Băn khoăn tuyển sinh lớp 6 bằng IELTS

Hàn Minh 22/06/2023 06:42

Chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế đang là “tấm vé quyền lực” để xét tuyển vào nhiều trường đại học (ĐH). Ngay cả trong cuộc đua vào lớp 6, lớp 10, thí sinh cũng có nhiều ưu thế khi sở hữu chứng chỉ này khiến nhiều ý kiến băn khoăn.

Năm học 2023-2024, Trường THCS Đặng Thai Mai (TP Vinh, tỉnh Nghệ An) tuyển sinh 300 học sinh vào lớp 6. Trường tổ chức tuyển sinh theo 2 phương thức là xét tuyển kết hợp đánh giá năng lực. Kết quả có 35 học sinh có trình độ IELTS từ 5.0 trở lên được xét tuyển thẳng vào lớp 6 của trường.

Tại Nghệ An, nhiều trường THPT xét tuyển hồ sơ vào lớp 10 THPT với học sinh 6.0 IELTS trở lên hoặc chứng chỉ quy đổi khác tương đương 6.0 như Trường THPT Phan Bội Châu, Huỳnh Thúc Kháng…

Một số tỉnh khác như Quảng Trị, Sở GDĐT miễn thi, tính điểm 10 tiếng Anh cho học sinh 4.0 trở lên khi thi vào lớp 10.

Tại Hà Nội, danh sách các trường THPT áp dụng tuyển thẳng hoặc cộng điểm thi đối với thí sinh có chứng chỉ IELTS từ 5.5 trở lên hoặc các chứng chỉ ngoại ngữ khác theo quy chế tuyển sinh lớp 10 ngày càng nhiều như Trường THCS và THPT Lê Quý Đôn; Trường liên cấp Archimedes, THCS&THPT Lương Thế Vinh, Trường THPT Chu Văn An, Trường THPT Đoàn Thị Điểm…

Thực tế việc xét tuyển thẳng đối với thí sinh có chứng chỉ IELTS dù ở bậc ĐH hay cấp THCS, THPT đều gây ra những ý kiến trái chiều bởi hiện nay, đây vẫn là chứng chỉ chưa phổ biến ở Việt Nam, đặc biệt là với học sinh các địa bàn ở nông thôn, miền núi. Thậm chí, ngay cả với nhiều học sinh ở các thành phố lớn, việc sở hữu chứng chỉ IELTS cũng còn những hạn chế, vừa là điều kiện để đăng ký thi, vừa là trình độ năng lực chưa đáp ứng yêu cầu.

Thực tế, nhiều người đã chỉ ra bài thi IELTS là bài thi tiếng Anh học thuật với những nội dung dành cho người trưởng thành. Những câu hỏi trong đề bài nói và viết hỏi về quan điểm của cá nhân đối với những vấn đề xã hội đòi hỏi vốn sống và kinh nghiệm phong phú. Nghĩa là, đây không phải là bài thi dành cho người dưới 16 tuổi. Nên với những học sinh ở độ tuổi 11, 12 tuổi nếu đi luyện thi với những “mẹo” được dạy để đạt được chứng chỉ 5.5 hay 6.0 thì thực sự là không nên. Vẫn là học thật, thi thật, điểm số thật đạt được nhưng năng lực thực sự mà học sinh đó đang sở hữu là điều nhiều người băn khoăn với những thí sinh còn ít tuổi nhưng đã phải lao vào các lớp luyện thi để cố thi được ngần đấy điểm.

Theo các chuyên gia, câu chuyện ở đây còn là vấn đề bất bình đẳng giữa thí sinh có chứng chỉ IELTS và thí sinh không có chứng chỉ, không có điều kiện để học và thi chứng này. Vì vậy, việc một số trường chọn cách cộng điểm cho thí sinh có chứng chỉ IELTS sẽ hợp lý hơn trong cuộc cạnh tranh giành một suất vào trường. Bởi IELTS phần nào thể hiện năng lực ngoại ngữ của thí sinh nhưng bất kể kỳ thi nào cũng sẽ bao gồm các môn học khác nhau, chẳng hạn như thi tuyển vào lớp 10 ở nhiều địa phương áp dụng thi 3 môn Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ hoặc với việc xét tuyển vào ĐH cũng sử dụng kết quả thi tốt nghiệp THPT ở 3 môn tùy khối thi. Không cơ sở đào tạo nào chỉ tuyển thí sinh dựa trên điểm một bài thi ngoại ngữ duy nhất, dù là thí sính thi vào ngành ngoại ngữ.

Thực tế, những học sinh đạt được chứng chỉ quốc tế là do thay đổi cách dạy và học trong nhà trường phổ thông đã đem lại hiệu quả hay do các lớp luyện thi còn cần phải có khảo sát. Nếu chỉ nhìn vào số lượng những học sinh sở hữu chứng chỉ ngoại ngữ tăng lên theo từng năm thì chưa phản ánh được chất lượng dạy học có thực sự nâng cao hay không, bởi chỉ có thể coi đây là giáo dục mũi nhọn, còn giáo dục đại trà cần khảo sát bởi các kỳ thi chung trên diện rộng, chẳng hạn kết quả thi môn ngoại ngữ vào lớp 10 của từng địa phương, thi ngoại ngữ trong kỳ thi tốt nghiệp THPT.

Hàn Minh