Vì niềm tin yêu của độc giả
TP Đà Nẵng được coi là trung tâm báo chí khu vực miền Trung - Tây Nguyên với. 81 cơ quan báo chí đặt trụ sở và 800 phóng viên hoạt động tác nghiệp. Bứt phá, dẫn đầu về chuyển đổi số của Đà Nẵng những năm gần đây là lợi thế rất lớn cho các cơ quan báo chí và phóng viên tác nghiệp, để lại dấu ấn sâu đậm và niềm tin yêu của độc giả.
Dấu ấn của những người trẻ
Các sự kiện lớn diễn ra tại miền Trung - Tây Nguyên gắn liền với hình ảnh đội ngũ đông đảo phóng viên trẻ năng động, xông xáo. Một trong số những phóng viên trẻ, đầy nhiệt huyết và xông xáo luôn có mặt ở tất cả các “điểm nóng” là Mai Thị Xuân Quỳnh (27 tuổi) của Văn phòng đại diện miền Trung báo Sài Gòn Giải Phóng. Gần một năm đã trôi qua nhưng người dân và các phóng viên có mặt kịp thời ở tuyến đường Hàm Nghi - Nguyễn Văn Linh của Đà Nẵng trong trận mưa ngập lịch sử chiều tối 14/10/2022 vẫn chưa thể quên hình ảnh nữ phóng viên với dáng người thấp bé, cố gắng lội ngược dòng nước đang mỗi lúc một dâng cao, cuộn chảy để ghi vào ống kính từng khoảnh khắc nguy hiểm của thiên tai.
Khích lệ lớn đối với nữ phóng viên trẻ Xuân Quỳnh không chỉ là bức ảnh được in đậm trên trang nhất nhật báo Sài Gòn Giải Phóng cùng với chế độ nhuận bút đặc biệt, mà còn là việc bức ảnh được mọi người chuyền tay nhau trong quán cà phê khi đọc tin tức về mưa lớn, nước dâng cao bất ngờ ở Đà Nẵng.
Phóng viên trẻ Nguyễn Văn Cường (28 tuổi) cũng là một trong số những cây bút năng động, xông xáo của Văn phòng đại diện miền Trung báo Sài Gòn Giải Phóng. Bút danh Nguyễn Cường gắn liền với tin tức thời sự nóng hổi ở Đà Nẵng và Quảng Nam. Khó quên nhất với phóng viên trẻ Nguyễn Cường là những đêm thức trắng ở đèo Lò Xo (tiếp giáp giữa Quảng Nam và Kon Tum) để chụp ảnh, đưa tin về dòng người tự phát trốn dịch Covid-19, di chuyển bằng xe máy về quê ở các tỉnh phía Bắc.
Dù đã chuyển công tác sang cơ quan báo chí khác nhưng nữ phóng viên trẻ K.Hồng không thể nào quên sự kiện chìm tàu du lịch Thảo Vân 2 chở 56 người trên sông Hàn làm 3 người thiệt mạng trên sông Hàn vào tháng 6/2016. Trong vài ngày, từ lúc bắt đầu xảy ra sự cố cho đến khi cơ quan chức năng tìm vớt được hết thi thể nạn nhân. K.Hồng cùng đồng nghiệp bám sát hiện trường trong tư thế đứng để chụp ảnh và ngồi để cập nhập hình ảnh, thông tin lên mặt báo.
Vì niềm tin yêu của độc giả
Phóng viên trẻ Nguyễn Chiến Thắng (24 tuổi) của báo Đà Nẵng chia sẻ, do được tiếp cận, thực hành thường xuyên về chuyển đổi số ở trường đại học nên công việc của Thắng rất thuận lợi. Theo lời Thắng, thì áp lực về lượng view đối với phóng viên là rất cần thiết, tuy nhiên chất lượng và tính chính xác của tin, bài vẫn phải đặt lên trên hết. Độc giả thời công nghệ 4.0 tiếp cận dễ dàng với mọi thông tin nên nếu đưa thông tin nhanh mà không chính xác thì sẽ rất nguy hiểm.
Cùng quan điểm, nữ phóng viên trẻ Xuân Quỳnh cũng cho biết cô ít phải chịu áp lực về thời gian so với áp lực về tính chính xác của tin bài trên mặt báo. Sự tiếp cận nguồn tin có chọn lọc và tác nghiệp thực tế của phóng viên trong sản xuất tin, bài sẽ giúp tờ báo mà cô công tác luôn được độc giả tin yêu.
Nữ phóng viên trẻ K.Hồng cho biết, khi còn làm việc ở Văn phòng đại diện báo điện tử Dân Trí tại miền Trung, mỗi tháng bình quân cô sản xuất trên 60 tin, bài. Áp lực về số lượng tin, bài sản xuất khá cao nhưng không thể chạy theo mạng xã hội để đưa lên mặt báo tin, bài thiếu kiểm chứng, thiếu tác nghiệp thực tế làm mất niềm tin của độc giả.
5 tháng, sản xuất 500.000 tin
Phó Giám đốc Sở TT&TT Đà Nẵng Nguyễn Thu Phương cho biết, Đà Nẵng hiện có 81 cơ quan báo chí đặt trụ sở (bao gồm cơ quan báo chí của Đà Nẵng và các Văn phòng đại diện ). Tổng số phóng viên, nhà báo hoạt động trên địa TP Đà Nẵng tính đến tháng 6/2023 là gần 800 người.
Các cơ quan báo chí trên địa bàn đã tích cực hỗ trợ công tác thông tin, tuyên truyền về các chủ trương, chính sách, sự kiện lớn của Đà Nẵng. Trong 5 tháng đầu năm 2023, Sở TT&TT ghi nhận có gần 500.000 tin, bài về các mặt chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, du lịch của Đà Nẵng được đăng tải trên mặt báo.
Đà Nẵng đang là địa phương bứt phá nhanh, dẫn đầu về chuyển đổi số. Ngoài các ưu thế về địa lý, giao thương, Đề án chuyển đổi số đến năm 2025 định hướng đến năm 2030 của thành phố về tuyên truyền, lan tỏa thông tin tích cực, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch, thông tin xấu, độc trên Internet và mạng xã hội cũng như các sự kiện nổi bật diễn ra liên tục, là cơ hội thuận lợi cho hoạt động tác nghiệp báo chí.
Phó Chủ tịch Thường trực Hội nhà báo TP Đà Nẵng Lê Quang Á cho biết, hiện đang có 373 hội viên thuộc 23 Chi hội (gồm các cơ quan báo chí địa phương và Văn phòng đại diện đặt trụ sở trên địa bàn) tham gia sinh hoạt và hưởng ứng các hoạt động thiết thực của hội.