Gặp lại… Thâm Tâm
Nhà thơ Thâm Tâm (tên khai sinh là Nguyễn Tuấn Trình, sinh năm 1917, mất năm 1950) vốn được nhiều người nhớ tới với bài thơ “Tống biệt hành”. Những câu thơ trong bài thơ ấy, ví như: “Đưa người ta không đưa qua sông/ Sao có tiếng sóng ở trong lòng?/ Bóng chiều không thắm không vàng vọt/ Sao đầy hoàng hôn trong mắt trong?” đến nay vẫn nhiều người thuộc. Và “Tống biệt hành" của Thâm Tâm được giới nghiên cứu, phê bình văn học Việt Nam xếp vào một trong những bài thơ hay nhất của phong trào Thơ Mới nói riêng và thơ Việt Nam hiện đại nói chung.
Nhưng Thâm Tâm không chỉ có thơ ca. Ông là một tác giả đa tài. Ông làm báo, vẽ tranh, viết văn, soạn kịch... Từ năm 1942 - 1945, Thâm Tâm đã viết nhiều truyện thiếu nhi in trên các tờ Truyền bá và Phổ thông bán nguyệt san... Sau Cách mạng Tháng Tám, ông theo kháng chiến và hy sinh khi tuổi đời còn rất trẻ - 33 tuổi.
Tháng 6 năm nay, được sự giúp đỡ của gia đình tác giả Thâm Tâm và các nhà sưu tầm, Nhà xuất bản Kim Đồng đã tập hợp khá đầy đủ và chọn lọc in lại thành sách các truyện thiếu nhi của ông. Đây là lần đầu tiên truyện thiếu nhi của Thâm Tâm được in thành sách. Ba tập truyện được phân loại theo các thể loại: “Con rùa đội vẹt” (Truyện đồng thoại), “Hai cây hoa nhài” (Truyện cổ tích”, “Thuồng luồng ở nước” (Truyện dã sử).
Qua 3 tập truyện thiếu nhi này, người đọc có thể cảm nhận được phong cách văn chương độc đáo của nhà văn Thâm Tâm, đó là kết hợp khéo léo giữa thể tài truyền thống với nội dung hiện đại, mang đến nhiều tầng ý nghĩa.
Tập truyện cổ tích “Hai cây hoa nhài” gồm 5 truyện nhiều kỳ và 1 truyện ngắn. Truyện cổ tích của Thâm Tâm dày đặc chất liệu đời sống và con người. Ở đó, nhân vật cổ tích có nội tâm phong phú, câu chuyện có rất nhiều đối thoại được kể với ngôn ngữ văn xuôi hiện đại, gần với truyện ngắn và kịch. Những nhân vật rất quen thuộc trong văn học dân gian trong truyện cổ tích Thâm Tâm lại có một màu sắc mới: Đó là thằng Bờm, đó là thằng Cuội… Những tích truyện xưa như Sọ Dừa, trở nên vừa lạ vừa quen trong truyện “Hai cây hoa nhài”…
“Thuồng luồng ở nước” là tập truyện dã sử gồm 4 truyện ngắn và 1 truyện vừa nhiều kì. Bối cảnh lịch sử trong truyện dã sử Thâm Tâm mang tính phiếm chỉ đó là thời Giao Châu, thời nhà Lý, thời Hùng Vương… những nhân vật lịch sử cũng vậy, tên tuổi và hành tung vừa quen vừa lạ, như: Bố, Cái, Lữ Đại, Chàng Hai, Thôi Vỹ… Những nhân vật lịch sử của ông không còn là phương tiện của các sự kiện lịch sử mà tồn tại đầy nhân bản.
Có thể thấy, Thâm Tâm dày công nhất trong truyện đồng thoại. “Con rùa đội vẹt” gồm 5 truyện ngắn và 2 truyện vừa là thế giới đồng thoại rất phong phú, thể hiện một cái nhìn quan sát rất tinh tế thế giới loài vật cũng như sự uyển chuyển đưa thế giới loài vật ấy gần gũi với con người không chỉ qua biện pháp nhân hóa một cách đơn điệu.
Viết cho thiếu nhi, Thâm Tâm gửi gắm khéo léo những bài học nhân sinh, những câu chuyện đạo đức, lý tưởng. Qua mỗi câu chuyện các em sẽ cảm nhận được một rung động, nhen nhóm trong tâm tư những suy nghĩ tích cực.
Vốn được viết cho các tạp chí ra hàng tuần, hàng tháng nên thường các truyện của Thâm Tâm được chia ra thành nhiều kỳ, cách viết rất hấp dẫn, diễn biến bất ngờ thu hút bạn đọc theo dõi liên tục. Đặc biệt, nội hàm phong phú của mỗi truyện luôn kích thích người đọc suy ngẫm và nhớ lâu. Phần tranh minh họa mỗi truyện do tác giả Thâm Tâm và các họa sĩ cùng thời vẽ cũng đem đến mỹ cảm độc đáo.
Tiếp xúc di sản văn xuôi của Thâm Tâm bạn đọc ngày hôm nay có cơ hội được nhìn nhận và biết đến ông đầy đủ và chân thực hơn. Văn học thiếu nhi có thêm một tác giả Thâm Tâm, độc giả thiếu nhi có thêm các tác phẩm hay và ý nghĩa.
Theo nhà thơ Nguyễn Quang Thiều - Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam, bên cạnh thơ ca, Thâm Tâm còn có một gia tài văn xuôi đồ sộ mà nhờ đó chúng ta có dịp nhìn nhận lại cả một sự nghiệp văn học để một lần nữa khẳng định rõ nét hơn việc tôn vinh tài năng, tâm huyết và khát vọng sáng tạo của ông.
"Chỉ sống đến 33 tuổi giữa một thời đại đầy khó khăn và đặc biệt trong hoàn cảnh chiến tranh, nhà thơ Thâm Tâm và các nhà văn cùng thế hệ đã để lại một di sản lớn cho nền văn học Việt Nam và nhân cách sống của họ. Nghệ thuật thơ ca và sáng tạo văn học nói chung có giọng nói riêng của mỗi thời đại. Nhưng một điều không thể thay đổi nếu nhà văn còn muốn được độc giả đón đợi, đó là lương tri với đồng loại", nhà thơ Nguyễn Quang Thiều chia sẻ.
Thâm Tâm là nhà thơ, nhà viết kịch, nhà báo quê Hải Dương. Ông viết báo, viết văn từ những năm 1940, thường đăng tác phẩm trên Tiểu thuyết thứ bảy, Ngày nay, Tiểu thuyết thứ năm và Truyền bá quốc ngữ.
Sau Cách mạng Tháng Tám 1945, Thâm Tâm nhập ngũ, từng làm Thư ký tòa soạn báo Vệ quốc quân (nay là báo Quân đội Nhân dân). Ông mất ở tuổi 33, vào năm 1950, khi trên đường đi công tác trong Chiến dịch Biên giới, được đồng đội và người dân mai táng ở tỉnh Cao Bằng. Nhà thơ được truy tặng Giải thưởng Nhà nước về Văn học nghệ thuật năm 2007.