Đã đến lúc phải chuyển đổi tư duy làm báo

TRẦN THANH (ghi) 23/06/2023 07:00

Theo ông Lê Nguyễn Trường Giang - Viện trưởng Viện chiến lược chuyển đổi số, Hội Truyền thông số Việt Nam, chúng ta phải chuyển đổi tư duy làm báo từ analog thinking (tư duy tương tự) sang digital thinking (tư duy số). Tức là phải làm cho các nội dung tin tức và các hoạt động báo chí trở thành các thành phần có thể đóng gói được, có thể phân phối, tạo thành các sản phẩm báo chí mới mà không nhất thiết phải chuẩn bị lại nội dung.

AI không mới

Cuộc cách mạng kỹ thuật số đã làm thay đổi một cách căn bản, toàn diện bản chất của nền tảng vận hành xã hội nhờ việc ứng dụng ngày càng sâu, rộng các tiến trình công nghệ số và dữ liệu số vào các hoạt động hàng ngày của đời sống xã hội - một kỷ nguyên số đang hình thành và phát triển. Do vậy, các tổ chức truyền thông, cũng không đứng ngoài xu thế biến đổi này, phải đối mặt trước những thay đổi mang tính bước ngoặt, phải thích ứng để tồn tại và hình thành nên những phương thức tổ chức mới để phát triển và cạnh tranh.

Một trong những nền tảng căn bản nhất của nền tảng vận hành xã hội mới đó chính là dữ liệu số. Công nghệ số càng được áp dụng một cách phổ biến, rộng rãi, sâu rộng trong mọi lĩnh vực, càng cho phép tạo ra ngày càng nhiều dữ liệu số.

Trí tuệ nhân tạo (AI) là một trong các công nghệ đóng góp một cách căn bản cho việc ra quyết định dựa trên dữ liệu. Không phải là một công nghệ mới và đã được phát triển từ những thập kỷ 60 của thế kỷ XX, nhưng những bước ngoặt về phương pháp trong đầu thế kỷ XXI, cùng với sự gia tăng mang tính đột phá của năng lực công nghệ tính toán, sự phổ biến của công nghệ số và kéo theo đó là sự phát triển của Internet vạn vật (Internet of Things) đã cho phép AI đạt được những bước tiến đột phá. Những thứ lặp lại, những năng lực mà con người vốn bị giới hạn bởi khả năng sinh lý, vật lý và cả tâm lý đang được AI hỗ trợ để vượt qua các giới hạn này theo cấp số nhân. Chính trong bối cảnh đó, AI bỗng nhiên đặt ra một thách thức mới, một đe dọa mới cho sự thay thế chính con người trong các trình vận hành của các tổ chức, của xã hội. Nhưng phải chăng đó là một sự thay thế mang tính phủ định hay là một sự thay thế mang tính đột phá sáng tạo (disruption)?

Thay đổi để thích ứng

Nhà báo thực sự là ai? Nếu chỉ đơn thuần, nhà báo là người tập hợp các thông tin, dữ liệu, xào xáo và biến nó thành các “món ăn thông tin báo chí”, AI sẽ thực sự thay thế nhà báo một cách nhanh chóng, làm tốt hơn, nhanh hơn, hiệu quả hơn với chi phí thấp hơn rất nhiều lần.

Nhưng nếu mỗi nhà báo là một lăng kính phản ánh đời sống hiện thực xã hội qua việc thu thập các thông tin, dữ liệu và chuyển hóa nó thành những sản phẩm báo chí, đặt vào trong mỗi sản phẩm đó bản sắc, văn phong, và cả những hàm lượng tri thức cho sự kiến giải, AI sẽ không thể làm thay nhà báo. Chính cái lăng kính của nhà báo đã tạo ra một sự độc đáo phi tuyến tính mà AI sẽ không thể tạo nên thương hiệu của nhà báo. Ở đó, AI sẽ là một phương tiện, công cụ giúp cho nhà báo mở rộng những giới hạn năng lực của mình.

Năng lực của AI đến từ khả năng thiết lập các thuật toán hiệu quả và đặc biệt là phụ thuộc rất lớn vào chất lượng và nguồn dữ liệu mà nó sử dụng như nguồn đầu vào cho tiến trình hoạt động của mình. Do vậy, nếu tư duy của một nhà báo hạn hẹp, thiếu tính hệ thống, thiếu trình độ chuyên môn và không ngừng học tập liên tục, AI sẽ có thể vượt qua nhà báo và thay thế nhà báo trong việc tổng hợp, phân tích, xử lý và đưa ra những kết quả vượt trội.

Nhưng một nhà báo có năng lực tư duy và tri thức rộng sẽ luôn vững vàng trước mọi thách thức mà AI đặt ra, thậm chí có thể nhanh chóng thuần hóa AI thành phương tiện, bằng việc chọn lọc và làm sạch, làm cho dữ liệu trở nên có chất lượng, có giá trị nhờ trí tuệ và trí tuệ của mình.

AI dù phát triển đến đỉnh cao cũng chỉ tiệm cận được đến gần trí tuệ và không thể đạt được cấp độ trí tuệ.

Muốn đứng vững trước những thách thức mà AI đặt ra, nhà báo buộc phải thay đổi để thích ứng hiệu quả với môi trường mới mà kỷ nguyên số đặt ra. Chỉ cần không tầm thường hóa nghề báo, thực sự đưa việc làm báo đúng với vị thế của nó như một “nghệ thuật truyền thông”, đòi hỏi nhà báo luôn trau dồi, luôn sáng tạo, luôn học hỏi, và luôn nâng tầm chất lượng của công việc hàng ngày của mình, những thách thức mà AI đặt ra sẽ được hóa giải.

Chuyển đổi số là sự chuyển đổi cách thức làm việc để có ứng dụng các công nghệ vào tiến trình làm việc cho khoa học hơn, hiệu quả hơn và tạo nên một không gian mới – không gian lai (hybird space) giữa người và máy (H2M), trong đó con người và máy móc hợp thành một thể phức hợp. Máy móc (công nghệ) giúp con người mở rộng những giới hạn của phần “con” để gia tăng giá trị mà phần “người” tạo ra.

Nhà báo phải hướng đến một nền tảng báo chí mới, đa phương tiện, đa kênh, đa nền tảng và quan trọng nhất là phải chuyển hóa được những sản phẩm thông tin báo chí trở thành dữ liệu, vốn hóa nó nhờ khả năng hệ thống hóa nó thành những cơ sở dữ liệu tạo ra giá trị gia tăng liên tục nhờ việc bổ sung những bài viết mới, và tạo ra những giao thức cho phép “đồng bộ hóa” (sync) người đọc (độc giả) với chính những bài viết của mình. Khi đó AI sẽ là một công cụ hỗ trợ quan trọng cho phép nhà báo sử dụng để tạo nên tính hệ thống, sàng lọc những sự lặp lại, kiểm chứng một cách toàn diện nhất có thể và kịp thời bổ sung những thông tin, dữ liệu mới với tốc độ nhanh.

Khi chúng ta hiểu được chính nghề nghiệp của mình, hiểu được đúng bản chất của công nghệ (AI), chúng ta sẽ biết được mình sẽ cần tái định tòa soạn của mình ra sao để công nghệ có thể góp phần tạo ra sự đột phá năng suất, biết cách đồng hành cùng công nghệ (AI) một cách an toàn và hiệu quả. Mọi thứ đều do cách ta tư duy mà ra. Cũng như một người nghệ sĩ với nhạc cụ của mình có thể hòa thành một giai điệu tuyệt vời khi cả hai cùng tạo nên sự đồng điệu, nhà báo cũng vậy, với công nghệ (AI) hoàn toàn cũng có thể hòa điệu với dữ liệu để tạo nên những tác phẩm chất lượng với hiệu suất cao.

Không chỉ lấn sân vào lĩnh vực báo chí, AI đã có những bước tiến nhảy vọt trong nhiều lĩnh vực kể cả y học. Vượt qua 2.200 chuyên gia trí tuệ nhân tạo trên toàn thế giới, anh Nguyễn Hồng Đăng – một kỹ sư người Việt vừa giành giải nhất cuộc thi “Phát hiện ung thư vú qua sàng lọc nhũ ảnh” bằng công nghệ AI. AI có thể thay bác sĩ, tự động nhận diện các dấu hiệu bệnh ung thư vú từ một vùng rất nhỏ trong nhũ ảnh.

Ngoài ra, các nhà khoa học tại Đại học Texas (Mỹ) đã phát triển một hệ thống AI không xâm lấn tập trung vào việc “dịch” hoạt động não bộ con người thành một luồng văn bản. Hệ thống AI này được gọi là bộ giải mã ngữ nghĩa. Hệ thống này có thể giúp người bệnh mất khả năng giao tiếp vật lý có thể chuyển tải được thông tin ra ngoài.

TRẦN THANH (ghi)