Nhà báo, bảo vệ mình bằng cách nào?
Trò chuyện với PV Báo Ðại Ðoàn Kết nhân Ngày Báo chí cách mạng Việt Nam, PGS.TS Ðỗ Thị Thu Hằng - Trưởng ban Nghiệp vụ Hội Nhà báo Việt Nam cho rằng nghề báo là nghề nguy hiểm. Trong bất cứ tình huống nào, nhà báo luôn luôn phải tác nghiệp cẩn trọng, đúng pháp luật cũng như chuẩn bị, lưu giữ những minh chứng cần thiết đề phòng sự “phản pháo” gây bất lợi cho mình.
PV: Ngay trong tháng 6 này, 2 phóng viên Đài Phát thanh và Truyền hình Hà Nội trong quá trình tác nghiệp tại hiện trường bị hành hung. Đây không phải là trường hợp đầu tiên mà thời gian qua nhiều nhà báo phải đối diện với những rủi ro trong hoạt động hành nghề, bị xâm phạm quyền hành nghề, sức khỏe, tính mạng, danh dự và nhân phẩm…. Hội Nhà báo Việt Nam có nhận được những thông tin này hay những đơn thư phản ánh từ các hội viên hội nhà báo đề nghị bảo vệ quyền hành nghề hợp pháp của nhà báo không, thưa bà?
PGS.TS ĐỖ THỊ THU HẰNG: Đối với sự việc của phóng viên Đài Phát thanh và Truyền hình Hà Nội, Hội Nhà báo Việt Nam đã nắm được thông tin và đang phối hợp với các cơ quan chức năng, cơ quan báo chí để bảo vệ quyền lợi hợp pháp của phóng viên. Trung ương Hội Nhà báo Việt Nam cam kết sẽ bảo vệ nhà báo khi tác nghiệp đúng pháp luật.
Về tổng hợp đơn thư, thống kê gần đây nhất cho thấy số lượng cũng không tăng, không giảm so với những năm gần đây. Tôi cho rằng, một trong những lý do là nhiều vụ việc đã được xử lý xong một cách suôn sẻ. Các nhà báo và các cơ quan báo chí hiện nay có cách xử lý tương đối nhanh và hiệu quả trong việc tự bảo vệ hội viên nhà báo của mình khi tác nghiệp. Chẳng hạn, ngay khi nhận được thông tin về việc phóng viên bị hành hung hay bị cản trở tác nghiệp, cơ quan báo chí cũng xử lý rất kịp thời.
Đây là một trong những bước tiến của các cơ quan báo chí, đặc biệt là những người đứng đầu đã rất công tâm và kịp thời thông tin đến các cơ quan chức năng và Hội Nhà báo Việt Nam để xử lý sớm nhất và bảo vệ cho các nhà báo khi tác nghiệp.
PGS.TS Đỗ Thị Thu Hằng khi công tác tại Học viện Báo chí và Tuyên truyền, bà là Viện trưởng Viện Báo chí, là người sáng lập và Chủ nhiệm Câu lạc bộ Báo chí truyền thông CJC, Câu lạc bộ Báo chí điều tra, Câu lạc bộ Truyền thông Trẻ… đồng thời trực tiếp giảng dạy nhiều môn, trong đó có Báo chí điều tra.
Nhiều vụ tham nhũng, tiêu cực được đưa ra ánh sáng là do báo chí phát hiện. Tuy nhiên nhiều nhà báo đã và đang phải đối diện với những rủi ro trong hoạt động hành nghề. Vậy vấn đề bảo vệ quyền hành nghề hợp pháp của nhà báo đang được đảm bảo như thế nào, thưa bà?
- Các nhà báo luôn nhớ rằng, pháp luật và Hội Nhà báo Việt Nam chỉ bảo vệ người hành nghề đúng luật pháp. Nếu không đúng pháp luật thì dù có muốn chúng ta cũng không thể bảo vệ được. Vì vậy, trước hết dù làm gì thì nhà báo cũng cần phải tuân thủ đúng pháp luật.
Thứ hai là kiến thức và kỹ năng trong tác nghiệp để đảm bảo việc tiếp cận với nguồn tin, đặt vấn đề với nhân vật, có những trao đổi theo đúng nguyên tắc nghề nghiệp mình đã được học trong nhà trường, tìm hiểu trong các tài liệu, văn bản liên quan. Tất cả những điều này đều có nguyên tắc, được quy định đầy đủ trong Luật Báo chí, Luật Phòng, chống tham nhũng…
Riêng với những trường hợp cá biệt, bằng các kiến thức kỹ năng nghề nghiệp của mình, căn cứ vào pháp luật và chuẩn mực đạo đức nghề nghiệp mà tham chiếu nó và có được quyết định về ứng xử thích hợp, phù hợp với các yếu tố đã đề cập ở trên. Đặc biệt, đề cao trách nhiệm của nhà báo khi chúng ta tiếp cận với người dân, nếu chúng ta không tôn trọng họ, không cư xử có văn hóa với họ thì tự nhà báo đã đi ngược lại với những mục tiêu của nghề nghiệp, những giá trị mà chúng ta tôn trọng trong công việc của mình.
Là Trưởng ban Nghiệp vụ Hội Nhà báo Việt Nam, cũng như đã tham gia hoạt động đào tạo sinh viên báo chí nhiều chục năm, theo bà mỗi nhà báo cần làm gì để tự bảo vệ mình?
- Trước tiên trong tất cả các khóa đào tạo, những người được học ở các trường báo chí đều đã được học môn Lao động nhà báo và một số những môn liên quan đến tác nghiệp tại hiện trường, kỹ năng tự bảo vệ bản thân, xử lý những rắc rối có thể xảy ra… Việc phòng ngừa bao giờ cũng phải được nhấn mạnh thông qua việc học tập, trau dồi những kiến thức, kỹ năng được học ở trong trường. Trong quá trình sinh viên báo chí đi thực tế, thực tập tại các cơ quan báo chí, họ cũng được rèn luyện rất tốt. Đã là nhà báo thì đó là kỹ năng sống còn cần chuẩn bị để phục vụ cho công việc tương lai.
Tại từng cơ quan báo chí, việc trang bị kỹ năng này cho các nhà báo có thể khác nhau ở từng tòa soạn, những tòa soạn có những bài báo chất lượng mang tính chất điều tra, những bài báo đoạt giải báo chí có chất lượng cao, những người làm công tác quản lý về nội dung như Tổng biên tập, Phó Tổng biên tập phụ trách nội dung hay phụ trách báo điện tử, báo in, thư ký tòa soạn, các ban chuyên môn… đó là những người tham gia quản lý nội dung đồng thời quản lý tác nghiệp của người làm báo. Họ có trách nhiệm cao khi duyệt một kế hoạch loạt bài nào đó mà có phân công phóng viên, biên tập viên đi hiện trường, bao giờ họ cũng quán xuyến về nguyên tắc cũng như chịu trách nhiệm trước tòa soạn về việc bảo vệ nhà báo. Đấy là một trong những điểm khác biệt giữa báo chí Việt Nam với những người làm báo ở nước ngoài. Đó là trách nhiệm bảo toàn tính mạng, sức khỏe, thân thể và nhân phẩm của nhà báo… của các cơ quan báo chí của Việt Nam. Tôi nghĩ rằng đó là điều rất quan trọng và thể hiện rõ tính ưu việt của nền báo chí cách mạng Việt Nam so với những nền báo chí khác.
Vai trò của Hội Nhà báo Việt Nam trong tự do tác nghiệp báo chí đó là bảo vệ đồng thời cũng có trách nhiệm giám sát hành nghề của các nhà báo. Bởi trong số những nhà báo bị hành hung thì có những nhà báo làm không đúng pháp luật hoặc có cách thức tiếp cận vụng về, hoặc tác nghiệp, kết nối với nhân vật, các cơ quan tổ chức người dân, cách thức đặt vấn đề, văn hóa giao tiếp và kỹ thuật giao tiếp báo chí của họ chưa được khéo léo dẫn tới những người được tiếp cận hiểu lầm, hoặc họ cảm thấy không được tôn trọng. Thậm chí có những người không có sự tín nhiệm báo chí, họ luôn nghĩ rằng báo chí chỉ gây phiền hà cho họ. Họ không nhìn thấy lợi ích của họ ở trong đó và họ không chào đón báo chí. Nếu nhà báo tiếp cận họ mà cách đặt vấn đề không khéo léo thì có thể không nhận được sự hợp tác, thậm chí ở mức độ cao hơn là xô xát, hành hung như một số vụ việc đã xảy ra.
Giải Báo chí toàn quốc đấu tranh phòng, chống tham nhũng tiêu cực cũng như nhiều giải thưởng báo chí khác tôn vinh những nhà báo có tác nghiệp nguy hiểm. Tuy nhiên vấn đề đặt ra đó là sau tôn vinh, việc bảo vệ nhà báo sẽ ra sao. Bởi khi họ công khai danh tính, hình ảnh thì việc có thể bị các cá nhân, tổ chức đề cập trong bài báo hành hung hoàn toàn có thể xảy ra?
- Với Giải Báo chí toàn quốc đấu tranh phòng, chống tham nhũng tiêu cực do UBTƯ MTTQ Việt Nam phối hợp với Hội Nhà báo Việt Nam và Đài Truyền hình Việt Nam đồng tổ chức, ông Nguyễn Hữu Dũng - Phó Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam, Trưởng ban tổ chức Giải cũng đã có những cam kết rất rõ ràng về việc bảo vệ nhà báo đoạt giải. Đây là một trong những cam kết đem lại sự an tâm lớn đối với những người tham dự giải nói riêng cũng như các cơ quan báo chí, cơ quan chủ quản báo chí. Đấy chính là một trong những giải pháp tạo ra sự an toàn cho các nhà báo dũng cảm đấu tranh và viết bài đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.
Nhưng cũng cần khẳng định rằng, bên cạnh việc bảo vệ này thì chính nhà báo bằng kiến thức, kỹ năng, kinh nghiệm của mình sẽ tự bảo vệ mình tốt nhất. Không ai khác ngoài nhà báo hiểu rõ nhất đâu là những kẽ hở cho những lực lượng phản pháo lại nên những bài báo cần có sự chặt chẽ về mặt pháp lý, có những minh chứng, bằng chứng để bảo vệ cho chính mình, cho cơ quan báo chí.
Trân trọng cảm ơn bà!
Người làm báo phải nhớ rằng, khi dân còn tin mình, yêu mình, trao cho mình thông tin, che chở cho mình thì đấy là lúc giá trị của báo chí vẫn còn được ghi nhận. Sự ghi nhận đó phụ thuộc vào thái độ, hành vi ứng xử, cách làm việc của nhà báo… Làm gì để dân tin thì đó là câu hỏi với mọi nhà báo. Nếu vì những mối lợi ích nhỏ hay lớn mà hành xử đi ngược lại những giá trị và lợi ích của người dân thì không thể giành được niềm tin của người dân.