Dịch bệnh tay chân miệng: Gia tăng số ca biến chứng nặng
Tình hình dịch bệnh tay chân miệng tại các tỉnh, thành phía Nam tiếp tục tăng cao gây lo ngại. Thông tin từ Viện Pasteur TPHCM cho biết, hiện toàn khu vực phía Nam đã ghi nhận gần 9.500 ca mắc bệnh tay chân miệng (TCM), trong đó có 4 ca tử vong. Nhiều trường hợp chuyển biến nặng, đặc biệt các trường hợp tử vong đều có xét nghiệm dương tính với Enterovirus 71 (EV71).
Các bệnh nhi phải nằm ghép
Theo báo cáo của Viện Pasteur TPHCM, toàn khu vực phía Nam ghi nhận 9.028 ca mắc tay chân miệng, trong đó có 4 ca tử vong với chẩn đoán TCM độ 4 và có xét nghiệm Enterovirus 71 (EV71) dương tính. Còn tại TPHCM, từ đầu năm đến nay, có 2.407 ca mắc TCM, chưa ghi nhận ca tử vong. Về công tác thu dung, điều trị, đã có 936 ca TCM điều trị nội trú tại các bệnh viện, trong đó có 46 ca nặng, có 4 trường hợp tử vong (là các bệnh nhi nặng chuyển từ các tỉnh về). Hiện nay, tổng số ca TCM đang điều trị nội trú là 147 trẻ, tất cả đều dưới 6 tuổi, trong đó có 18 trẻ TCM nặng đang điều trị tại các khoa hồi sức tích cực của 3 bệnh viện nhi đồng. Đáng chú ý, có 14 trường hợp đang trong tình trạng nguy kịch, phải thở máy, trong đó có 1 ca phải lọc máu.
Tại khoa Nhiễm của Bệnh viện Nhi đồng 1, TPHCM hiện mỗi ngày tiếp nhận, điều trị cho gần 40 trường hợp trẻ mắc TCM. Bác sĩ Dư Tuấn Quy - Trưởng khoa Nhiễm cho biết, số ca bệnh nặng từ các tỉnh chuyển đến ngày càng nhiều, trong đó có nhiều ca bệnh nặng đang gây áp lực lên công tác điều trị. Đặc biệt, tại phòng cấp cứu của khoa Nhiễm, các bệnh nhi đã phải nằm ghép.
Chiều 22/6, PGS.TS Nguyễn Thanh Hùng - Giám đốc Bệnh viện Nhi đồng 1 cho hay, trong 2 tuần gần đây, số ca nặng tiếp tục có xu hướng tăng. So với các năm dịch trước đây, 6 tháng đầu năm 2023 số lượng bệnh nhân nhập viện không nhiều, nhưng tỷ lệ nặng so với tổng số bệnh tăng gấp 2,5 lần so với cùng kỳ năm trước. Những ca nặng hầu hết đều là do virus EV71.
GS.TS.BS Phạm Văn Quang - Trưởng Khoa Hồi sức tích cực chống độc, Bệnh viện Nhi đồng 1 cho biết: Hai tuần nay, khoa phải tiếp nhận nhiều ca nguy kịch. Riêng ngày 21/6, bệnh viện nhận liên tiếp 5 ca TCM rất nặng. Có những trường hợp nguy kịch, ngưng thở, phải phối hợp nhiều biện pháp để cứu sống. Chẳng hạn, bé gái 14 tháng tuổi nhập viện cách đây một tuần, ba ngày đầu sốt nhẹ, xuất hiện hồng ban ở bàn tay, bàn chân kèm loét họng. Đến ngày thứ 5, bé giật mình chới với nhiều khi ngủ, gia đình đưa vào viện nhưng diễn tiến nhanh dẫn đến suy hô hấp. Bé ngưng thở, bác sĩ đặt nội khí quản và chuyển đến khoa hồi sức tích cực để thở máy song trụy tim mạch, mạch nhanh, tụt huyết áp, đe dọa tính mạng. Sau lọc máu, tình trạng cải thiện, hiện cháu bé cai được máy thở, tỉnh táo.
Bác sĩ Quang cũng cho biết, lọc máu là phương pháp hiệu quả góp phần cứu sống nhiều ca TCM nặng. Đối với trẻ nhỏ, phương pháp này rất khó do việc tiếp cận mạch máu rất khó khăn, bệnh nặng diễn tiến nhanh nên dễ thất bại.
Theo Bộ Y tế, số ca mắc TCM chủ yếu gặp ở trẻ nam chiếm 60%, trẻ nữ chiếm 40% tổng số mắc. Số ca mắc chủ yếu ở trẻ dưới 10 tuổi (chiếm 98,5%), trong đó hay gặp ở nhóm từ 1-5 tuổi, tuổi trẻ đi nhà trẻ và mẫu giáo (chiếm 84%) và dưới 1 tuổi (chiếm 18%).
TS Đặng Thị Thúy - Trưởng khoa Nhi, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương cho biết, dịch bệnh TCM gây ra do các loại virus thuộc nhóm đường ruột, gồm có Coxsackie, Echo và các virus đường ruột khác, trong đó hay gặp là virus đường ruột týp 71 (EV71) và Coxsackie A16. Bệnh xảy ra quanh năm và lây truyền theo đường tiêu hóa, qua tiếp xúc trực tiếp với người bệnh (bắt tay, ôm, hôn), tiếp xúc với đồ chơi, quần áo, đồ dùng sinh hoạt, bề mặt có chứa virus. Bệnh có khả năng lây lan nhanh, đặc biệt ở môi trường tập thể như nhà trẻ, trường học. Bệnh TCM thường tự khỏi trong vòng 7 đến 10 ngày mà không cần điều trị đặc biệt. Tuy nhiên, trong một số trường hợp, bệnh có thể gây ra các biến chứng nghiêm trọng như viêm não, viêm màng não và viêm phổi. Trong đó, viêm não là một trong những biến chứng nghiêm trọng nhất. Biến chứng này có thể xảy ra khi virus TCM xâm nhập vào hệ thống thần kinh, gây ra viêm nhiễm và sự suy thoái của các tế bào thần kinh.
Các triệu chứng của bệnh TCM bao gồm: Sốt, đau đầu, mệt mỏi, đau họng, sưng hạch cổ, và thường xuất hiện các vết nổi ban đỏ trên tay, chân, miệng và các vùng da khác trên cơ thể.
Ứng phó nguy cơ bùng phát dịch
Kết quả giải trình tự gen do nhóm nghiên cứu của Bệnh viện Nhi đồng 1 và Đơn vị Nghiên cứu lâm sàng Đại học Oxford đặt tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TPHCM cho thấy: B5 là kiểu gen (subgenotype) của Enterovirus 71, tác nhân gây bệnh TCM nặng ở trẻ em vừa được phát hiện trở lại qua các trường hợp nặng tại 3 bệnh viện nhi của thành phố. Tất cả mẫu bệnh phẩm của các bệnh nhi mắc bệnh TCM có triệu chứng nặng đang điều trị tại Bệnh viện Nhi đồng 1 đều có kết quả PCR dương tính với Enterovirus 71 và đều có kiểu gen B5.
Bác sĩ Trương Hữu Khanh - Phó Chủ tịch thường trực Hội Truyền nhiễm TPHCM nêu nguyên nhân thiếu thuốc điều trị đang làm gia tăng số ca trẻ chuyển biến nặng khi nhiễm EV71.
Song "không thể lý giải được tại sao chủng nguy hiểm xuất hiện trở lại". Tình trạng thiếu thuốc ở các tỉnh phía Nam khiến các bệnh viện chuyển trẻ lên TPHCM ngày càng nhiều, gây áp lực rất lớn lên hệ thống điều trị. Về sự xuất hiện của virus EV71, BS Khanh cảnh báo, nếu không có phương án phòng chống hiệu quả, dịch TCM sẽ bùng phát trên diện rộng và có thể kéo dài đến khoảng tháng 10 hoặc tháng 11.
Trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh, Bộ Y tế đề nghị UBND các tỉnh, thành phố chỉ đạo chính quyền các cấp, các ngành, chủ động phối hợp với ngành y tế triển khai đồng bộ, quyết liệt các giải pháp phòng chống dịch. Cục Quản lý Dược (Bộ Y tế) cũng ban hành văn bản thông tin về tình hình thuốc điều trị cho biết, dự kiến tháng 7 sẽ có thuốc Phenobarbital nhập khẩu điều trị bệnh TCM về Việt Nam.
Mới đây, Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn đã ký ban hành văn bản gửi Sở Y tế các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, các bệnh viện trực thuộc Bộ Y tế, y tế các bộ, ngành về việc tăng cường công tác điều trị bệnh TCM.
Theo đó, Bộ Y tế yêu cầu các đơn vị triển khai thực hiện các biện pháp như: Lập kế hoạch và triển khai thực hiện kế hoạch phòng, chống bệnh TCM trên địa bàn; Kiểm tra, đánh giá về nhân lực, cơ sở vật chất, trang thiết bị y tế, thuốc, hóa chất và vật tư y tế tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh trực thuộc bảo đảm sẵn sàng tiếp nhận và điều trị bệnh TCM; Tăng cường công tác theo dõi người bệnh TCM đang nằm nội trú tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh, đặc biệt trong các ngày nghỉ lễ, ngày nghỉ cuối tuần để phát hiện, điều trị kịp thời khi ca bệnh có diễn biến nặng lên...
Bộ Y tế đề nghị rà soát các điều kiện về nhân lực, cơ sở vật chất, trang thiết bị y tế, thuốc, hóa chất và vật tư y tế tại các đơn vị điều trị bệnh TCM để tiếp nhận các ca bệnh nặng từ các cơ sở khám, chữa bệnh trong tỉnh và các tỉnh khác chuyển đến.