Trái đất xoay lệch vì nước
Một nghiên cứu mới cho thấy, nhu cầu sử dụng nước vô giới hạn của con người có thể giúp chúng ta tồn tại, nhưng lại làm thay đổi độ nghiêng của Trái đất.
Nhóm nghiên cứu tại Đại học Quốc gia Seoul ở Hàn Quốc cho biết, hoạt động khai thác nước ngầm trên khắp thế giới để uống và tưới tiêu đang làm thay đổi khối lượng của Trái đất và khiến hành tinh này lắc lư.
Theo nhóm nghiên cứu, chúng ta đã khai thác lượng nước ngầm lớn đến mức Trái đất bị nghiêng 78,5 cm về phía Đông, chỉ riêng giai đoạn từ năm 1993 đến năm 2010. Đáng chú ý, trong khoảng thời gian đó, con người đã bơm 2.150 tỷ tấn nước ngầm, tương đương với 6 mm mực nước biển dâng.
Việc trục Trái đất thay đổi vị trí có thể khiến hai cực Nam và Bắc nhận được nhiều ánh sáng Mặt trời hơn và đẩy nhanh quá trình tan băng. Và trong một vòng luẩn quẩn, băng tan và mực nước biển dâng cao có thể làm thay đổi sự phân bố khối lượng của Trái đất hơn nữa. Nghiên cứu mới này vừa được công bố trên tạp chí Geophysical Research Letters.
Ông Ki-Weon Seo - nhà địa vật lý tại Đại học Quốc gia Seoul - cho biết: “Cực quay của Trái đất thực sự thay đổi rất nhiều. Nghiên cứu của chúng tôi cho thấy rằng, trong số các nguyên nhân liên quan đến khí hậu, việc phân phối lại nước ngầm thực sự có tác động lớn nhất đến cực quay”.
Cực quay của Trái đất là điểm mà hành tinh quay xung quanh. Nếu nó là một vật thể, nó sẽ giống như trục trên quả địa cầu mô hình trong lớp học. Không giống như cực Bắc - Nam cố vị trí, cực quay của Trái đất thay đổi tương ứng với lớp vỏ. Quá trình này gọi là chuyển động cực. Nhưng sự phân bố của nước trên hành tinh lại ảnh hưởng đến cách phân bố khối lượng của Trái đất. Vì vậy khi một khối lượng nước khổng lồ bị hút khỏi một khu vực, trục bắt đầu chuyển động và lắc lư.
Tuy nhiên, theo nhóm nghiên cứu, chuyển động của nước không phải là yếu tố duy nhất ảnh hưởng đến vị trí của cực quay. Sắt nóng chảy trong lõi Trái đất, băng tan, dòng hải lưu và các cơn bão cũng chính là những nguyên nhân khác.