Gameshow và... chiêu trò

Hà An 21/06/2023 07:05

Cuối cùng thì đơn vị tổ chức show thời trang của nhà thiết kế Tường Danh với tên gọi New traditional (Truyền thống mới) gây phản cảm đã bị phạt 85 triệu đồng và đình chỉ hoạt động 18 tháng. Thông tin trên được ông Lâm Ngô Hoàng An - Chánh văn phòng Sở Văn hóa và Thể thao TPHCM cho biết mới đây.

Cảnh “diễn” trong “The Face Vietnam”.

Theo ông An, đơn vị vi phạm bị phạt là Công ty TNHH Objoff (trụ sở 73 đường số 4, phường Thảo Điền, Thủ Đức, TPHCM). Việc xử phạt căn cứ theo quy định pháp luật hiện hành tại Nghị định số 38/2021 ngày 29/3/2021 của Chính phủ, quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực văn hóa và quảng cáo

Các vi phạm gồm: tổ chức biểu diễn, thi, liên hoan các loại hình nghệ thuật biểu diễn có sử dụng trang phục, từ ngữ, âm thanh, hình ảnh, động tác, phương tiện biểu đạt, hình thức biểu diễn hành vi trái với thuần phong, mỹ tục của dân tộc.

Trước đó, hình ảnh trong show diễn “Truyền thống mới” đã gây phản ứng mạnh mẽ khi để người mẫu đội nón quai thao, mặc áo yếm cách điệu quá đà, hở hang, phản cảm, dung tục. Ngoài ra, còn có một người mẫu nam để đầu trọc, mặc bộ trang phục màu vàng cổ trụ, tạo dáng bên chiếc chuông vàng gây tranh cãi vì mang tính xúc phạm.

Đây là vụ show diễn vi phạm bị phạt có lẽ là nặng nhất từ trước tới nay (85 triệu đồng và đình chỉ hoạt động 18 tháng). Tuy nhiên, với những gì đơn vị tổ chức đã làm, nhiều ý kiến cho rằng xử phạt như vậy là quá nhẹ và chậm, khi mà sự việc diễn ra đã lâu (ngày 5/5).

Điều đáng nói là lâu nay nhiều show diễn dưới danh nghĩa quảng bá thời trang Việt, bên cạnh tính giải trí, khuyến khích sáng tạo của nhà thiết kế thì nhiều chương trình đã đi quá đà, có khi còn cố tình gây tranh cãi để mong nổi tiếng. Ngay cả trên truyền hình, một số gameshow cũng khiến khán giả lắc đầu ngao ngán.

Mới đây, với sự trở lại của chương trình “The Face Vietnam” sau 5 năm vắng bóng, nhưng ngay từ tập đầu lên sóng đã bị khán giả phản ứng khi có màn tranh cãi không đâu vào đâu về chỗ đứng của 4 huấn luyện viên Anh Thư, Vũ Thu Phương, Kỳ Duyên và Minh Triệu. Chỉ vì muốn được đứng cạnh hoa hậu Kỳ Duyên nên Minh Triệu đã không ngại “lời qua tiếng lại” với Vũ Thu Phương ngay trên sóng truyền hình.

Ở The Face mùa 5, việc đưa lên sóng với góc quay cận cảnh biểu cảm của từng huấn luyện viên còn được cho là dụng ý dùng “drama” để câu view và tạo sự chú ý. Phần tranh cãi của các huấn luyện viên kéo dài lê thê. Thậm chí, nhà sản xuất còn sắp xếp phỏng vấn riêng từng huấn luyện viên sau tranh cãi để tăng thêm kịch tính, rồi sau đó tung nhiều video trên các nền tảng mạng xã hội. Nếu chỉ toàn xoay quanh những tranh “cãi vã, đấu đá” của các huấn luyện viên thì cần phải đặt vấn đề: mục đích của chương trình là gì? khi mà không ít ý kiến cho rằng kiếm một tập The Face không drama, chỉ tập trung chuyên môn còn khó hơn những tập có tranh cãi.

Rap Việt cũng đang mất dần sức hút qua các mùa, điều vẫn thường thấy ở các gameshow tại Việt Nam. Để hâm nóng, có vẻ như nhóm tổ chức chương trình lần này đã cố tạo ra những màn tranh cãi không đáng có. Ở tập 2 vừa lên sóng, thí sinh được nhận định có tiềm năng, diễn cảm xúc là nam rapper Alen (Megashock) lại bị loại bởi quyết định bình chọn từ khán giả trường quay. Trong khi đó, màn biểu diễn của Dubbie (Khương Lê) lại nhận được sự đồng thuận lớn chỉ vì điểm cộng ngoại hình. Nhiều người cho rằng tiêu chí chấm thi tối thiểu 50% kết quả của thí sinh phụ thuộc vào bình chọn của khán giả tại trường quay là vô lý, còn đông đảo người xem truyền hình thì sao? Liệu số người ít ỏi có mặt tại trường quay có thể đại diện cho những người yêu mến Rap hay không. Câu trả lời tất nhiên là không.

Do đó, việc rapper Alen bị loại chỉ vì 48% lượt bình chọn khiến người xem khó hiểu. Có người còn nghi vấn chương trình dàn xếp, tạo scandal để thu hút, từ đó tiến tới mục đích “cao nhất” là thu được nhiều quảng cáo, tài trợ.

Nếu cứ “diễn” mãi những chiêu trò như vậy thì thật đáng lo ngại cho chất lượng của các gameshow giải trí. Cái cần phải có là nội dung và chất lượng thí sinh, thay vì những tranh cãi, chiêu trò. Về yếu tố giải trí, khán giả vẫn có thể chấp nhận những “chiêu trò” như một thứ gia vị nhưng đòi hỏi người tổ chức gameshow phải biết điểm dừng, không đẩy đi quá xa trở thành coi thường khán giả.

Hà An