Tìm cách cân bằng hệ thống điện

H.Hương-P.Vân 23/06/2023 09:11

Báo cáo của Cục Kỹ thuật an toàn và Môi trường công nghiệp (Bộ Công thương) cho biết, lưu lượng nước về các hồ thủy điện đã vượt mực nước chết. Mực nước hồ chứa thủy điện khu vực miền Bắc tăng nhẹ.

Thủy điện Sơn La tích nước để ưu tiên cho trường hợp cung cấp điện đặc biệt. Ảnh: Thủy Anh.

Giải tỏa cơn “khát” điện

Trong ngày 21-22/6, các tổ máy nhà máy thủy điện khu vực phía Bắc tạm ngừng do sự cố ngắn ngày đã được đưa vào hoạt động, giải tỏa cơn “khát” điện cho các tỉnh khu vực Bắc bộ và Bắc Trug bộ. Tuy nhiên Hà Nội và miền Bắc vẫn tiếp tục nắng nóng, nhu cầu tiêu thụ điện vẫn cao. Dù mực nước tại các hồ thủy điện có khá hơn song vẫn tiềm ẩn nhiều nguy cơ xảy ra sự cố điện tại các khung giờ cao điểm của hệ thống điện, từ 11h30 - 14h30 và từ 20h - 22h hàng ngày.

Thời gian qua, nguồn cung điện trên cả nước thiếu, nặng nhất là ở miền Bắc. Bên cạnh nguồn cung thiếu, mức độ tăng phụ tải trong những ngày nắng (có thời điểm tăng 30-40%) khiến cho việc đáp ứng được nhu cầu điện cho sản xuất và tiêu dùng, sinh hoạt khá chật vật. Thủy điện được xem là nguồn chạy nền và có giá thành rẻ nhất trong các nguồn điện, nhưng diễn biến thủy văn không thuận lợi. Điện than và khí cũng là nguồn điện chạy nền chiếm tỉ trọng lớn, nhưng tình trạng thiếu than đang diễn ra trầm trọng. Trong các giải pháp được đưa ra, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) cho biết sẽ tiếp tục huy động tối ưu các nguồn thủy điện, kết hợp tăng cường truyền tải tối đa từ miền Trung ra Bắc.

Theo GS Trần Đình Long - Trưởng ban Khoa học Công nghệ (Hội Điện lực Việt Nam), việc cung ứng điện phụ thuộc rất nhiều vào cân đối nhu cầu và khả năng đáp ứng, trong khi khả năng đáp ứng là hữu hạn. Vì vậy, với điều kiện thời tiết khắc nghiệt như năm nay, khi mực nước tại các hồ thủy điện thấp EVN không có khả năng cân đối giữa cung - cầu.

Về tình trạng nơi thừa, nơi thiếu điện, ông Trần Việt Hòa - Cục trưởng Cục Điều tiết điện lực (Bộ Công thương) cho biết, khả năng truyền tải điện từ miền Trung ra miền Bắc qua đường dây 500kV Bắc - Trung luôn ở ngưỡng giới hạn cao (giới hạn tối đa từ 2.500MW đến 2.700MW) dẫn đến tiềm ẩn nguy cơ sự cố. Tổng công suất khả dụng của hệ thống điện miền Bắc (bao gồm cả điện nhập khẩu) có thể huy động để đáp ứng nhu cầu phụ tải điện chỉ đạt mức 17.500 - 17.900MW (khoảng 59,2% công suất lắp đặt). Công suất này đã bao gồm khoảng từ 2.500 - 2.700MW truyền tải từ miền Nam và miền Trung ra Bắc (cung đoạn đường dây 500kV Nho Quan - Hà Tĩnh).

Trong khi đó, nhu cầu sử dụng điện ở khu vực miền Bắc có thể lên mức 23.500 - 24.000MW trong những ngày nắng nóng. Hệ thống điện miền Bắc sẽ thiếu hụt khoảng 4.350MW. Ông Hòa cũng cho biết, trong một số thời điểm đã phải cắt điện luân phiên tại 30 tỉnh, thành phố miền Bắc, trong đó có Thủ đô Hà Nội.

Sau đợt nắng nóng đỉnh điểm, nhiều nơi ở miền Bắc đã có mưa. Thời tiết dịu hơn, nhưng nhu cầu tiêu dùng điện vẫn dự báo ở mức cao. Hiện Bộ Công thương và EVN đang tiếp tục chỉ đạo các đơn vị liên quan tăng cường các nguồn điện, vận hành linh hoạt hồ chứa trong bối cảnh các hồ thủy điện gặp khó khăn; đôn đốc các nhà máy nhiệt điện tập trung ưu tiên xử lý sự cố các tổ máy; đảm bảo cung ứng than, khí cho phát điện; tích cực bổ sung các nguồn điện năng lượng tái tạo cho hệ thống; tăng cường vận hành an toàn hệ thống truyền tải Trung - Bắc; đồng thời đẩy mạnh công tác tuyên truyền tiết kiệm điện.

Chậm phát triển hệ thống điện

Theo TS Nguyễn Đình Cung - nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu và quản lý kinh tế trung ương (CIEM), trước tiên phải biết nguyên nhân của thiếu điện do đâu. Ông Cung cho rằng thiếu điện do nắng nóng, hạn hán là do thiên nhiên, nhưng không phải không dự báo trước được. Thêm nữa, công suất lắp đặt thì lớn nhưng không có dự phòng và đang phải vận hành hệ thống điện theo kiểu “giật gấu vá vai”. Đường truyền tải điện cũng là vấn đề. Hiện không thể truyền tải nhiều điện từ miền Nam, miền Trung ra miền Bắc do giới hạn công suất truyền tải. Vì thế cần phải “mổ xẻ” kỹ lưỡng nguyên nhân thiếu điện để có biện pháp khắc phục.

Vẫn theo ông Cung, một trong những vướng mắc mà các tập đoàn, tổng công ty và Ủy ban Quản lý vốn nhà nước đang gặp phải là chậm phát triển các dự án năng lượng mới. Phải thay đổi từ cách làm chính sách. Phải làm sao để thị trường vận hành, không thể can thiệp bằng mệnh lệnh. Như vậy mới giải quyết được vấn đề. Với tình trạng thiếu điện hiện tại, cần tập trung giải quyết các nhà máy nào đang triển khai xây dựng, đầu tư, phải cấp tập hoàn thành sớm, càng sớm càng tốt.

Trong khi đó theo PGS Trần Đình Thiên - nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam: “cái lý rất đơn giản là thiếu điện thì cần phải khuyến khích đầu tư”. Muốn khuyến khích đầu tư thì phải đảm bảo lợi ích cho người đầu tư, Nhà nước mua điện giá cao thì mới đảm bảo để doanh nghiệp đầu tư vào điện, nếu không nhà đầu tư sẽ bỏ chạy. Giá điện thấp lại khuyến khích tiêu dùng nhiều và ngược lại, khi đó khả năng thiếu hụt điện lại càng tăng lên và những tổn hại về môi trường cũng tăng lên.

“Giá bao giờ cũng là trái tim của thị trường cho nên phải dùng cơ chế giá để điều hành. Hiện nay cách tiếp cận về giá điện của ta đang có vấn đề. Tôi hy vọng sau lần này cách tiếp cận giá điện sẽ thay đổi theo hướng kinh tế thị trường để bảo đảm cân đối lợi ích” - ông Thiên nói.

Theo tính toán của EVN, dù sản lượng điện cả năm gần sát với kế hoạch vận hành hệ thống điện đã được phê duyệt, nhưng cơ cấu nguồn huy động có sự thay đổi lớn. Trường hợp xảy ra các tình huống cực đoan, hệ thống điện miền Bắc sẽ gặp tình trạng không đáp ứng được phụ tải đỉnh và công suất thiếu hụt lớn nhất ước tính lên tới khoảng 1.600 - 4.900 MW.

H.Hương-P.Vân