50 năm lặng lẽ xóa mù chữ cho dân vạn đò

24/06/2023 09:10

Gần 50 năm miệt mài chở chữ miễn phí cho trẻ em vạn đò, cô Bạch Thị Ngọc Hạnh (66 tuổi, ngụ phường Kim Long, TP Huế, tỉnh Thừa Thiên - Huế) luôn xem công việc mình làm thật nhỏ nhoi, bình thường.

Học trò của cô luôn nghĩ về cô với lòng kính trọng và đầy biết ơn. Bởi chính cô là người đã dìu dắt, thay đổi cuộc đời của họ.

"Cô Hạnh dạy xóa mù"

Men theo những ngả rẽ để tìm đến nhà cô Hạnh, mấy lần chúng tôi phải dừng lại hỏi đường. "Cô Hạnh dạy xóa mù hả"? - bằng giọng điệu trân trọng, những người chỉ đường tận tình chỉ dẫn. Có người kể, cô Hạnh dạy xóa mù từ lúc dân vạn đò còn ở dưới đò, cho đến khi họ được lên bờ tái định cư và bây giờ cô vẫn tiếp tục dạy miễn phí cho đám trẻ. Học trò cô Hạnh nhiều thế hệ, nhiều người lắm.

Anh Võ Văn Lành (27 tuổi) nở nụ cười khi nghe hỏi về chuyện cô Hạnh dạy anh học chữ. "Nếu không nhờ cô Hạnh, không biết cuộc đời tôi còn đang chìm nổi nơi đâu. Cô là người đặt những "viên gạch" chữ cái đầu tiên; dạy tôi học đánh vần, học đọc, học viết, học làm các phép tính. Cha mẹ cho tôi cuộc sống nhưng cô Hạnh là người dạy tôi biết chữ, biết làm toán; thay đổi cuộc đời tôi. Ngôi nhà và xưởng sản xuất là do tôi tạo dựng. Nhưng nếu không có chữ, không có tri thức, chắc chắn tôi không bao giờ thực hiện nổi điều này" - anh Lành bộc bạch.

Một góc lớp học của cô Bạch Thị Ngọc Hạnh.

Bên bộ bàn ghế đặt nơi thềm nhà có giàn dây leo rũ xuống yên bình, người phụ nữ tóc đã hoa râm nở nụ cười thật hiền khi hồi tưởng lại "cơ duyên" làm cô giáo xóa mù cho người dân vạn đò.

Cuộc sống dân vạn đò mặc định với những con thuyền lênh đênh, vừa là phương tiện mưu sinh vừa là "ngôi nhà" để ở. Lòng thuyền chật chội là nơi ở chen chúc của cả gia đình 2-3 thế hệ. Cuộc sống tạm bợ, dính chặt với cái nghèo, cái khổ. Từ người lớn đến người nhỏ, người già đến trẻ con, không ai biết chữ. Nạn mù chữ nối từ đời ông, đời cha đến những đứa trẻ.

Năm 1976, phong trào xóa mù chữ được đẩy mạnh. Lúc đó, cô Hạnh mới mười tám, đôi mươi, học xong lớp 9, tham gia dạy chữ cho cư dân vạn đò trên sông Hương. Cứ tưởng dạy đôi ba năm, không ngờ hành trình "gieo" chữ cho cư dân sông nước theo cô đến tận bây giờ.

Khó khăn những ngày đầu cầm phấn. Lớp học thời ấy dựng tạm ở Hợp tác xã Phú Cát. Người lớn sau một ngày vất vả mệt nhoài, chỉ muốn nghỉ ngơi, ngủ một giấc thật ngon để ngày mai tiếp tục vòng quay mưu sinh. Chẳng ai muốn đến lớp. Rất nhiều người đi học vài buổi đầu, sau lại từ chối.

Không bỏ cuộc, cô Hạnh đi vận động và khuyên bảo mọi người rằng: "Học chữ khó nhưng bà con không học được nhiều thì ít nhất cũng phải biết đọc. Ai đưa tờ giấy mình còn đọc xem trong đó viết gì, chứ lỡ cầm nhầm thì nguy hiểm. Biết viết, biết tính bao giờ cũng gắn liền tự chủ, tự tin và quyền lợi của bản thân, cuộc sống của mình". Lớp học chỉ kéo dài 1 giờ nhưng 5 giờ chiều cô đã ra khỏi nhà, lên từng thuyền vận động bà con, 10 giờ đêm mới về đến ngõ.

Nhiều học trò của cô Hạnh vẫn còn nhớ mãi hình ảnh cô thiếu nữ nhỏ nhắn, dù mùa nắng nóng hay rét mướt đều cần mẫn xách chiếc đèn măng-xông đi dọc bờ sông Hương, gọi bà con đến lớp. Đối với đám trẻ, cô Hạnh càng tận tâm dìu dắt, uốn nắn, chỉ cách làm người.