Gặp lại người ‘say việc làng’

KHÚC HÀ LINH 05/07/2023 07:18

Sinh thời Bác Hồ rất quan tâm, khuyến khích các nhà báo viết về gương người tốt việc tốt. Với tôi, khi nhân vật người tốt việc tốt đã xuất hiện trên trang viết, mặc nhiên họ thành người của công chúng. Ảnh hưởng của nhân vật được lan tỏa, có tác dụng giáo dục và định hướng xã hội. Viết về gương người tốt việc tốt, kể chuyện số phận những con người, đã có lần tôi được nhận giải thưởng Báo chí Vì sự nghiệp đại đoàn kết toàn dân tộc.

Tác giả và ông Lương Văn Tháp (bên phải) - ảnh chụp năm 2023.

Tôi quê ở huyện Chí Linh (nay là TP Chí Linh, Hải Dương). Những năm 90 của thế kỷ trước, tôi biết kỹ sư Lương Văn Tháp, từng là Thường vụ Huyện ủy, Trưởng phòng Nông nghiệp huyện, một cán bộ khoa học tận tuỵ với nông nghiệp, nông thôn và nông dân… Ông luôn mang trong mình một tư duy mới, có tư tưởng khám phá và tiên phong.

Thời ấy ở vùng đất trũng xã Hưng Đạo, Lê Lợi trong huyện, nông dân chỉ gieo cấy được một vụ chiêm xuân. Còn vụ mùa ngập úng không thể trồng lúa được. Nếu theo lịch cấy trồng chung của toàn tỉnh thì đến vụ chiêm lúa chưa kịp gặt đã chịu những trận mưa tiểu mãn còn gọi là trận mưa cá đẻ làm mất mùa. Ông Tháp đã dành ra mấy năm nghiên cứu quy luật tự nhiên này và soạn ra lịch riêng cho hai xã, hướng dẫn nông dân gieo mạ sớm, cấy sớm, gặt sớm trước mùa mưa và nông dân được mùa bội thu, hết lời ca ngợi kỹ sư Tháp.

Thế nhưng…

Năm ấy trời bỗng dưng đổ mưa rào vào tháng 12, làm thất thoát nhiều tấn thóc giống. Ông bị kỷ luật, cách chức cấp ủy, mất chức trưởng phòng, chỉ còn là đảng viên. Ông tình nguyện đi tăng cường ở xã, giúp bà con nông dân trồng cây ăn quả, trồng rừng. Sau đó bằng sự cố gắng tại Đại hội Đảng bộ huyện ông lại được đề cử và trúng vào cấp ủy. Ông lại làm trưởng phòng cho đến tuổi về hưu.

Những năm đầu về quê, ông đi chợ mua một bộ quang sọt sắt, và chiều chiều ra bãi sông thu phân trâu về bón cây, bón lúa. Người làng nói mát, cán bộ cỡ Thường vụ Huyện ủy, bây giờ về làng cũng lại nhặt phân trâu. Người hiểu ông thì gật gù: Ông Tháp thâm thúy lắm. Con cháu nhìn ông cần cù lấy đó làm gương.

Dạo ấy phong trào xây dựng làng văn hóa đang được tuyên truyền mạnh mẽ. Khắp nơi, người ta soạn thảo hương ước, khôi phục đình chùa, câu lạc bộ, làm sân bóng… Ông Tháp tham gia ban vận động xây dựng làng văn hóa và đề xuất với lãnh đạo cho thu hồi đất vườn bị lấn chiếm, xây lại đình đã bị phá. Ông vào từng gia đình, gặp gỡ từng người, kể cả con cháu để tuyên truyền quyên góp xây đình.

Đã có đình làng, ông Tháp nghĩ tới lập ra sân bóng để thể dục thể thao. Ông bảo: “Không có sân thể dục thể thao thì thanh thiếu niên chơi ở đâu?”. Rồi đề xuất xóa ao rau muống để làm sân chơi.

Thấy trên tivi đưa tin làng vui chơi làng ca hát, thấy các nơi có phong trào văn nghệ quần chúng, ông tìm cách lập đội văn nghệ.

Ông Tháp để ý, trong làng có các cháu học giỏi được nhận phần thưởng ở trường xã, nhưng về làng chẳng ai biết, coi như "áo gấm đi đêm". Ông đề xuất với lãnh đạo, nhân vui tết trung thu hàng năm, nên kết hợp tuyên dương thành tích học tập của học sinh trong làng để xóm làng đều biết, động viên.

Thấy ông lăn lộn đêm ngày với phong trào xây dựng đời sống văn hóa ở làng quê, ban đầu không ít người nghi ngờ. Còn vợ ông cũng có lúc phàn nàn: “Ông hưu trí mà vẫn như không, chẳng giúp được gì cho gia đình chỉ đi làm không công cho làng”.

Về hưu hơn chục năm, ông khoe từng đảm nhận 7 chức trưởng ban: Trưởng ban xây dựng làng văn hóa; Trưởng ban xây dựng đình làng; Trưởng ban tết trung thu và khuyến học; Trưởng ban xây nhà tình nghĩa... Ông được tặng nhiều giấy khen, được đi báo cáo điển hình, dự Đại hội Thi đua yêu nước lần thứ II tỉnh Hải Dương.

Ông Tháp tích cực tham gia xây dựng cuộc sống mới làng quê. Có người bảo ông là người thổi tù và hàng tổng, lại có người bảo ông là người của làng. Giữa lúc con người ào ạt, đua chen đi lao vào cuộc sống thương trường, sao nhãng giáo dục đạo đức, bỏ hết việc giữ gìn phong hóa… thì ông lại lấy cái niềm vui của tuổi già bằng việc làm thiết thực một cái gì đó để mà quý mà yêu.

Tôi tìm về làng Bích Thủy, xã Văn Đức thăm ông. Vẫn dáng cũ, nhanh nhẹn, tất tả và cười dí dỏm pha trò. Tôi nghe chuyện, ghi chép, và xin ông một tấm ảnh làm tư liệu. Bức ảnh ông đọc diễn văn Lễ khởi công xây dựng đình làng Bích Thủy rất tự tin đứng giữa bộn bề những đống gạch mới, chuẩn bị xây đình.

Bài báo xong rồi, còn chưa tìm được tiêu đề thì tự bên tai tôi vẳng nghe như tiếng bà Tháp nói vui hôm ấy: “Ông nhà tôi chẳng được tích sự gì, về hưu mà vẫn như không, chỉ trốn việc nhà ra ở chùa, chú ạ”.

Đây rồi, tiêu đề của bài thế là xong. Tôi chữa đi thành “Chuyện về người tránh việc nhà thiết tha việc làng”. Bài báo được đăng trên tờ Hải Dương cuối tuần, năm 2008.

Một hôm đọc báo Đại Đoàn Kết, biết đang có cuộc thi Báo chí Vì sự nghiệp đại đoàn kết toàn dân tộc lần thứ VI năm 2008, nhân dịp kỷ niệm 78 năm thành lập Mặt trận Dân tộc thống nhất Việt Nam, do Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tổ chức. Tôi nghĩ ngay tới bài báo về con người tận tuỵ với việc làng, và không chần chừ tìm luôn tờ báo được biếu cắt ra, kèm theo phiếu tự khai rồi gửi dự thi.

Một lần mở đọc báo trên mạng. Bỗng phát hiện trên cổng thông tin của Ban Tuyên giáo Trung ương thấy xuất hiện tên mình được in đậm. Lúc đó tôi mới hay giải báo chí của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã có danh sách trúng thưởng.

Tôi thực sự bất ngờ, vui sướng.

Đang lúc lúng túng không biết về Hà Nội nhận giải thế nào, thì một lãnh đạo báo Hải Dương điện thoại bảo rằng, cứ yên tâm ở nhà, báo Hải Dương cũng có giấy mời ra Hà Nội dự Lễ trao giải thưởng, sẽ đón tôi cùng đi.

Một buổi lễ trao giải báo chí trong không khí rất long trọng. Khi đó, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Thường trực Nguyễn Sinh Hùng đến dự và trao giải. Tên tác phẩm, tác giả trúng giải cùng danh tính Báo Hải Dương vang lên trong căn phòng sang trọng tại thủ đô Hà Nội khiến cho chúng tôi có chút tự hào và hãnh diện.

Bẵng đi 15 năm, gần đây tôi lại về làng Bích Thủy thăm ông Tháp, “ông tránh việc nhà thiết tha việc làng”. Mới đến đầu làng hỏi về nhà ông Tháp, ai cũng biết. Họ chỉ dẫn tận tình và kèm một câu đầy mến mộ: “Ông Tháp người của làng” đấy. Bước sang tuổi 85, ông vẫn vui vẻ, lạc quan và hay cười. Ông dẫn tôi ra vườn, ra con đê sau nhà, chỉ tay về phía xa và mong ước, sẽ có một dự án mới cho khu đồng đất còn bỏ trống. Ông đã nhường các chức “trưởng ban” cho lớp trẻ nhiều năm rồi, và đang an vui với người bạn đời trong một căn nhà khiêm tốn.

Cộng tác với báo Cứu Quốc, Thống Nhất, Giải Phóng (sau nay là Đại Đoàn Kết) từ những năm 60 của thế kỷ trước, đã viết nhiều bài, nhiều thể loại… nhưng chỉ đến năm 2008 tôi mới được vinh dự nhận giải thưởng của Mặt trận, khi viết về gương người tốt việc tốt.

Tôi quan niệm thế này: Khi nhân vật người tốt việc tốt đã xuất hiện trên trang viết, mặc nhiên họ thành người của công chúng. Ảnh hưởng của nhân vật được lan tỏa, có tác dụng giáo dục và định hướng đạo đức, nhân cách đối với con người trong xã hội. Bạn đọc chú ý theo dõi nhân vật và nhân vật cảm thấy mình được cộng đồng tôn trọng, và tự mình phải tốt hơn lên.

Càng thấm thía viết về những điển hình tiên tiến, góp phần làm cho “cái tốt nảy nở như hoa mùa xuân”, như Bác Hồ thường nói.

KHÚC HÀ LINH