Thu hồi carbon và những cảnh báo
Các chính phủ và những người khổng lồ về nhiên liệu hóa thạch đang đặt hy vọng vào công nghệ thu hồi và lưu trữ lượng khí thải carbon (CCS) với hy vọng giải quyết được vấn đề biến đổi khí hậu. Tuy nhiên, trên thực tế, công nghệ này đã được chứng minh là tốn kém về tài chính, tốn nhiều năng lượng và có những lo ngại về việc rò rỉ khí CO2.
Đánh giá lại công nghệ
Một nghiên cứu dài 62 trang được công bố vào ngày 20/6 dựa trên rất nhiều thông tin về các dự án CCS Sleipner và Snohvit ở Na Uy. CCS liên quan đến việc thu giữ CO2 được tạo ra từ quá trình khai thác dầu khí hoặc từ các nhà máy điện và các ngành công nghiệp gây ô nhiễm như nhà máy xi măng và thép. CO2 được nén và dẫn sâu dưới lòng đất để lưu trữ lâu dài trong các tầng chứa nước mặn hoặc hồ chứa dầu khí cạn kiệt.
Công nghệ này từ lâu đã được quảng cáo là một giải pháp khí hậu, nhưng trên thực tế đã được chứng minh là tốn kém tài chính, tốn nhiều năng lượng và có nhiều vấn đề, với những lo ngại về việc rò rỉ khí CO2.
Theo IEEFA, dự án Gorgon trị giá 3 tỷ đô la Australia của Chevron ở Tây Australia - dự án CCS lớn nhất thế giới - liên tục không đạt được mục tiêu thu giữ 80% lượng CO2 trong dòng khí của dự án, hoạt động kém hơn các mục tiêu đề ra.
Các dự án CCS nhằm thu giữ lượng khí thải CO2 từ các nhà máy điện cũng gặp khó khăn trong việc triển khai vì các vấn đề về chi phí và độ tin cậy. Chỉ có một dự án vẫn đang hoạt động, tại nhà máy than Boundary Dam ở Canada.
Ông Grant Hauber tác giả của nghiên cứu đồng thời là cố vấn tài chính năng lượng chiến lược của Viện Kinh tế Năng lượng và Phân tích tài chính (IEEFA) cho biết: “Ngay cả với những khoản đầu tư lớn và công nghệ tốt nhất, vẫn không có gì đảm bảo rằng CO2 sẽ được lưu trữ một cách đáng tin cậy và lâu dài. Mỗi địa điểm phải được tiếp cận bằng giải pháp mới và duy nhất. Và mỗi giải pháp đó sẽ cần phải có dự phòng”.
Phân tích của ông Hauber được đưa ra trước các cuộc đàm phán về khí hậu tại COP28 của Liên Hợp quốc vào tháng 12. Các quốc gia sản xuất nhiên liệu hóa thạch, bao gồm cả chủ nhà hội nghị là Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất, đang háo hức quảng bá CCS như một cách để giảm lượng khí thải của ngành dầu khí đồng thời thúc đẩy hàng tỷ đô la sản xuất dầu khí mới.
Chưa đáp ứng đủ nhu cầu
Các dự án CCS lớn được lên kế hoạch trên toàn cầu, bao gồm cả ở Malaysia và Indonesia, trong khi Shell Singapore cho biết vào năm 2022 rằng, họ đang khám phá việc vận chuyển CO2 thu được từ các hoạt động của mình đến Brunei để lưu trữ.
Tuy nhiên, trọng tâm đổi mới về CCS đã khiến các nhà hoạt động khí hậu và các quốc gia đang phát triển dễ bị tổn thương trước khí hậu không hài lòng, họ cho rằng, đó là một giải pháp sai lầm vì nó vẫn dẫn đến lượng khí thải CO2 cao hơn, đẩy nhanh biến đổi khí hậu.
Ông Hauber đã xem xét các dự án CCS ngoài khơi Sleipner và Snohvit ở Na Uy, thu giữ CO2 từ quá trình sản xuất khí đốt tự nhiên và đưa nó trở lại lòng đất. 2 dự án cô lập khoảng 22 triệu tấn CO2 kể từ khi bắt đầu hoạt động. Cả hai đã được chứng minh là những thách thức lớn đối với công ty năng lượng Na Uy Equinor – công ty điều hành 2 dự án.
Tại Sleipner, CO2 được bơm sâu hơn 1 km dưới đáy biển. Năm 1999, CO2 bất ngờ bắt đầu di chuyển với số lượng lớn vào tầng trên chưa từng được biết đến. Tuy nhiên, một lớp đá dày đã ngăn không cho khí rò rỉ lên bề mặt. Vấn đề của Snohvit thì khác. Trong vòng 18 tháng kể từ khi hoạt động, khu vực lưu trữ mục tiêu đã chứng tỏ không thể thu được lượng CO2 như dự kiến. Equinor sau đó đã phải tìm các khu vực lưu trữ CO2 mới.
Vấn đề của 2 dự án đã đặt ra câu hỏi liệu các chính phủ khác có năng lực kỹ thuật, sức mạnh giám sát và cam kết lâu dài để đảm bảo các dự án CCS hoạt động hay không.
Theo Cơ quan Năng lượng quốc tế (IEA), đến năm 2022, chỉ có khoảng 35 dự án CCS hoạt động trên toàn cầu, loại bỏ 45,9 triệu tấn CO2 hàng năm. Nhưng hơn 200 đề xuất mới đang được xem xét trên toàn thế giới. Chúng bao gồm kế hoạch của Malaysia Petronas để thu giữ hơn 3 triệu tấn CO2 mỗi năm từ mỏ Kasawari ngoài khơi Sarawak. Tại Indonesia, BP và các đối tác có kế hoạch thu giữ tổng cộng 25 triệu tấn CO2 từ việc mở rộng dự án khí tự nhiên hóa lỏng Tangguh ở Tây Papua.
Tuy nhiên, ngay cả với các dự án hiện tại và dự kiến, IEA cho biết, điều này sẽ khóa khoảng 320 triệu tấn CO2 mỗi năm vào năm 2030 – khoảng 8% lượng CO2 được tạo ra hàng năm bởi các hoạt động của con người.
Ông Hauber cho biết, CCS sẽ không giải quyết phần lớn lượng khí thải liên quan đến lĩnh vực dầu khí. “Tăng cường CCS cho dầu khí không có nghĩa là giảm quy mô phát thải Phạm vi 3 (lượng khí thải của khách hàng do sử dụng các sản phẩm khí đốt và dầu mỏ trong ô tô, nhà máy điện hoặc nhà máy). Càng tiêu thụ nhiều dầu và khí đốt, bất kể được sản xuất bằng điện khí hóa sử dụng năng lượng tái tạo và các cơ sở chế biến được trang bị CCS, thì vẫn dẫn đến lượng khí thải carbon nhiều hơn” – ông Hauber nói.
Ông Hauber cho biết, thông điệp chính của COP28 là tập trung vào các phương tiện để loại bỏ việc sử dụng hydrocacbon và các quy trình phát thải carbon. Ngừng cố gắng tìm cách giải quyết để duy trì mức tiêu thụ hydrocarbon. Cùng với đó, báo cáo của ông cho thấy, CCS rất tốn kém và đầy bất ổn, ngay cả khi chính phủ và công ty năng lượng sẵn sàng hỗ trợ các dự án trong dài hạn.