Áp trần giá vé máy bay: Người dân sẽ được tiếp cận vé giá rẻ?
Theo Luật Giá (sửa đổi) có hiệu lực từ 1/7/2024, vé máy bay vẫn được Nhà nước áp giá trần để có công cụ quản lý nhằm đảm bảo quyền tiếp cận dịch vụ của người dân, nhất là người thu nhập thấp.
Lý giải việc chưa bỏ khung giá và để mặt hàng này theo cơ chế thị trường, ông Lê Quang Mạnh - Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách cho hay hiện thị trường hàng không còn mang tính cạnh tranh hạn chế. Trong khi đó, việc thúc đẩy các loại hình vận tải phát triển đồng bộ, hiện đại còn phải phấn đấu, đặc biệt là khi đường sắt Bắc - Nam tốc độ cao chưa được triển khai, vận hành.
Theo ông Mạnh, khi chưa đánh giá được tác động và hệ quả của việc bỏ quy định về giá trần, một mặt đảm bảo quyền chủ động của các hãng hàng không, mặt khác vẫn bảo vệ quyền lợi của người dân, Nhà nước vẫn cần giữ quy định giá trần đối với dịch vụ vận chuyển hành khách hàng không nội địa.
Nhiều ý kiến cũng cho rằng, tại thị trường hàng không nội địa, hiện có nhiều hãng tham gia nên ở một số tuyến/đường bay có sự cạnh tranh. Tuy vậy, ở một số tuyến chỉ có một hãng khai thác, muốn kêu gọi nhiều hãng cũng không được do lượng khách ít, dẫn đến yếu tố độc quyền. Chưa kể, với đặc thù hàng không theo mùa vụ, để điều tiết cho kịp nhu cầu tăng đột biến đó không dễ dàng như các loại hàng hóa, lĩnh vực dịch vụ khác. Do đó, chưa thể xóa bỏ yếu tố độc quyền đối với thị trường hàng không nội địa và vẫn cần Nhà nước can thiệp thông qua quy định giá trần, kết hợp giá sàn để bảo vệ người tiêu dùng, tránh xảy ra hiện tượng cạnh tranh không lành mạnh. Trên cơ sở cân nhắc yếu tố đặc biệt, lợi ích người tiêu dùng trong đặc thù của thị trường hàng không, để thay đổi khung giá và quy định giá.
Theo nhìn nhận của giới chuyên gia, về nguyên tắc chung, quy định giá trần trong Luật Giá (sửa đổi) là công cụ để Nhà nước điều tiết giá đáp ứng các tiêu chí luật định là loại hàng hóa, dịch vụ do Nhà nước định giá.
Chuyên gia kinh tế - PGS.TS Ngô Trí Long cho rằng, cần thiết phải giữ lại giá trần vì thị trường hàng không Việt Nam hiện nay vẫn còn một số DN giữ vị trí thống lĩnh nên Nhà nước phải quy định giá trần để bảo đảm quyền lợi cho người tiêu dùng.
Vấn đề giữ hay bỏ giá trần vé máy bay làm nóng dư luận thời gian qua có nhiều quan điểm trái chiều. Theo một số chuyên gia, việc khống chế giá trần sẽ khiến cho lượng giá vé rẻ ít đi, tăng trưởng thị trường nội địa sẽ bị chậm lại.
Tuy nhiên, theo Bộ trưởng Tài chính Hồ Đức Phớc, việc giữ trần giá vé máy bay để bảo vệ lợi ích của người tiêu dùng và người thu nhập thấp được tiếp cận các dịch vụ hàng không và giảm chi phí xã hội. Theo ông Phớc, hiện có 6 hãng hàng không, nên để đảm bảo cạnh tranh giữa các hãng, quản lý Nhà nước cần quy định giá trần. “Nhà nước luôn chia sẻ với DN, như giảm thuế bảo vệ môi trường 70% với nhiên liệu bay thời gian qua để các hãng hạ giá thành, giá cước” – Bộ trưởng Hồ Đức Phớc nói.
Nhiều ý kiến cũng cho rằng, nếu không có giá trần, DN hàng không muốn tăng giá vé lúc nào cũng được. Giữ giá trần vé máy bay để người dân hưởng giá hợp lý.
Trong khi vấn đề bỏ hay giữ trần giá vé máy bay vẫn chưa ngã ngũ, thì mới đây Bộ Giao thông vận tải (GTVT) đã đưa ra phương án tăng giá trần vé máy bay. Bộ GTVT đang lấy ý kiến sửa đổi một số điều của Thông tư số 17 về khung giá dịch vụ vận chuyển hành khách trên các đường bay nội địa áp dụng từ ngày 1/7/2019. Trong đó, Thông tư điều chỉnh tăng giá với các đường bay từ 500 km trở lên. Cụ thể, nhóm đường bay phát triển kinh tế - xã hội vẫn có mức giá tối đa là 1,6 triệu đồng/vé một chiều. Nhóm đường bay khác dưới 500km có mức giá tối đa là 1,7 triệu đồng/vé một chiều.
Đáng chú ý, với các đường bay từ 500km đến dưới 850km, mức giá tối đa đề xuất là 2,25 triệu đồng/vé một chiều. Trong khi theo quy định hiện hành, con số này là 2,2 triệu đồng/vé. Đường bay từ 850 km đến dưới 1.000km, mức giá tối đa đề xuất là 2,89 triệu đồng/vé, cao hơn 100 nghìn đồng so với quy định hiện hành...
Trả lời câu hỏi của báo chí liên quan đến đề xuất về tăng trần vé máy bay của Bộ GTVT, đại diện Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính) cho biết, giá vận chuyển hàng không được quy định là mặt hàng do Nhà nước định giá, thẩm quyền thuộc Bộ GTVT.
Vị này cho biết, việc định giá sẽ được thực hiện theo quy trình, trình tự đã được quy định. Bộ GTVT sẽ đánh giá rõ và tính toán mức tăng dựa trên các yếu tố cấu thành giá. Nên tăng ở mức nào sẽ tùy theo cơ sở đánh giá về chi phí, tình hình thị trường… Bộ GTVT sẽ có quy định cụ thể.