AI có thể tinh giản biên chế tòa soạn?

TRẦN BÌNH 26/06/2023 08:00

Hiện không ít tòa soạn loay hoay tích hợp truyền thông đa phương tiện, chuyển dịch từ báo in truyền thống sang báo điện tử, không ít nhà báo còn mơ hồ với các khái niệm về truyền thông số… thì nhiều nơi, trí tuệ nhân tạo (AI) như thể đã thay phóng viên làm nhiều vị trí khác nhau trong tòa soạn.

Tranh minh hoạ về Hà Nội những năm 90 được AI vẽ trong 10 giây theo mô tả của người dùng.

AI “giành” nhiều việc của phóng viên

Hiện nay, nhiều tòa soạn công nghệ đã sử dụng AI như một nhân sự đắc lực trong việc sản xuất nội dung. AI đã được sử dụng để thu thập dữ liệu từ nhiều nguồn thông tin khác nhau trên Internet. Hệ thống AI có khả năng tự động quét và tóm tắt thông tin từ các trang tin tức, mạng xã hội, blog và các nguồn tin khác. Điều này giúp các tòa soạn báo thu thập thông tin một cách nhanh chóng mà không cần phải sử dụng nhiều phóng viên.

Nhiều tòa soạn báo đã, đang sử dụng AI để phân tích dữ liệu từ nguồn tin tức, thống kê số liệu và phân tích xu hướng. Điều này giúp họ nhận biết những chủ đề nóng, những xu hướng đang phát triển và tạo ra những bài viết theo yêu cầu của độc giả.

AI có khả năng tạo ra những bài viết ngắn và bài viết tổng hợp dựa trên dữ liệu đã được thu thập và phân tích. Các tòa soạn báo sử dụng AI để tạo ra các bài viết ngắn về thông tin nhanh, các bài viết tổng hợp về một chủ đề cụ thể hoặc thậm chí những bài viết phân tích sâu về các vấn đề phức tạp. AI có khả năng tạo ra nội dung văn bản có cấu trúc, logic và chất lượng gần tương đương với các bài viết do con người sáng tác. Tuy nhiên, bài viết của AI vẫn cần được kiểm tra và chỉnh sửa bởi biên tập viên để đảm bảo chất lượng và sự chính xác.

ChatGPT là một ứng dụng AI mới. ChatGPT được OpenAI phát triển từ 2015 và mới được đưa vào ứng dụng rộng rãi từ tháng 11/2022. Theo công bố của OpenAI, ChatGPT được huấn luyện với khoảng 300 tỷ từ, 175 tỷ tham số, tổng thời gian huấn luyện gộp là 300 năm với chi phí huấn luyện hơn 5 triệu USD và điểm khác biệt của AI này nằm ở “kho” kiến thức đã học được, ChatGPT có thể hiểu được nội dung câu hỏi và nhanh chóng đưa ra câu trả lời lưu loát chỉ trong vài giây.

ChatGPT có thể được ứng dụng để tạo ra bài viết ngắn về tin tức nhanh, cập nhật thông tin thời sự, hay thậm chí viết những bài viết phân tích dựa trên dữ liệu và số liệu. Điều này giúp tăng tốc độ sản xuất nội dung và giảm công việc tư duy và sáng tạo của phóng viên. Nếu biết cách sử dụng, ChatGPT có thể giúp các tòa soạn báo tăng tốc độ tổng hợp tin tức với số lượng bài tổng hợp không giới hạn, cách sắp xếp câu từ ít có khả năng bị trùng lặp như biên tập viên tổng hợp thông thường. ChatGPT có thể hoạt động liên tục 24/7, không biết mệt mỏi, người sử dụng có thể yêu cầu viết lại nhiều lần mà không hề bị “tỏ thái độ”.

ChatGPT cũng được cảnh báo sẽ tác động sâu sắc đến nhân lực của ngành biên - phiên dịch. Sử dụng AI trong dịch thuật các tòa soạn vừa tiết kiệm được thời gian vừa tiết kiệm được nhân sự. “Các công cụ dịch của AI gợi ý cho người đọc một số cách dịch khá sáng tạo mà bản thân người đó đôi khi không hề nghĩ tới” - chị Nguyễn Hồng Loan làm nghề biên dịch - phiên dịch nhận xét.

OpenAI, cha đẻ của công cụ ChatGPT cũng đã chính thức cung cấp dịch vụ giao diện lập trình ứng dụng (API) Whisper có thể chuyển tiếng nói thành văn bản (đa ngôn ngữ, trong đó có tiếng Việt). Và ngược lại, từ văn bản có sẵn, các tòa soạn cũng có thể biến văn bản thành tiếng nói bằng công cụ AI.

Nhiều tòa soạn báo đã, đang sử dụng AI để phân tích dữ liệu từ nguồn tin tức, thống kê số liệu và phân tích xu hướng. Điều này giúp họ nhận biết những chủ đề nóng, những xu hướng đang phát triển và tạo ra những bài viết theo yêu cầu của độc giả.

Không ít các tòa soạn đã dử dụng AI vào việc lồng tiếng. AI hoàn toàn có thể chuyển đổi văn bản khô khan, nhàm chán thành những lời thuyết minh video, bình luận, lồng tiếng cho các nhân vật trong video với nhiều ngôn ngữ, giọng điệu khác nhau. Một số diễn viên lồng tiếng nói họ cảm thấy bất ngờ và và lo lắng khi bị các công cụ AI “tranh giành” công việc. Mike Cooper, diễn viên lồng tiếng người Anh làm việc tại Mỹ, cũng tìm thấy giọng nói của mình trên 2 website tạo giọng nói bằng AI.

AI cũng đang thay thế một số vị trí thiết kế, đồ họa. AI hoàn toàn có thể chuyển tải những mô tả hay yêu cầu bằng văn bản của người dùng sang tranh minh họa hay bản vẽ thiết kế chỉ trong vài giây. Cũng tương tự như AI viết bài, nếu thiết kế của AI chưa được người dùng ưng ý, AI sẵn sàng thiết kế lại mà không hề cảm thấy phiền toái.

Được biết, công nghệ AI đã giúp hãng thông tấn AP tự động tạo ra khoảng 40.000 tin bài mỗi năm - chỉ một phần nhỏ trong tổng số tin bài mà hãng tin toàn cầu sản xuất nhưng nó đã khẳng định được lợi ích của việc sử dụng AI trong sản xuất nội dung.

Bà Lisa Gibbs - Giám đốc Quan hệ Đối tác Tin tức và Trưởng nhóm Tin tức AI tại AP cho biết, AI giải phóng các nhà báo của họ khỏi những công việc thường ngày, để các nhà báo có thời gian làm những công việc cấp cao hơn, sử dụng đến sự sáng tạo nhiều hơn.

Ông Charlie Beckett - Giám đốc tổ chức tư vấn truyền thông Polis tại Trường Kinh tế London (Anh), người gần đây đã dẫn đầu một nghiên cứu về 71 tổ chức tin tức ở 32 quốc gia cho biết, ông nhận thấy tiềm năng của trí tuệ nhân tạo mang đến cho các nhà báo “khả năng khám phá, sáng tạo và kết nối mới” và ông tin rằng “máy móc có thể sớm thay thế thực hiện nhiều công việc báo chí thông thường”.

Nhà báo điều tra vẫn... an toàn

Đại diện Nhà xuất bản Axel Springer của Đức (nhà xuất bản báo lớn nhất châu Âu) phát biểu trên tờ The Guardian (Anh) rằng, các phóng viên sản xuất tin tức thông thường có thể được thay thế bởi AI ngoại trừ phóng viên điều tra.

AI đã và đang làm rất nhiều việc của phóng viên, nhiều phóng viên sẽ bị thay thế bởi trí tuệ nhân tạo; Các công cụ hỗ trợ AI hứa hẹn “một cuộc cách mạng” về thông tin khi khiến cho nghề báo trở nên độc lập hơn bao giờ hết, thậm chí có thể thay thế nghề báo.

Trước nguy cơ AI sớm có khả năng tổng hợp thông tin tốt hơn con người, Giám đốc điều hành Axel Springer khuyến nghị các tòa soạn phải chú trọng vào những bài bình luận, tin tức độc quyền, hấp dẫn hoặc bài báo điều tra mà máy móc, công nghệ không thể thực hiện được.

“Việc tìm kiếm sự thực đằng sau những câu chuyện sẽ vẫn là công việc của các nhà báo. Chỉ những ai có thể tạo ra nội dung gốc tốt nhất mới tồn tại” - CNN dẫn lời khẳng định của ông Mathias Döpfne - Tổng Giám đốc của Axel Springer.

Mặc dù không nói có bao nhiêu nhân viên của họ có thể bị cắt, nhưng Axel Springer khẳng định, sẽ không cắt giảm các phóng viên đưa tin trực tiếp, các tác giả không ngừng sáng tạo, các biên tập viên hiểu biết rộng và biết ứng dụng kỹ thuật số.

Ông chủ của Polotico (Politico, trước đây là The Politico, là một công ty báo chí chính trị Mỹ) cũng đang đốc thúc tổ chức này tập trung vào phát triển phóng viên điều tra và khai thác tin tức độc quyền. Đây được coi như một sự chuẩn bị cho việc cắt giảm một số vị trí việc làm thiếu tính sáng tạo và không có sự mới lạ.

TRẦN BÌNH