giao thông giúp người dân tiếp cận khu trung tâm đô thị hay nhà máy, nơi làm việc, dịch vụ thiết yếu với giá thích hợp, chất lượng môi trường sống đảm bảo. Với dự án vành đai 3, vành đai 4 kết nối TP HCM với các tỉnh Bình Dương, Đồng Nai, Long An, Tây Ninh… sẽ giúp khoảng cách di chuyển giữa các địa phương được thu hẹp. Nhà ở xã hội xây dựng ở các tỉnh lân cận sẽ được bán giá thấp hơn so với TP HCM. Khi khoảng cách không còn là vấn đề phải cân nhắc trong việc lựa chọn nơi cư trú thì việc chuyển nhà ở từ TP HCM ra các tỉnh trong vùng là xu hướng tất yếu.