Tuyển sinh đầu cấp ở Hà Nội: Nóng khối trường công
Từ ngày 1/7, Cổng thông tin tuyển sinh trực tuyến của TP Hà Nội chính thức mở để phụ huynh học sinh đăng ký tuyển sinh cho con ở độ tuổi đầu cấp (mầm non 5 tuổi, lớp 1, lớp 6).
Minh bạch tuyển sinh
Năm học 2023 - 2024, Sở Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) Hà Nội tiếp tục thực hiện công tác tuyển sinh trực tuyến qua Cổng thông tin điện tử đăng ký tuyển sinh đầu cấp của TP Hà Nội, tạo điều kiện thuận lợi cho phụ huynh học sinh đăng ký tuyển sinh cho con em mình và tăng tính minh bạch trong công tác tuyển sinh.
Ngày 19/6, Hà Nội đã có hướng dẫn chi tiết quy trình đăng ký. Cụ thể, phụ huynh đăng nhập vào Cổng thông tin tuyển sinh của Sở, tại địa chỉ https://tsdaucap.hanoi.gov.vn và làm theo từng bước. Thời gian đăng ký tuyển sinh trực tuyến được chia theo độ tuổi. Phụ huynh học sinh có con vào lớp 1 bắt đầu đăng ký tuyển sinh trực tuyến từ ngày 1/7 đến hết 3/7. Thời gian đăng ký tuyển sinh đối với trẻ 5 tuổi là từ ngày 4/7 đến hết 6/7; thời gian đăng ký tuyển sinh vào lớp 6 từ ngày 7/7 đến hết 9/7.
Sau khi hết hạn đăng ký tuyển sinh trực tuyến trên hệ thống, phụ huynh có thể trực tiếp đến trường làm thủ tục tuyển sinh. Thời gian tuyển sinh mầm non 5 tuổi, lớp 1 và lớp 6 của các trường được thực hiện thống nhất trong khoảng thời gian từ ngày 13/7 đến hết 18/7. Trước đó, từ ngày 16 - 18/6, Cổng thông tin tuyển sinh trực tuyến đã mở để phụ huynh đăng ký thử nghiệm.
Giải bài toán quá tải trường lớp
Năm học 2023 - 2024, học sinh trong độ tuổi tuyển sinh vào lớp 1 trên địa bàn TP Hà Nội tăng khoảng 11.600 em, số học sinh vào lớp 6 tăng 38.800 em so với năm học 2022 – 2023. Mặc dù đối mặt với áp lực rất lớn trong công tác tuyển sinh song Giám đốc Sở GDĐT Hà Nội Trần Thế Cương khẳng định, ngành giáo dục cam kết hỗ trợ tối đa cho cha mẹ học sinh và bảo đảm quyền lợi học tập cho học sinh, không để học sinh nào thiếu chỗ học.
Hiện, Hà Nội đã thực hiện rà soát đầy đủ các đối tượng học sinh dự tuyển vào các cấp; từng bước xây dựng phương án đảm bảo điều kiện cơ sở vật chất, đội ngũ cho năm học mới. Dẫu vậy, vẫn có những ngôi trường nhận được sự quan tâm lớn của phụ huynh trên địa bàn dẫn đến việc chỉ tiêu được giao không đáp ứng được nhu cầu học tập của người dân. Đơn cử, câu chuyện của Trường Tiểu học Vạn Bảo, quận Hà Đông vừa qua.
Theo Trưởng phòng GDĐT quận Hà Đông Phạm Thị Lệ Hằng, trong những năm trước đây, chỉ tiêu được giao của Trường Tiểu học Vạn Bảo đáp ứng đủ nhu cầu của phụ huynh học sinh. Tuy nhiên, năm học 2023 - 2024, nhu cầu của phụ huynh đăng ký tăng đột biến. Nhằm giảm áp lực cho phụ huynh, dự kiến năm học sau, nhà trường sẽ có điều chỉnh về phương thức tuyển sinh.
Dẫu vậy, câu hỏi đặt ra là việc điều chỉnh này sẽ thực hiện như thế nào để đảm bảo công bằng, khách quan và không phụ thuộc vào lá phiếu may rủi? Mùa tuyển sinh đầu cấp 2022-2023, nhiều người vẫn còn nhớ việc hàng trăm phụ huynh của Trường Mầm non Hoàng Liệt (quận Hoàng Mai, Hà Nội) đến trụ sở UBND phường Hoàng Liệt để thực hiện bốc thăm cho trẻ vào lớp mầm non 3, 4 tuổi cơ sở Tứ Kỳ. Với những phụ huynh bốc phải phiếu không trúng tuyển sẽ phải đăng ký cho con học tại các trường ngoài công lập. Đây là một thực tế đã được nhìn thấy trước, bởi Trường Mầm non Hoàng Liệt là trường công lập duy nhất của phường với địa bàn có dân số khá đông.
Làm sao để không quá tải trường lớp luôn là câu hỏi bức thiết với ngành giáo dục Thủ đô cũng như nhiều địa phương khác có tốc độ gia tăng dân số cơ học cao. Theo bà Hằng, bên cạnh việc đầu tư xây dựng thêm các trường học, các đơn nguyên mới, cần tuyên truyền để phụ huynh nắm rõ các thông tin và có lựa chọn phù hợp. Khi phụ huynh hiểu, chọn giải pháp phù hơp thì giảm áp lực cho ngành giáo dục.
Theo TS Nguyễn Tùng Lâm - Chủ tịch Hội Tâm lý Giáo dục Hà Nội, ngoài việc đẩy mạnh xã hội hóa, tạo điều kiện để các trường ngoài công lập phát triển, cần quyết liệt thực hiện các quy định đã có sẽ giúp trường công lập giảm tình trạng quá tải. Xây trường cùng với xây nhà là câu chuyện đã nói nhiều năm nay nhưng việc triển khai vẫn còn bỏ ngỏ ở nhiều nơi, cần gỡ nút thắt này.