Hát Xoan - gìn giữ và lan tỏa
Là loại hình nghệ thuật đặc sắc chứa đựng nhiều giá trị văn hóa cổ, gắn liền với tín ngưỡng thờ cúng Vua Hùng, nghệ thuật hát Xoan đã và đang được các nghệ nhân nỗ lực truyền lại cho thế hệ trẻ, góp phần gìn giữ giá trị văn hóa rất riêng của miền quê Phú Thọ.
Năm 2011, hát Xoan được đưa vào danh sách Di sản văn hóa phi vật thể cần bảo vệ khẩn cấp. Lý do là bởi, tại Phú Thọ thời điểm đó, nghệ thuật hát Xoan theo lối cổ chỉ còn rất ít nghệ nhân có thể trình diễn và truyền dạy.
Đứng trước nguy cơ mai một di sản, tỉnh Phú Thọ đã khởi động chương trình bảo vệ và phát triển những báu vật nhân văn sống. Những năm qua, đều đặn vào các thứ Bảy, Chủ nhật hàng tuần, việc đào tạo các thế hệ kế cận luôn được tỉnh thực hiện chặt chẽ và có kế hoạch.
Chính nhờ những nỗ lực này của tỉnh Phú Thọ, chỉ 6 năm sau, hát Xoan đã được UNESCO thực hiện chuyển đổi đặc biệt, chính thức trở thành Di sản văn hóa phi vật thể của toàn nhân loại.
Tháng 6/2023, Sở Văn hóa và Du lịch tỉnh Phú Thọ lên kế hoạch và tổ chức triển khai các lớp truyền dạy và thực hành hát Xoan dành cho lớp nghệ nhân kế cận tại phường Xoan An Thái. Tại các lớp học này, học viên sẽ được nâng cao khả năng trình diễn các bài Xoan cổ nằm cả trong 3 chặng Hát thờ, Hát quả cách, Hát hội như: Bỏ Bộ, Mời Vua, Xoan thời cách, Tứ mùa cách, Hát đúm, Mời rượu,.... luyện tập hát múa, gõ trống,... Bên cạnh đó, học viên cũng được tìm hiểu về ý nghĩa, trình tự của các chặng hát và bồi dưỡng kiến thức về lịch sử, ý nghĩa của bộ môn này.
Nhiều bạn trẻ khi được tiếp xúc với bộ môn hát Xoan cho biết, hiện nay, các em đã có thể thành thạo nhiều bài Xoan cổ, bởi các em được chính các nghệ nhân truyền dạy. “Được các nghệ nhân truyền dạy lại, em cảm thấy yêu thích nghệ thuật hát Xoan và muốn mình sẽ góp phần lan tỏa và gìn giữ giá trị của di sản văn hóa này. Em rất yêu và tự hào với bộ môn hát Xoan vì đây chính là làn điệu dân ca đặc sắc của quê hương Phú Thọ nói riêng và cũng là di sản văn hóa của toàn nhân loại nói chung” – một bạn nhỏ chia sẻ.
Hiện nay, toàn tỉnh Phú Thọ đang đẩy mạnh tích cực mô hình “trường học gắn với di sản”, giúp cho những điệu Xoan cổ dần trở nên quen thuộc. Các phong trào tìm hiểu, bài học về hát Xoan được vang lên đều đặn trong các trường học.
Giới chuyên gia nhận định, đưa hát xoan vào trường học chính là một giải pháp quan trọng nhằm đào tạo thế hệ tương lai để các em biết gìn giữ và lan tỏa nghệ thuật hát Xoan. Từ đó giúp cho di sản văn hóa này phát triển bền vững.