Tháo gỡ vướng mắc, giám sát hiệu quả từ cơ sở
Gần 2 năm thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) và miền núi đã mang lại nhiều hiệu quả thiết thực. Tuy nhiên, để đẩy nhanh tiến độ triển khai thực hiện Chương trình và kịp thời tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc của các địa phương cần tăng cường công tác kiểm tra, giám sát từ cơ sở.
Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi được kỳ vọng là chương trình tổng lực giúp thay đổi bộ mặt, nâng cao chất lượng cuộc sống đồng bào DTTS và miền núi. Do đó, việc triển khai Chương trình cần phải có sự nỗ lực rất lớn của cả hệ thống chính trị, đặc biệt là các cấp chính quyền địa phương. Ông Nguyễn Phi Hùng - Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban MTTQ tỉnh Quảng Nam cho biết, đây là chương trình mới, nội dung rộng, tích hợp nhiều chính sách, lĩnh vực. Năm 2022 là năm đầu tiên triển khai chương trình nên một số bộ, ngành chưa kịp thời ban hành các văn bản hướng dẫn thực hiện, nhất là hướng dẫn về quản lý, sử dụng nguồn kinh phí. Vì vậy, nguồn vốn ngân sách Trung ương, ngân sách tỉnh dù được phân bổ nhưng chưa có cơ sở để triển khai. Bên cạnh đó, tỷ lệ giải ngân nguồn vốn đầu tư của chương trình trong năm 2022 trên địa bàn tỉnh đạt thấp. Một số nội dung thuộc các dự án như hỗ trợ nhà ở, đất sản xuất, chuyển đổi số... còn nhiều bất cập, khó khăn.
Chia sẻ những khó khăn liên quan đến việc thực hiện Dự án 1 “Hỗ trợ giải quyết tình trạng thiếu đất ở, nhà ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt” trong Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi, ông Trường Trung Tuyến - Phó Trưởng ban Dân tộc tỉnh Gia Lai băn khoăn, năm 2022, các địa phương của tỉnh nằm trong Chương trình đã được phê duyệt danh sách đối tượng thuộc diện hộ nghèo được hỗ trợ nhà ở. Khi đó, các hộ dân này được hỗ trợ vay ngân hàng và vay mượn thêm để xây dựng nhà ở. Đến đầu năm 2023, nhiều hộ thuộc đối tượng được hỗ trợ không còn nằm trong danh sách hộ nghèo nữa nên hiện chưa nhận được tiền hỗ trợ nhà ở. Điều này khiến địa phương rất lúng túng trong giải quyết chi tiền hỗ trợ cho bà con.
Cũng từ thực tế khó khăn, nhiều tỉnh, thành đã thành lập các đoàn kiểm tra, giám sát tại cơ sở để kịp thời xử lý vướng mắc. Tiêu biểu, như tỉnh Tuyên Quang, từ quý I/2023, số lượng công trình, dự án của 2 năm 2022 - 2023 đang bắt đầu khởi động nên tỉnh đã tăng cường kiểm tra, giám sát. Theo ông Ma Quang Hiếu - Trưởng ban Dân tộc tỉnh, bên cạnh công tác kiểm tra, giám sát của cấp tỉnh, cấp huyện và các cơ quan, đơn vị thực hiện thì công tác kiểm tra, giám sát của cơ sở thông qua Ban Giám sát đầu tư của cộng đồng cấp xã do Ủy ban MTTQ xã chủ trì là rất quan trọng.
“Qua công tác kiểm tra, giám sát nhận thấy công tác xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện Chương trình cho cả giai đoạn và hàng năm của một số địa phương chưa đầy đủ theo quy định. Công tác rà soát đối tượng nhận hỗ trợ đất sản xuất, nhà ở, nước sinh hoạt phân tán, hỗ trợ khoanh nuôi bảo vệ rừng còn lúng túng… từ đó Ban Dân tộc tỉnh Tuyên Quang đã kịp thời nắm bắt để đề xuất, tìm giải pháp tháo gỡ” - ông Hiếu cho biết.
Từ những kiến nghị của các địa phương, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ cùng Ủy ban Dân tộc và các bộ, ngành liên quan đã có nhiều giải pháp kịp thời tháo gỡ vướng mắc để đẩy nhanh tiến độ triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi và kịp thời tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc của các địa phương trong quá trình triển khai thực hiện Chương trình.