Mưa mùa hạ
Thế là mưa đã về, nhắc cho chúng ta biết mùa mưa bão đã chính thức bắt đầu. Mưa khiến người Hà Nội lại chứng kiến cảnh “sông trong phố” và “lướt sóng trên đường nhựa”. Nhưng mưa cũng “phân đoạn” những ngày nắng nóng rừng rực, sẻ chia bớt cả nỗi lo mất điện, thiếu điện đang thường trực phấp phỏng trong lòng người Hà Nội mỗi mùa hạ về.
Nắng góp thì mưa dồn.
Mưa xối xả, mưa rầm rập, mưa liên tiếp. Có khi trời “ưu ái” mưa vào buổi tối. Cũng có khi mưa bất chợt đổ xuống lúc tan tầm. Dù vào giờ nào thì vẫn có những người không may phải đi trong cảnh "dưới dềnh lên, trên trút xuống". Đấy là còn chưa kể sấm chớp ùng oàng, chưa kể phi vào hố ga, ổ gà, chệch tay lái, loạng choạng, ngoặc vào xe nhau, cãi vã... Có mưa xuống mới biết tắc đường ngày tạnh ráo vẫn còn… may hơn. Bởi đoàn người xe nối đuôi nhau ngao ngán mặc cho nước gõ nhịp, bắn tung tóe trên áo mưa, kính mũ bảo hiểm, trước đèn pha xe và nước cùng rác quẩn dưới chân mình làm cho cơn mưa càng trở nên khắc nghiệt. Rồi còn tắt máy dắt bộ lầm lụi trong dòng nước lụt, rồi còn sửa xe, rồi còn ướt át, rồi còn nước tràn vào nhà, cất dọn đồ đạc... Thì năm nào chả vậy. Cứ mưa về là điệp khúc ùn tắc, ngập lụt lại tái diễn. Khi qua rồi thì thấy nó nhẹ tênh, nhưng cứ phải nhẩn nha nếm trải suốt mấy tháng trong năm thì sao mà cám cảnh.
Mưa mùa hạ cũng khiến tôi nhớ đến cuốn tiểu thuyết của nhà văn Ma Văn Kháng với cuốn tiểu thuyết cùng tên. Khung cảnh của "Mưa mùa hạ" là một thành phố có con sông chảy qua.
Lại nhớ ngày còn bé, cứ mỗi mùa hạ về mưa ngập, sông Hồng dâng cuồn cuộn, bà tôi lại chép miệng: "Thần chả kém gì người, đánh ghen gì mà ghê thế, năm nào cũng khiến con dân khốn khổ". Đấy là bà nhắc về tích Sơn Tinh, Thủy Tinh. Ô hay, nếu chẳng có tích này thì chắc con người vẫn chỉ nhìn mưa nắng như một hiện tượng khi thì tích cực, lúc lại tiêu cực của thời tiết mà không biết rằng, dù bất cứ điều gì nếu chịu khó xét soi cũng thấy đầy sự lãng mạn trong đó. Có lẽ, trong cuộc sống hiện đại, thực dụng bây giờ, dưới mỗi cơn mưa người ta cũng chỉ nhìn thấy sự phiền nhiễu hay hữu ích của nó mà quên hẳn cuộc tình tay ba đã kéo dài vài thiên niên kỷ để "Núi cao sông hãy còn dài/ Năm năm báo oán đời đời đánh ghen" kia rồi.
Bọn trẻ xóm tôi thích nhất là những lúc mưa mà người lớn không có nhà. A lô xô, cả lũ ào ra sân khi nước bắt đầu ngập mắt cá chân, ngập bụng chân. Đứa nào đứa nấy hớn hở vùng vẫy tắm mưa, cười ha ha khi chớp giật ngang trời. Rồi thì đứa lớn đặt đứa bé trong chiếc chậu nhựa, xỏ dây vào làm thuyền kéo đi. Có những lúc làm thành cả một cuộc đua thuyền náo động, át tiếng mưa ồn ã, sầm sập. Nhiều đứa vẫn nhớ những mùa mưa trước có khi lấy rổ xúc được cá nên vẫn có ý... chờ. Có đứa kiên nhẫn hơn thì vác cần câu, ngồi chầu hẫu trên giường, thả mồi và lưỡi câu xuống nền nhà, chăm chăm cả buổi chờ chiếc phao nhấp nháy. Mưa về, xóm nhỏ trở nên náo nhiệt hẳn lên. Vì thế, có khi bố mẹ chúng vừa bực dọc vì bị cơn mưa kìm chân lâu ngoài đường, trở về nhà thấy con cái tưng bừng là vậy, thấy giống hình ảnh mình thuở còn thơ ở quê, như được sống lại quãng đời hồn nhiên vô ưu nên cũng chẳng nỡ trách mắng con dù biết có thể nay mai nó sẽ ốm sốt, sẽ tốn tiền thuốc thang, công sức để chăm sóc.
Nhưng mưa mùa hạ chẳng dầm dề như mùa xuân, chẳng não nề như mùa thu cũng chẳng rét buốt như mùa đông. Mưa mùa hạ nhanh đến nhanh đi, ngay cả những điểm úng ngập qua một đêm là nước đã rút, trả lại thành phố một bầu không khí trong lành. Sáng ra, người xe đi lại, mặt đường mát dịu, cây cối xanh tươi, mỡ màng…