Xây dựng chương trình đào tạo: Thuộc quyền tự chủ của các trường
Theo quy định mới nhất của Bộ Giáo dục và Đào tạo (GDĐT), từ ngày 1/12/2023 tới đây các trường đại học (ĐH) sẽ không còn chương trình đào tạo chất lượng cao. Tuy nhiên, các trường được tự xây dựng chương trình có chất lượng và học phí cao hơn hệ đại trà khi tự chủ.
Cam kết với người học về chuẩn đâu ra
Bộ GDĐT cho hay, Luật Giáo dục ĐH năm 2018 và Thông tư số 17/2021/TT-BGDĐT (quy định về chuẩn chương trình đào tạo; xây dựng, thẩm định và ban hành chương trình đào tạo các trình độ của giáo dục ĐH) không có khái niệm chương trình đào tạo chất lượng cao, nên các trường ĐH sẽ không còn “chương trình chất lượng cao” nữa. Các khóa đã tuyển sinh Chương trình đào tạo chất lượng cao theo Thông tư số 23/2014/TT-BGDĐT của Bộ trưởng Bộ GDĐT ban hành quy định về đào tạo chất lượng cao trình độ ĐH trước thời điểm Thông tư 11/2023/TT-BGDĐT có hiệu lực thi hành được tiếp tục thực hiện cho đến hết khóa học.
Trước đó, Thông tư số 23/2014 ban hành quy định chương trình đào tạo ĐH gồm chương trình đào tạo đại trà và chương trình đào tạo chất lượng cao. Cơ sở giáo dục muốn mở chương trình đào tạo chất lượng cao cần đáp ứng một số điều kiện kèm theo. Cụ thể, chương trình đào tạo chất lượng cao được xây dựng và phát triển trên nền của chương trình đào tạo đại trà của cơ sở đào tạo. Các cơ sở đào tạo được xác định mức học phí trên cơ sở tính đúng, tính đủ chi phí đào tạo cho toàn khóa học; xây dựng lộ trình điều chỉnh mức học phí cho những khóa học tiếp theo…
Theo đó, chuẩn đầu ra của chương trình đào tạo chất lượng cao phải cao hơn của chương trình đào tạo đại trà tương ứng về năng lực chuyên môn; năng lực ngoại ngữ; năng lực ứng dụng công nghệ thông tin; năng lực dẫn dắt, chủ trì và làm việc nhóm; khả năng thích nghi với môi trường công tác; riêng năng lực ngoại ngữ tối thiểu phải đạt bậc 4/6 theo khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc dùng cho Việt Nam (hoặc tương đương).
Chỉ là thay đổi tên gọi?
Sau khi ban hành thông tư bãi bỏ các quy định về đào tạo chất lượng cao trình độ ĐH, Bộ GDĐT đã lý giải điều này không có nghĩa là các trường phải dừng triển khai “chương trình giáo dục chất lượng cao”. Theo Bộ, Luật Giáo dục ĐH năm 2018 không có khái niệm “chất lượng cao” nên việc bỏ các quy định liên quan là hợp lý. Tuy nhiên, việc phát triển các chương trình đào tạo khác nhau thuộc quyền tự chủ của các trường ĐH, miễn là đảm bảo đúng quy định. Bộ GDĐT khuyến khích các trường ĐH xây dựng và phát triển các chương trình có chuẩn đầu vào, đầu ra cao hơn chuẩn chung của Bộ. Các trường cần công khai, minh bạch thông tin, cam kết với người học về chuẩn đầu ra của những chương trình này, giải trình với các bên liên quan và xã hội.
Từ tháng 3/2023, Bộ GDĐT đã lấy ý kiến về dự thảo thông tư bãi bỏ toàn bộ Thông tư 23/2014 (quy định về đào tạo chất lượng cao trình độ ĐH) và nhận được nhiều ý kiến trái chiều vì lo lắng nếu không còn chương trình chất lượng cao sẽ ảnh hưởng rất lớn đến các trường.
Thời điểm đó, dù Bộ GDĐT đang trong quá trình lấy ý kiến bãi bỏ thông tư 23 nhưng một số trường vẫn công bố tiếp tục dành chỉ tiêu tuyển sinh riêng cho chương trình chất lượng cao. Theo PGS.TS Phạm Thu Hương - Phó Hiệu trưởng trường ĐH Ngoại thương, trường có 4 mô hình đào tạo, tương ứng với 4 chương trình, gồm tiên tiến, chất lượng cao dạy bằng tiếng Anh, định hướng nghề nghiệp và phát triển quốc tế, tiêu chuẩn. Trừ chương trình tiêu chuẩn, 3 mô hình còn lại đều giảng dạy bằng tiếng Anh, một số dạy bằng tiếng Pháp và Nhật, đạt kiểm định quốc tế. Do đó, những chương trình này thỏa mãn mọi điều kiện để tự xác định mức học phí.
Thông tin tuyển sinh 2023 từ các trường thuộc ĐH Quốc gia TPHCM không còn chương trình chất lượng cao nữa mà thay bằng tên gọi khác: “chương trình dạy bằng tiếng Anh”, “chương trình đào tạo chuẩn quốc tế”… Một số trường ĐH khác bỏ tên gọi chương trình đào tạo chất lượng cao và thay vào đó là chương trình tăng cường tiếng Anh, tăng cường tiếng Pháp, tăng cường tiếng Nhật… TS Phạm Tấn Hạ - Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn (ĐH Quốc gia TPHCM) cho biết, các trường đã tự chủ, muốn mở chương trình đào tạo thu học phí cao hơn đại trà thì xây dựng lại chương trình và công bố, chịu trách nhiệm, giải trình với xã hội.
Bộ GDĐT lưu ý, việc xây dựng và thực hiện các chương trình chất lượng cao với yêu cầu cao hơn về chuẩn đầu ra, các điều kiện cao hơn về đảm bảo chất lượng thuộc quyền tự chủ của các trường. Về học phí, các cơ sở giáo dục ĐH xác định và thực hiện theo các quy định của Chính phủ tại Nghị định số 81/2021/NĐ-CP.