Điện mặt trời mái nhà, tại sao không?
Theo Quyết định 500 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia 2021-2030 tầm nhìn 2050 (Quy hoạch điện 8), đặt mục tiêu đến năm 2030 có 50% tòa nhà công sở, nhà dân sử dụng điện mặt trời mái nhà tự sản tự tiêu.
Tiềm năng phát triển điện mặt trời
Quan điểm trong Quy hoạch Điện 8 là "ưu tiên và có chính sách đột phá để thúc đẩy phát triển điện mặt trời mái nhà của người dân và mái công trình xây dựng, nhất là các khu vực có nguy cơ thiếu điện như miền Bắc và điện mặt trời tự sản, tự tiêu". Từ nay đến năm 2030, công suất các nguồn điện loại hình này ước tính tăng thêm 2.600 MW. Loại hình nguồn điện này được ưu tiên phát triển không giới hạn công suất, với điều kiện giá thành hợp lý và tận dụng lưới điện sẵn có, không phải nâng cấp".
Trong khi đó việc phát triển loại hình nguồn điện này còn thiếu các cơ chế, chính sách đột phá nhằm thu hút đầu tư. Tại đề xuất gửi Thủ tướng về cơ chế khuyến khích phát triển điện mặt trời mái nhà, áp dụng cho hệ thống lắp đặt tại nhà ở, công sở, trụ sở của các doanh nghiệp (DN) để tự sử dụng mà không bán điện cho tổ chức, cá nhân khác, Bộ Công thương đề xuất các cơ chế như được miễn trừ giấy phép hoạt động điện lực, giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh điện; được ưu tiên bố trí ngân sách; miễn hoặc giảm các loại thuế, phí; được vay vốn với lãi suất ưu đãi...
Hiện các tỉnh miền Bắc còn nhiều tiềm năng phát triển điện mặt trời, nhất là điện mặt trời mái nhà với cường độ bức xạ trung bình ngày trong năm khu vực miền Bắc khoảng 4 kWh/m2/ngày, số giờ nắng trong năm khoảng 1.500 - 1.700 giờ. Trong khi đó, chi phí sản xuất điện mặt trời cũng đang giảm nhanh.
Là gia đình đã sử dụng hệ thống điện mặt trời hơn 2 năm nay, anh Vũ Anh (La Khê, Hà Đông, Hà Nội) cho biết nhà anh chi phí hệ thống điện tính ra gần 80 triệu đồng. Trong thời gian vừa qua, nhiều nơi lo sợ mất điện nhưng nhà anh yên tâm. Còn chị Nguyễn Lành (khu nhà liền kề Hà Đông, Hà Nội) cũng cho biết đang tìm hiểu lắp điện mặt trời áp mái. “Nhà có người già và trẻ nhỏ nên sợ mất điện. Không sớm thì muộn cũng phải lắp điện mặt trời để ngày nghỉ, cả nhà còn có giấc ngủ trưa ngon” - chị Lành nói.
Không chỉ hộ gia đình, gần đây các DN cũng đã tích cực triển khai lắp đặt điện mặt trời tại các nhà máy. Chẳng hạn trong tháng 5 vừa qua, tại Hưng Yên, Nhà máy Mondelez Kinh Đô đã lắp đặt hệ thống năng lượng mặt trời với công suất 2,233 KWp trên mái tôn kim loại của 5 khu vực tại nhà máy và kết nối với nguồn điện thông qua hợp tác với công ty Sky-X.
Khuyến khích phát triển điện mặt trời trên mái
Theo ông Hoàng Tiến Dũng - Cục trưởng Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo (Bộ Công thương) cơ cấu nguồn điện mặt trời đến năm 2030 là 12.836 MW (8,5%, không bao gồm điện mặt trời mái nhà hiện hữu), gồm các nguồn điện mặt trời tập trung 10.236 MW, nguồn điện mặt trời tự sản, tự tiêu khoảng 2.600 MW. Nguồn điện mặt trời tự sản, tự tiêu được ưu tiên phát triển không giới hạn công suất, với điều kiện giá thành hợp lý và tận dụng lưới điện sẵn có, không phải nâng cấp.
Nhiều chuyên gia cho rằng, việc phát triển điện mái nhà không tác động đến quy hoạch và kế hoạch sử dụng đất. Vì vậy khuyến khích phát triển điện mặt trời trên mái là một trong những giải pháp tăng cường cung cấp điện đối với khu vực có nguy cơ thiếu điện.
Tập đoàn điện lực Việt Nam (EVN) cũng cho biết phát triển điện mặt trời mái nhà với mục đích tự dùng cho nhu cầu sử dụng tại chỗ của khách hàng sử dụng điện (không phát điện lên lưới) là một trong những giải pháp cần thiết để tháo gỡ khó khăn trong việc cung ứng điện năm 2023 và các năm tiếp theo.
Theo ông Phan Công Tiến - chuyên gia năng lượng và thị trường điện, trước đây người sử dụng điện truyền thống, mua điện trước công-tơ, hiện nay, việc phát triển các mô hình phân tán được thuận lợi do công nghệ, giá thành nên việc phát triển sau công-tơ ra đời. Trong đó có 2 phương thức, người sử dụng tự đầu tư, người dùng điện tiết kiệm chi phí, giảm giá thành, tăng sản phẩm cũng như đóng thuế có lợi cho người sản xuất; phương thức thứ 2 là hợp tác, người sử dụng kết hợp với DN phát triển, đảm bảo hài hòa lợi ích hai bên, trong đó có sự đảm bảo ổn định về lưu trữ, cũng như thúc đẩy phát triển khi nguồn cung dư thừa.
Về mặt lợi ích, với mô hình này, nhà nước, người dân và DN đều có lợi thì nên mở cửa cho làm. Về phía người dân và DN khi sử dụng thì cơ cấu giá điện sẽ giảm. Nhà nước, nếu phát triển mô hình sau công-tơ thì DN sẽ đóng thuế như mô hình phát triển trước công-tơ, đồng thời khi DN có điện giá rẻ sẽ tăng sản xuất, tạo ra nhiều nguồn thu cho nền kinh tế.
Về lâu dài, cần có các công ty dịch vụ năng lượng để tham gia vào quá trình bán điện, tránh gây lãng phí nguồn điện, trong khi đó, Nhà nước cũng sẽ có thêm nguồn thu từ thuế.
Ưu tiên phát triển mạnh các nguồn năng lượng tái tạo
Theo TS Nguyễn Quốc Việt - Phó Viện trưởng viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR), Trường Đại học kinh tế - Đại học Quốc gia Hà Nội, quy hoạch điện 8 ưu tiên phát triển mạnh các nguồn năng lượng tái tạo phục vụ sản xuất điện. Nguồn điện này sẽ đạt tỷ lệ khoảng 30,9 - 39,2% vào năm 2030. Mục tiêu là hướng tới đạt tỷ lệ năng lượng tái tạo 47% theo cam kết về chuyển đổi năng lượng công bằng với Việt Nam (JETP). Định hướng đến năm 2050, tỷ lệ năng lượng tái tạo lên đến 67,5 - 71,5%. Quy hoạch điện 8 sẽ tạo tiền đề cho phát triển năng lượng điện tái tạo. Hoàn thiện khung thể chế pháp luật điều kiện phát triển điện tái tạo, điện mái nhà, tự sản tự tiêu.