Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2023: Giảm áp lực, tránh gian lận

HẠNH NHÂN - PHƯƠNG LAN 25/06/2023 08:52

Theo lịch của Bộ GDĐT, kỳ thi tốt nghiệp THPT 2023 sẽ diễn ra từ ngày 28 đến 29/6 với hơn 1 triệu học sinh cả nước tham dự. Dư luận đang dành sự quan tâm đến việc làm sao để giảm áp lực cho thí sinh, ngăn chặn gian lận, đặc biệt lưu ý đến công tác in sao, bảo mật đề thi, tránh gây thiệt thòi cho thí sinh.

Thí sinh thi tốt nghiệp THPT năm 2022 tại Hà Nội.

Ngăn chặn vi phạm quy chế

Để chuẩn bị cho kỳ thi tốt nghiệp THPT 2023, vấn đề bảo mật đề thi, bài thi, phòng chống gian lận, quy chế thi và hỗ trợ thí sinh là những vấn đề được Bộ GDĐT đặc biệt lưu ý.

Nhắc lại bài học của Hà Nội trong kỳ thi tuyển sinh lớp 10 vừa qua, chỉ vì có một số đề thi in mờ mà phát sinh vấn đề phải xử lý, Bộ trưởng Bộ GDĐT Nguyễn Kim Sơn yêu cầu các địa phương phải chuẩn bị kỹ cho khâu in sao đề thi. Cụ thể, cần ưu tiên trang thiết bị tốt nhất nhưng cũng không phó thác hoàn toàn cho trang thiết bị. Sự kiểm tra của con người, yếu tố con người thận trọng cũng là rất cần thiết. Ưu tiên thiết bị, con người quan tâm phối hợp - hai điều đó mới đảm bảo được các khâu yên tâm, an toàn.

Kaito Kid thông báo tiếp tục đoán đề thi Ngữ văn

Sau lùm xùm lộ đề thi văn tốt nghiệp THPT vào năm trước, mới đây, tài khoản Kaito Kid đăng thông báo được cho là sẽ tiếp tục đoán đề vào tối 27/6, một ngày trước buổi thi Ngữ văn tốt nghiệp THPT năm 2023. Thông tin này lập tức thu hút hàng chục nghìn lượt tương tác vài giờ sau đó.

Nhìn nhận hiện tượng trên, cô N.H.H., giáo viên Ngữ văn Trường THPT Nguyễn Thị Minh Khai (TPHCM) cho rằng: Việc đoán đề môn văn trên mạng xã hội có thể ảnh hưởng tiêu cực đến thí sinh. Theo đó, hệ quả nghiêm trọng nhất của việc đoán đề là sẽ khiến thí sinh hoang mang hoặc "học tủ" và có nguy cơ bị "tủ đè". Điều này tác động không nhỏ đến tâm lý các em, khiến không chỉ kết quả bài làm môn Ngữ văn bị ảnh hưởng mà còn cả những môn thi sau.

Thứ trưởng Bộ GDĐT Phạm Ngọc Thưởng nhấn mạnh, kỳ thi có quy mô lớn phải có sự phối hợp của nhiều bộ, ngành, thậm chí cả hệ thống chính trị, hướng tới mục tiêu chung là vì học sinh. Đối với công tác kiểm tra, giám sát, lấy phát hiện, ngăn ngừa, phòng ngừa là chính để bảo vệ cán bộ, học sinh và mọi khâu của kỳ thi đều phải có kiểm tra, giám sát.

Hiện Bộ GDĐT đã huy động gần 8.000 cán bộ, giảng viên trường đại học làm công tác thanh tra để giám sát các khâu của kỳ thi tốt nghiệp THPT. Cùng với các đoàn thanh tra của 63 tỉnh, thành phố, Bộ cũng tổ chức các đoàn thanh tra sâu, các đoàn kiểm tra trước, trong và sau kỳ thi.

Liên quan đến vấn đề gian lận thi cử, theo Thiếu tướng Lê Minh Mạnh - Phó Cục trưởng Cục A05 (Bộ Công an), có những thiết bị rất nhỏ được ngụy trang như đồng hồ, nút áo, khuyên tai, máy tính bỏ túi. Các thiết bị thường được giấu trên người thí sinh và truyền, nhận thông tin với bên ngoài qua thiết bị trung chuyển. Vì thế việc bố trí địa điểm để đồ dùng, tư trang của thí sinh cách ít nhất 25m vẫn phải được các điểm thi tuân thủ.

Theo quy chế, mọi hình thức vi phạm dù vô tình hay cố ý đều bị xử lý theo quy định để bảo đảm tính khách quan, bảo mật, nghiêm túc cho kỳ thi. Thượng tá Ngô Xuân Hải - Phó Trưởng phòng An ninh chính trị nội bộ (Công an TP Hà Nội), cho biết: Có 2 phương pháp phát hiện thí sinh mang thiết bị gian lận vào phòng thi, đó là quan sát dấu hiệu bất thường bằng công nghệ AI và quan sát bằng mắt thường. Trước khi vào phòng thi, cán bộ coi thi cần tuyên truyền cho thí sinh về quy chế thi, nhắc nhở, nghiêm cấm thí sinh không mang vật dụng không được phép vào phòng thi, đồng thời nêu rõ hậu quả nếu phát hiện thí sinh cố tình vi phạm. Đề thi tốt nghiệp THPT thuộc tài liệu “tối mật”, nếu ai cố tình vi phạm sẽ xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật.

Chú trọng tự học và kỹ năng làm bài

Thời điểm này, nhiều học sinh đang tập trung ôn kiến thức, luyện đề và đặc biệt chú trọng việc tự học. Em Đỗ Thuỳ Dung - học sinh lớp 12D7, Trường THPT Việt Đức (Hà Nội) phân bổ thời gian hợp lý nhất có thể để ôn tập các môn học sao cho hiệu quả nhất. “Từ giờ đến lúc thi em tự học và em cảm giác ở giai đoạn cuối này thì việc tự học là cần thiết nhất, bản thân em thấy tự học là cách tốt nhất và hiệu quả nhất giúp em có thể ôn lại kiến thức học ở trường và để tự tin bước vào kỳ thi”, Dung bày tỏ.

Môn Tiếng Anh là môn quan trọng trong kỳ thi tốt nghiệp, nội dung thi sẽ bao gồm các kiến thức cơ bản có trong chương trình, nhưng cũng đòi hỏi nhiều kỹ năng tư duy làm bài. Nhiều giáo viên cho rằng, thí sinh phải chăm chỉ ôn các kiến thức về từ vựng, ngữ pháp, phát âm, luyện kỹ năng đọc hiểu để nắm thật chắc kiến thức tổng quát, cơ bản của chương trình THPT, đặc biệt cần lưu ý khi làm bài để tránh mất điểm oan. Cô Hoàng Thu Trang - giáo viên tiếng Anh, Trường THPT Xuân Phương (Hà Nội), cho biết: Giai đoạn này cố gắng luyện cho các em một số đề bám sát đề minh họa để các em quen với dạng thi, cũng như là rèn luyện một số kỹ năng làm bài. “Khi các em làm bài cần chắc chắn và cẩn thận kiểm tra bài làm thật kỹ xem đã tô đủ các câu hay chưa. Các đáp án cần tô tròn đậm để máy quét có thể nhận diện được đáp án. Học sinh cần phải cẩn thận để tránh mất những điểm đáng tiếc”, cô Trang lưu ý.

Thứ trưởng Bộ GDĐT Ngô Thị Minh cùng Đoàn công tác số 3 kiểm tra công tác chuẩn bị cho Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2023 tại điểm thi Trường THPT Phan Bội Châu, TP Pleiku, tỉnh Gia Lai.

Về chiến thuật ôn tập nước rút và làm bài hiệu quả, TS Hà Thúc Viên - Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Việt Đức, nhấn mạnh: Theo đề thi tốt nghiệp THPT các năm qua, kiến thức được tích hợp trong một thời gian dài không phải thuộc một phần nào cả. Do đó, chúng ta không thể ôn luyện trong một thời gian rất ngắn khối lượng kiến thức khổng lồ. Ở thời điểm hiện tại chúng ta cần rà soát lại, những phần nào mơ hồ cần lên kế hoạch tập trung củng cố kiến thức đó.

Là người trải qua kỳ thi nhàn tênh với điểm số rất cao, Đặng Công Phúc, 23 tuổi, từng là thủ khoa đầu vào khối A1 của Trường ĐH Thủy Lợi chia sẻ bí quyết làm bài thi: Nên phân bổ thời gian làm đề. Ví dụ như khối A1, sáng thì làm đề Toán, chiều Lý, tối Anh. Khi làm đề nào thì cố gắng hết sức, tập trung làm đề đó. Sau khi làm xong hết hãy so lại với đáp án, đánh giá lỗi sai của mình và sửa lại, rút kinh nghiệm và ghi nhớ những lỗi sai mắc phải, đừng để lặp lại ở đề bài tương tự.

Bình tĩnh, tự tin

Do quá lo lắng cho kỳ thi, nhiều học sinh ăn không thấy ngon, thậm chí một số em bị stress và phải điều trị rối loạn tâm lý. Về vấn đề này, TS Dương Minh Tâm - Trưởng phòng Điều trị rối loạn liên quan stress (Viện Sức khỏe tâm thần) cho biết: Nhiều phụ huynh không phát hiện ra sự bất thường của con, chỉ tới khi con kêu đau bụng, đau đầu, đi khám mới phát hiện bị stress. “Vì vậy, cha mẹ nên tránh không tạo áp lực cho con em trong mùa thi. Dù áp lực không phải lúc nào cũng bất lợi, nếu có mục tiêu thì coi mùa thi là bước ngoặt động lực vượt qua, nhưng với em có nhân cách yếu đuối đó lại là nguyên nhân khiến các em gia tăng stress”, TS Tâm khuyến cáo.

Cũng có lời khuyên dành cho các em trong những ngày này là ăn đủ bữa và ngủ đủ giấc, có thể kết hợp thêm môn thể thao nhẹ nhàng để có đủ năng lượng cần thiết. Bên cạnh đó, cần chú ý ăn uống các thực phẩm đảm bảo cho sức khỏe.

Sẵn sàng cho kỳ thi tốt nghiệp THPT, thí sinh Nguyễn Quốc Lập (Trường THPT Hoàng Cầu, quận Đống Đa, Hà Nội) chia sẻ: Sau khi nghe lời khuyên của thầy cô và các chuyên gia, em nhận ra việc quá lo lắng sẽ dễ dẫn tới tức giận, mất bình tĩnh trong thời gian này, như vậy sẽ ảnh hưởng tới kết quả thi. “Em đã chia sẻ với bố mẹ về lực học, nguyện vọng của bản thân. Bố mẹ em đã động viên em rằng có rất nhiều phương án để lựa chọn cho bước ngoặt này, và quan trọng là tinh thần em phải tự tin và tránh căng thẳng”, Nguyễn Quốc Lập cho biết.

Ở góc nhìn sư phạm, TS Vũ Thu Hương (nguyên giảng viên Trường ĐH Sư phạm Hà Nội) đưa ra lời khuyên: Các em học sinh cần xác định kỳ thi thực chất là điều kiện để một đứa trẻ trưởng thành. Nó như những nấc thang mà mỗi một năm các em phải bước lên một bước. Điều quan trọng là phải tự bản thân các em bước lên nấc thang mới để khẳng định sự nỗ lực sau một năm học tập chứ không ai làm thay các em. Khi đã xác định được như vậy thì các em đừng nghĩ kỳ thi là cái gì quá ghê gớm, từ đó hạn chế được tối đa những áp lực, tâm lý để đạt kết quả tốt nhất trong kỳ thi tốt nghiệp THPT sắp tới.

Ông Nguyễn Trường Lâm - Giám đốc đào tạo Hệ thống giáo dục Toan.vn: Bí quyết giúp thí sinh đạt điểm cao môn Toán

Các lưu ý khi làm bài thi: Đọc lướt các câu trong đề, đánh dấu các câu dễ để làm trước, làm chắc chắn, làm xong có kiểm tra rà soát lại. Việc này sẽ tạo tâm lý tốt để làm những câu khó hơn. Học sinh cần tập trung không được làm sai các câu mức 6 điểm trở xuống. Học sinh ở trình độ khá phải làm được các câu mức 8-9 điểm và không quá ham giải các câu khó. Với các câu mức trên 9 điểm dành cho học sinh trình độ giỏi, cần ưu tiên các câu biết làm trước, nếu còn thời gian mới làm các câu khó.

Với mức độ kiến thức: Ôn tập kỹ kiến thức lớp 11 và 12, đặc biệt là chương trình lớp 12. Học sinh cần ôn tập thật tốt tất cả các phần kiến thức lớp 11 và 12 vì đề thi trải khá đều và rộng.

Ngoài ra, học sinh cần linh hoạt trong việc sử dụng máy tính để thử lại phương án chọn và phân bố thời gian làm bài hợp lý dựa trên mục tiêu điểm số của mình đặt ra. Nếu mục tiêu là 9-10 điểm cần làm thật nhanh và chắc chắn 40 câu đầu tiên để có nhiều thời gian suy nghĩ các câu tiếp theo. Không nên dành quá nhiều thời gian cho 1 câu hỏi, nếu suy nghĩ đến 2 phút mà chưa ra được cách làm khả thi thì cần tạm bỏ qua, đánh dấu lại để cuối giờ còn thời gian thì xem lại sau.

TS Trịnh Thu Tuyết - Giảng viên môn Ngữ văn, Hệ thống giáo dục HOCMAI: Ghi nhớ giá trị nội dung và nghệ thuật của mỗi bài văn

Thay vì lo lắng và áp lực, các em cần tích cực rà soát những kiến thức cơ bản trong chương trình Ngữ văn lớp 12, ghi nhớ những giá trị nội dung và nghệ thuật chính của mỗi bài. Tự kiểm tra lại hệ thống kỹ năng đáp ứng từng kiểu loại câu hỏi trong đề thi. Các em nên ôn tập theo các đơn vị kiến thức cơ bản trong mô hình đề thi mấy năm nay với 3 phần: Đọc hiểu,viết đoạn văn nghị luận xã hội, viết bài văn nghị luận văn học. Trong đó, ở phần đọc hiểu luôn gồm một ngữ liệu đọc hiểu và 4 câu hỏi đọc hiểu được sắp xếp theo các cấp độ nhận thức từ nhận biết, thông hiểu, vận dụng tới vận dụng cao. Các em cần nhận ra những tín hiệu của từng kiểu loại câu hỏi để có phương pháp trả lời phù hợp, tránh trả lời thừa hoặc thiếu.

Phần viết đoạn văn nghị luận xã hội luôn có nội dung nghị luận quan hệ hữu cơ với nội dung chính của ngữ liệu đọc hiểu. Do đó, học sinh cần đặc biệt chú ý đảm bảo hai yêu cầu về nội dung và hình thức của đoạn văn theo đúng yêu cầu trong câu lệnh của đề bài. Bài nghị luận văn học chiếm quỹ điểm cao nhất trong đề thi, đòi hỏi các em dành nhiều nhất thời gian và tâm sức. Các em cần xác định chính xác yêu cầu nghị luận thể hiện trong đề bài, đặc biệt trong câu lệnh, phác họa sơ lược hướng triển khai nội dung nghị luận để quá trình viết không lan man hoặc sơ sài. Nếu đoạn văn nghị luận xã hội cần thể hiện cái tôi bản lĩnh, trung thực thì bài nghị luận văn học rất cần khả năng cảm nhận tinh tế, sự phân tích sâu sắc và tình cảm chân thành.

HẠNH NHÂN - PHƯƠNG LAN