Kháng kháng sinh: Nỗi lo người bệnh không còn thuốc chữa
Kháng kháng sinh đang là nguy cơ cấp bách tại nước ta. Thậm chí, WHO xếp Việt Nam vào danh sách các quốc gia có tỷ lệ kháng kháng sinh cao nhất thế giới khi tỷ lệ kháng với các loại kháng sinh thuộc nhóm carbapenem đã tăng tới 50%, chủ yếu từ vi khuẩn gram âm; còn tỷ lệ kháng kháng sinh nhóm cephalosporin thế hệ thứ 3 đã tăng lên hơn 60% trong cả nước.
PGS.TS Lương Ngọc Khuê - Phó Chủ tịch Hội đồng y khoa quốc gia, Cục trưởng Cục Quản lý khám, chữa bệnh cho biết, tình trạng kháng kháng sinh vẫn gia tăng và là một thách thức lớn của ngành y tế, đòi hỏi gia tăng nỗ lực trong cuộc chiến trường kỳ của Chính phủ, các cơ quan ban ngành, các đơn vị liên quan và người dân đối với vấn đề này. Đáng lo ngại hơn khi ở thời điểm hiện tại, Việt Nam vẫn còn diễn ra việc sử dụng kháng sinh chưa hợp lý khiến tình trạng kháng kháng sinh ngày càng gia tăng, tạo điều kiện cho vi sinh vật có khả năng chống lại thuốc và có thể trở nên “đa kháng” hoặc “siêu kháng thuốc”.
PGS.TS Hoàng Bùi Hải - Trưởng khoa Cấp cứu và Hồi sức tích cực, Bệnh viện Đại học Y Hà Nội thông tin: Trong công tác lâm sàng, chúng tôi đã ghi nhận những bệnh nhân nhiễm nấm Candida và Aspergillus toàn thân được chỉ định thuốc nhưng đều đáp ứng kém hoặc không đáp ứng với các loại kháng sinh khác nhau khiến công cuộc điều trị ngày càng trở nên thách thức, phức tạp.
Đồng quan điểm, BS Nguyễn Ngọc Cảnh - Trưởng khoa Hồi sức cấp cứu, Bệnh viện Châm cứu trung ương cho biết: “Việc điều trị bệnh nhân ngày càng khó khăn hơn bởi tình trạng kháng kháng sinh. Đơn cử, chúng tôi đang điều trị bệnh nhân nhập viện do đột quỵ chỉ mới 20 tuổi, tuy nhiên, mặc dù tuổi trẻ nhưng bệnh nhân hồi phục rất chậm bởi mắc suy hô hấp và vi khuẩn có khả năng kháng thuốc. Thực tế hiện nay, những trường hợp bệnh nhân mắc vi khuẩn kháng thuốc khiến điều trị mất nhiều thời gian hơn, tốn kém hơn không hề hiếm gặp”.
GS.TS Nguyễn Gia Bình - Chủ tịch Hội Hồi sức cấp cứu và chống độc Việt Nam, nguyên Trưởng khoa Hồi sức tích cực (BV Bạch Mai) lý giải, việc điều trị cho những bệnh nhân mắc các loại vi khuẩn kháng thuốc gặp nhiều khó khăn. Lý do thứ nhất là phải lựa chọn thuốc mới; thứ hai là phối hợp liều; thứ ba là phải tăng liều thuốc. Tất cả những điều đó đều gây ra việc tốn kém về mặt tiền bạc, kéo dài thời gian điều trị, ảnh hưởng nhiều đến chức năng gan - thận. Đối với những bệnh nhân tổn thương nặng như tim, gan, phổi, thận sử dụng thuốc để tiêu diệt vi khuẩn, nhưng lại không như mong muốn, còn có thể dẫn đến suy thận, suy gan... GS Bình nhấn mạnh: Hậu quả của kháng kháng sinh chính là tính mạng của người bệnh, hoặc khiến bệnh nặng, thời gian điều trị kéo dài và chi phí cao gấp vài lần đến vài chục lần người không kháng kháng sinh. Bệnh nhân kháng kháng sinh thì nguy cơ đối mặt với các bệnh hiểm nghèo không có thuốc chữa cao hơn và nguy hiểm hơn cả bệnh ung thư.
Theo các chuyên gia y tế, để hạn chế tình trạng kháng kháng sinh, ngoài việc nâng cao nhận thức và trình độ sử dụng thuốc của thầy thuốc, người bệnh phải sử dụng thuốc theo đơn của bác sĩ thì cộng đồng cần chủ động phòng bệnh bằng biện pháp tiêm vaccine, tăng cường miễn dịch… và chủ động phối hợp điều trị nâng cao hiệu quả sử dụng kháng sinh trị bệnh.